Cầu dây văng lớn qua sông Tiền

2013/10/19 16:25 - Hà Thanh Oai

Ngày 19/10, tại Đồng Tháp, Bộ GTVT, Cửu Long CIPM và các nhà thầu tổ chức Lễ khởi công xây dựng cầu Cao Lãnh. Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, cầu Cao Lãnh sẽ kết nối mạng lưới giao thông khu vực phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực.

 
Hoàn thiện mạng lưới giao thông Tây Nam bộ
 
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền thuộc địa phận TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò - tỉnh Đồng Tháp, cách bến phà Cao Lãnh khoảng 800m về phía hạ lưu và cách cầu Mỹ Thuận khoảng 35km về phía thượng lưu. Đây là cây cầu dây văng lớn thứ hai (sau cầu Vàm Cống) và cũng là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Tiền (sau cầu Mỹ Thuận). 
 
Cầu Cao Lãnh có tổng chiều dài 2.014,74m, bao gồm: Cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính 350m, chiều dài mỗi nhịp biên 150m. Sơ đồ nhịp (150 + 350 + 150)m. Trụ tháp hình chữ H bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đổ tại chỗ, với chiều cao trụ tháp lên tới hơn 123m. Phần cầu dẫn là dầm SuperT, dài hơn 1.364m. Trong đó, bờ Bắc dài hơn 682m, bờ Nam dài hơn 682m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ô tô và hai làn xe thô sơ, được thiết kế tách làn, đảm bảo ATGT trong quá trình khai thác. 
Theo ông Dương Tuấn Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM), cầu Cao Lãnh là một trong năm hợp phần thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng MêKông. Đây là dự án đặc biệt quan trọng để hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nam bộ. Dự án có tổng chiều dài 78km đi qua địa phận các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang.
 
Ông Minh cũng cho biết, công trình này sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia (thông qua AusAID và giao cho ADB quản lý), vốn vay OCR của ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tư vấn thiết kế kỹ thuật và Giám sát thi công là Liên danh tư vấn quốc tế CDM SMITH Inc. (Mỹ) - WSP FINLAND Limited (Phần Lan) - YOOSHIN Engineering Corporation (Hàn Quốc). 
 
Mới đây, vào ngày 16/10, Cửu Long CIPM đã ký kết Hợp đồng xây dựng gói thầu thi công cầu Cao Lãnh với Liên danh Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Vinaconex E&C (Việt Nam) với giá trúng thầu hơn 3.037 tỷ đồng (tương đương 145 triệu USD). Thời gian thực hiện hợp đồng khoảng 43 tháng, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác tháng 5/2017.
 
Lễ ký kết hợp đồng xây dựng cầu Cao Lãnh
 
Dấu ấn đặc biệt
 
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ kết nối mạng lưới giao thông khu vực phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo giao thông thông suốt liên tục. Dự án cũng góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời còn có ý nghĩa chiến lược trong đảm bảo an ninh quốc phòng.
 
“Đây là dự án viện trợ lớn nhất từ trước đến nay của Chính phủ Australia tại khu vực sông MêKông mở rộng, trong đó, cầu Cao Lãnh là một phần quan trọng. Khi hoàn thành, cầu sẽ thay thế vĩnh viễn những chuyến phà hiện nay tại địa phận Cao Lãnh qua sông Tiền” – ông Minh nói.
 
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, cầu Cao Lãnh hoàn thành sẽ góp phần từng bước hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới đường bộ, đường cao tốc và quy hoạch giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ phê duyệt. Cùng với các công trình đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và các cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống và các tuyến đường Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh nói riêng và Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng MêKông nói chung sau khi hoàn thành, cùng với tuyến N2, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ hình thành trục dọc thứ hai song hành với QL1 từ TP HCM đi các tỉnh Tây Nam bộ, đồng thời góp phần hình thành một hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ rộng mở, thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển vững mạnh. 
 
“Công trình cầu Cao Lãnh sẽ là dấu ấn đặc biệt tiếp theo cùng với cầu Mỹ Thuận (đã đưa vào khai thác từ năm 2001) thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và nhân dân Australia đối với nhân dân Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, khẳng định sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Cùng với cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống cũng sẽ là một trong những công trình thể hiện sự hỗ trợ vốn có hiệu quả của ADB” - Thứ trưởng Thể nói.
 
 
Liên danh nhà thầu 
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, Liên danh nhà thầu thi công cầu Cao Lãnh hội tụ nhiều ưu điểm và có thể hỗ trợ tốt cho nhau. Thành viên thứ nhất của Liên danh là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật Vinaconex (Vinaconex E&C) có lĩnh vực hoạt động chính là đấu thầu, thi công và quản lý các dự án trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, dân dụng - công nghiệp, tư vấn quản lý dự án, hợp tác đầu tư bất động sản. 
 
Được rèn luyện và trưởng thành qua các công trình trên phạm vi cả nước, Vinaconex E&C hiện nay đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, kỹ sư giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề nghiệp và lực lượng công nhân lành nghề. Vì thế, mỗi dự án, mỗi công trình do Công ty đầu tư, thực hiện đều mang đậm dấu ấn kỹ thuật xây dựng tiên tiến và hàm lượng chất xám cao, qua đó, thương hiệu Vinaconex E&C đã từng bước được công nhận trên thị trường. 
 
Thành viên thứ 2 là Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) lại có năng lực vượt trội về xây dựng cầu đường. CRBC là công ty Nhà nước trực thuộc Chính phủ Trung Quốc. Lĩnh vực hoạt động bao gồm: Thực thi các công việc về khảo sát, thiết kế, xây dựng, tư vấn giám sát cho các dự án đường bộ và giao thông cả trong và ngoài nước; sản xuất các thiết bị xây dựng đường bộ, các thiết bị xây dựng cầu... 
 
CRBC gia nhập thị trường quốc tế từ năm 1979, đến nay đã triển khai hơn 500 hợp đồng với tổng giá trị 5.000 triệu USD. Lĩnh vực hoạt động của công ty đã được mở rộng từ xây dựng cầu đường sang cung cấp và xử lý nước thải, xây dựng đường sắt, sân bay và cầu cảng... Trong thập kỷ qua, CRBC đã vinh dự nhận được rất nhiều giải thưởng về thiết kế và xây dựng như: Giải thuởng xây dựng Luban (Trung Quốc), Giải thưởng Zhantianyou về kỹ thuật xây dựng dân dụng, Giải thưởng chất lượng quốc gia.

  

Tags:

dự án,

  

cao lãnh,

  

đồng tháp,

  


GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...