Sập cầu Ghềnh - đường sắt Bắc - Nam gián đoạn.
Vào lúc 11h35 trưa 20/3, tàu kéo sà lan từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại Km 1699+860 thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu. Vụ đâm đã làm nhịp 3 bị rơi xuống sông hoàn toàn, nhịp 2 đầu Nam rơi xuống sông, đầu Bắc rơi gác lên trụ số 1; sà lan bị lật úp trên sông.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, do sà lan vi phạm quy tắc giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh. Tàu kéo SG - 3745 có công suất 205 CV là của chủ tàu là Phan Thế Thượng, địa chỉ 206 Lô BCC Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Tàu được kiểm định ngày 6/3/2015 và đã hết hạn kiểm định vào ngày 1/12/2015. Còn sà lan mang số hiệu SG - 5984 được kéo theo, người đứng tên đăng ký là Nguyễn Thu Hồng (cùng địa chỉ trên), có hạn đăng kiểm 4/7/2016.
"Chúng tôi nghe tiếng ầm rất lớn từ phía sông, quay ra thì thấy một phần cầu đã đổ sập xuống nước. Có 2 người lóp ngóp dưới đó nhưng được cứu luôn rồi", nhân chứng kể lại.
Cầu Ghềnh bị đâm sập
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn sà lan đâm sập cầu Ghềnh lúc gần 12 giờ ngày 20/3, tỉnh Đồng Nai đã huy động lực lượng để khắc phục hậu quả; xe cứu thương cũng được đưa đến hiện trường. Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo xử lý.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết trong ngày 20 dự kiến có khoảng 1.500 hành khách xuất phát từ ga Sài Gòn. Trong trưa cùng ngày, Trung tâm Vận tải hành khách công cộng và Sở GTVT đã cho một số xe khách đưa khoảng 350 hành khách xuống ga Biên Hòa, sau đó sẽ tiếp tục lên tàu đi theo lịch trình. Đồng thời, những xe này sẽ đưa khách từ Biên Hòa về Sài Gòn.
"Từ chiều đến tối, chúng tôi sẽ tiếp tục cho xe đưa khách của 4 chuyến tàu đi Biên Hoà để tiếp tục hành trình. Trong những ngày cầu Ghềnh đang gặp sự cố, chúng tôi cũng đề nghị khách nên mang theo hành lý đơn giản để tiện cho việc trung chuyển", ông Văn nói Theo ông Văn, ga Sài Gòn vẫn bán vé bình thường, đến giờ sẽ có xe buýt đưa hành khách xuống ga Biên Hòa (Đồng Nai) rồi lên tàu đi tiếp. Tuy nhiên, thời gian có thể trễ hơn bình thường ít nhiều. Nếu hành khách không có nhu cầu đi tàu nữa có thể trả lại vé, không mất phí.
"Đây là sự cố ngoài ý muốn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nên mong quý khách thông cảm", ông Văn nói và cho biết, trung bình mỗi ngày có 9 chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn với khoảng hơn 2.000 hành khách.
Sau sự cố cầu Ghềnh bị đâm sập, nhà ga Biên Hòa, Đồng Nai đông nghịt người. Hàng trăm hành khách về ga Sài Gòn bị kẹt lại, chờ được sắp xếp lên ôtô để về TP HCM.
Cầu Ghềnh được xây dựng hơn 100 năm trước; dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô. Đây là cây cầu huyết mạch của tuyến đường sắt Bắc – Nam. Cách đây hơn 5 năm, vào ngày 6/2/2011 (mùng 4 Tết âm lịch) tại gác chắn xe lửa cầu Ghềnh đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương./.