Khánh thành dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Bắc-Nam
Ngày 14/1, tại cầu đường sắt Sông Bồ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Bộ GTVT đã tổ chức khánh thành Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội-TPHCM (gọi tắt là dự án 44 cầu).
Lễ khánh thành dự án
Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội-TPHCM do Bộ GTVT là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Đường sắt là đại diện Chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ.
Dự án có tổng mức đầu tư là 37,153 tỉ yên và 1.054 tỉ đồng (tương đương 9.284 tỉ đồng) vốn đối ứng, với quy mô bao gồm khôi phục 44 cầu (với tổng chiều dài là 6.553 m) và 45.078 km đường sắt 2 đầu cầu; nâng cấp, cải tạo, làm mới 22 đường ngang; xây mới 3 cầu chui và 24 cống hộp chui dân sinh; nâng cấp, cải tạo, làm mới 15 đường chui dưới cầu; xây mới 2 cầu vượt tại phía Nam ga Ninh Bình và phía Nam cầu Đò Lèn; xây dựng mới ga Ninh Bình; mua sắm 12 chủng loại máy móc, thiết bị phục vụ duy tu, bảo dưỡng cầu, đường sắt.
Việc hoàn thành Dự án trước kế hoạch 8 tháng là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và xuân Bính Thân 2016. Dự án góp phần nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt, nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu (tốc độ thiết kế 120 km/h cho tàu khách, 80 km/h cho tàu hàng) và rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến. Đồng thời, một số nút giao đồng mức cũng được xoá bỏ, bảo đảm an toàn trong quá trình đi lại 2 bên đường sắt của người dân địa phương.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Dự án có nhiều công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng trong xây dựng cầu đường sắt như ray hàn liền, bê tông dự ứng lực...
Dự án rút ngắn khoảng 80 phút hành trình đường sắt Bắc-Nam, có ý nghĩa rất lớn đối với vận tải cả nước. Người dân có thể qua lại sông an toàn bằng các đường hành lang trên cầu và hầm chui qua đường sắt. Hơn nữa, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm trong xây dựng các công trình đường sắt cũng được chuyển giao, tạo dựng sự tin tưởng của nhà thầu Nhật Bản để thực hiện các dự án tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Đinh Khắc Đính nhấn mạnh, Dự án không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực vận tải của ngành đường sắt mà còn góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng giao thông, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế và các địa phương khác.
Nguồn: chinhphu.vn