TẢN MẠN CHUYỆN CẦU ĐƯỜNG
"...Có niềm vui nào hơn niềm vui của người thầy thuốc giải phẫu vừa nối xong một động mạch chủ? Hôm nay, nhịp cầu thứ ba, nhịp cuối của công trình cầu Ghềnh đã được những công nhân và kỹ sư của Cienco1 đưa vào vị trí. Chỉ còn hai ngày nữa để hoàn thiện mặt cầu và chỉnh sửa đường ray, cùng những công việc phụ. Ông kỹ sư lãnh đạo Ban Quản Lý dự án Đường sắt thở phào. Có thể nghe thấy trong thiếng thở của ông có tiếng thở của hàng trăm công nhân và kỹ sư trên công trường cầu Ghềnh hôm nay" - Vũ Phạm Chánh.
Gửi bạn....
Cuối mùa khô ở miền Đông Nam Bộ này, cũng là tiết cuối Xuân đầu Hạ. Phải còn hơn mười ngày nữa mới đến ngày Lập Hạ, cũng là chuyển vào mùa mưa ở đây, nên tiết trời càng khó chịu. Trời vẫn nắng nóng, nắng chói chang và nóng đến khô người. Cỏ ở ven những vạt cây ngả màu vàng úa, nhưng những mầm xanh hình như cũng đã đoán thấy mùi nước ẩm trên những đám mây chợt hiện chợt mất trên bầu trời trong xanh cao vời vợi, nên đã lấp ló hiện ra. Dấu hiệu của mùa mưa. Thì đã nắng nóng năm sáu tháng ròng rồi, cũng phải chuyển sang mưa cho mát trời, mát đất.
Cầu Gành trăm tuổi trước khi bị sà lan đâm sập
Mới chỉ hơn một tháng cuối mùa khô vừa rồi, mà biết bao nhiêu sự kiện làm mấy gã kỹ sư lục lộ về hưu cứ sùng sục thư đi từ về giữa dăm ông đang ở Hà Nội, Nghệ An, với mấy ông đang ở miền Đông Nam Bộ. Nói là “thư đi từ về” cho nó tử tế chứ mỗi ông mỗi bàn phím, cái thì ai pat, cái thì ai phôn, cái thì oai hơn dùng hẳn Mác buc, có ông lại hủ lậu vẫn dùng cái com-piu-tơ để bàn đã mấy lần nâng cấp, cứ nhấp chuột xoành xoạch, send, gửi, enter…
Đang giữa lúc mải tranh luận về cuộc thi phương án kiến trúc công trình cầu qua Sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng kéo dài của Thành Huế, đàm đạo về mấy cái phương án kiến trúc biểu tượng cho Văn Hoá Xứ Huế của công trình, về nỗi băn khoăn bất đắc của ông Kỹ sư chủ nhiệm công trình của Công ty Cổ Phần Tư Vấn Đầu Tư và Xây Dựng – ôi cái tên công ty quá dài, thôi ta gọi tắt nó là TRICC, như người ta đã lấy nó làm cái tên giao dịch – về cả hai phương án dự thi của mình rất hay, rất đẹp, rất ý nghĩa mà không được chọn! Thế rồi đến chuyện vẫn ông này, ta gọi là ông TRICC, vào những ngày giữa tháng Ba, đang bực bội về chuyện Sông Hương, lại phải lục lọi hồ sơ cũ, đến lần thứ bao nhiêu rồi, để lại trình bầy với Hội Đồng Kiến Trúc Thành phố Hà Nội về phương án Kiến trúc của Cầu Đường sắt vượt Sông Hồng trong Dự Án Đường sắt Đô thi số 1 của Hà Nội, khởi thảo từ hơn chục năm trước! Là mấy lần, mấy chục lần vì “vị trí thì cuối cùng cũng xong rồi, cũng đã được Thủ tướng duyệt đi, duyệt lại thay đổi mấy lần rồi, lúc thì cách cầu Long Biên về phía thượng lưu 30 mét, lúc thì vọt ra xa hơn 185 mét, cuối cùng thì dịch về cách Long Biên là 75 mét, chỉ vì phải tránh đập phá nhiều nhà dân bên phố “cổ” – thực ra thì việc đập phá giải phóng mặt bằng cũng có chỗ nhạy cảm, nhiều người dân “bị” giải toả thì lại “được” ăn ở khang trang hơn nhiều lần vì số tiền đền bù vượt quá giá trị thực tế của ngôi nhà, lại còn tiền thừa bỏ ống nữa! Còn bên “phố tân” của dân bên Ngọc Thuỵ Gia Lâm kia chẳng ai màng tới, phá chỗ nào chẳng được, phá bao nhiêu chẳng được? Chuyện “Quyết giữ nguyên Cầu Long Biên cũ làm bảo tồn, bảo tàng di tích” gì gì đó của Hà Nội, không được làm tuyến đường mới, cầu mới đè lên trên, thì đã được cả thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) quyết rồi, nhưng vì tuyến đường mới, cầu mới làm chỉ cách có 75 mét, thì phải làm sao “cho nó không át mất cầu Long Biên bảo tàng – di sản đi?” Ôi, thật là nhiêu khê mặc dù là cây cầu mới này nó phải dài hơn (đường đi vòng lên trên) to hơn (vì chứa những hai đường tầu điện khí hoá) lại phải cao hơn (vì thoả mãn vận tải thuỷ sông cấp I) Cái khó cho những kỹ sư thiết kế không phải là những vấn đề kỹ thuật, công nghệ, mà cái khó vô cùng là “phải lọt mắt lọt tai mấy Ông hội đồng mà trình độ chuyên môn cầu đường đáng phải thẩm tra lại” Nói thế đâu có ngoa? Này nhé, trong một hội nghị bàn về “bảo tồn cầu Long Biên”, các vị lớn tiếng yêu cầu “bảo tồn nguyên dạng!” Mấy anh kỹ sư cầu cống của ngành giao thông khiêm tốn hỏi lại: “Xin các bác chỉ giáo để chúng em còn biết đường lựa chọn, so sánh: Thế nào là tiêu chí của một công trình được là DI SẢN (Thế giới, quốc gia, vùng, tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xóm…?), riêng Cầu Long Biên cần được BẢO TỒN, là của Quốc Gia hay của Thủ Đô, bảo tồn những gì: Dầm, trụ, mố, đường ray, đường bộ hành, lan can, cao độ đáy dầm, đỉnh ray, đỉnh trụ, đỉnh dầm, kết cấu, mầu sơn, vết sẹo do bom đạn…? Các bác Hội đồng, ngồi im, sau một bác lớn lớn (cả thân hình, cả học hàm, chức vụ…) nói như rỗi: Các anh cứ xê ra, đừng đụng gì đến cầu Long Biên nữa, việc Bảo Tồn để cho Hà Nội lo, các anh làm cầu mới ra chỗ khác! Vậy thì quá khoẻ, quốc gia thiếu gì đất, chỉ lo sau này con cháu đến chiêm ngưỡng cái cầu bảo tồn rỉ nát, ọp ẹp, nằm chắn ngang sông chẳng để làm gì, thì lại … cười vào mũi ông cha mình: “Sao các Cụ lẩn thẩn thế nhỉ?”. Lần này ông TRICC cứ bài cũ mà báo cáo, chẳng thèm sửa sang đồ án làm gì. Ông báo cáo xong lại nhận được một kết luận của “Hội đồng”: để nghiên cứu thêm!
Hiện trường sau khi bị sà lan đâm sập
Hôm rồi, nhận tin nhắn của “ông bạn trẻ TRICC” nói vậy, thì lại chợt nhớ một sự kiện quan trọng vừa xảy đến hồi cuối Tháng Ba: sà lan đâm sập cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai! Đó là vào trưa chủ nhật 20-3-2016: “Một chiếc sà lan chở cát đâm chéo vào một trụ giữa của cây cầu Đồng Nai dùng cho xe lửa, làm gẫy trụ và rơi hai nhịp dầm thép dài mỗi nhịp 56 mét xuống sông.” Hôm ấy, ông TRICC, vừa được tin lúc 11h30, thì 13h00, ông đã có mặt ở sân bay Nội Bài để bay vào Nam, tận mục sở thị, và cái chính là vội hình thành các phương án khôi phục, như thói quen ứng phó trong tình huống đảm bảo giao thông thời chiến. Chưa ai giao nhiệm vụ cho TRICC. Bộ giao thông và Tổng Công ty Đường Sắt cũng sáp ngay vào. Việc của ngành giao thông, việc lớn lắm, vì gián đoạn trên tuyến đường săt Bắc Nam, là gián đoạn hàng chục đoàn tầu khách và hàng mỗi ngày, sơ sơ mỗi ngày ngành đường sắt thiệt hơn 10 tỷ đồng, mà đồng bào lại không được thuận tiện trên đường đi lối lại luân chuyển bắc, nam. Nhưng cây cầu lại nằm trên đất Đồng Nai nên không thể “qua mặt” được chính quyền địa phương khi quyết định phương án khôi phục. Ba ngày sôi sùng sục trên trục đường Biên Hoà – Sài Gòn, mỗi ngày là 5 cuộc họp: sáng, trưa, chiều, tối, đêm. Có hôm 2-3 giờ sáng mới xong. Ông kỹ sư TRICC căng ra để giới thiệu phương án của mình và chứng minh là phương án tốt nhất và có thể thực hiện nhanh nhất, 3 tháng mười lăm ngày! Tổng công ty ĐS đồng ý, Bộ duyệt, báo cáo nhanh lên Thủ tướng, Thủ tướng đồng ý phương án và đồng ý cấp ngân sách trong nguồn dự phòng. Chỉ còn mỗi ông Đồng Nai, có nhất trí không và có đề xuất thêm gì nữa? Nhanh thế thì ông đồng ý rồi, nhưng chả lẽ là không có ý kiến gì, ông lại muốn giữ lại dáng cầu Đồng Nai cũ, vì nó là biểu tượng(!) đã ăn sâu vào ý thức người dân Đồng Nai – Biên Hoà, Cù Lao Phố! Nghĩa là các ông cũng giống nhau cả, cả Thủ Đô và cả các tỉnh lẻ. Nhưng Ông TRICC, trong đồ án của mình, vừa có tối ưu về thiết kế kiến trúc, lại cũng vô tình mà thoả mãn được các ông Đồng Nai, TRICC đưa ra phương án thay thế bằng ba nhịp dần dàn vòm mạ cong mỗi nhịp dài hẳn 75 mét, chỉ phải làm hai trụ giữa sông và xây lại hai mố. Quân tinh nhuệ của Cienco 1 được điều vào làm hạ tầng, ba xưởng dầm của ngành Đường Sắt ở Sóng Thần, Nam Ô và Huế được dịp trổ tài thiện chiến, đã từng làm dầm của cầu Nam Ô Đà Nẵng như thế, hứa sản suất 3 nhịp dầm thép chỉ trong vòng một tháng!
Xong nhiệm vụ một cách xuất sắc, ông kỹ sư TRICC trở về Hà Nội vào ngày 23-3-2016 sau đúng 3 ngày đêm không ngủ, họp 15 cuộc họp, tốn hai triệu đồng tiền điện thoại di động để chỉ đạo anh em ở nhà lập dự án, sút mất 3 ki lô gam vì ăn cơm bụi và chạy chay giữa công trường cầu – Uỷ Ban Đồng Nai – Hội trường Bộ ở Sài Gòn. Tối 23-3-2016, ông về đến Hà Nội, thở phào. Sớm hôm sau ông đến cơ quan, hàn huyên cùng lãnh đạo và anh em kỹ sư đồng nghiệp. Thực ra thì anh em chẳng phải báo cáo gì, thời buổi công nghệ thông tin hiện đại, chỉ cần ông kỹ sư viễn chinh có một máy tính sách tay, hoặc một Ipad, thậm chí chỉ cần một Smartphone, thì coi như ông vẫn đang ngồi cùng anh em trong Tổng công ty, chỉ một thao tác trên chiếc notebook, với một sợi dây kết nối với máy chiếu/hoặc dùng wifi là ông đã có thể trình bày dự án thiết kế trên màn hình lớn ở phòng họp ngay thực địa, cho các quan chức của Tổng công ty, của Bộ, của chính quyền địa phương… xem và chất vấn. Nếu “hoành tráng” hơn nữa, nếu có kỹ sư nào đó trong nhóm khảo sát thiết kế của ông có máu một chút thì có thể dùng ngay camera của điện thoại để truyền ngay các nội dung cuộc họp của ông ở trong Nam. Vậy thì giờ đây, vào sáng ngày 24-3-2016 đó, ông kỹ sư TRICC gặp gỡ đồng nghiệp như một cuộc liên hoan thắng lợi. Họ chỉ còn việc ngày đêm guồng trên máy tính để xuất bản vẽ chi tiết cho 3 xưởng chế tạo dầm kịp thi công, và chờ khoảng một tháng sau thì lên đường đi nghiệm thu chế tạo! Nhận thấy rõ sức lực ông kỹ sư TRICC bỏ ra để đem thắng lợi về cho công ty, lãnh đạo công ty đã quyết định thưởng nóng cho ông 5 triệu đồng. Ông cười, cũng đủ để chiêu đãi anh em cà phê dài dài.
Cầu Gành mới
Nhưng ngay sau đó, vào ngày 31-3, ông kỹ sư nhận được quyết định nghỉ hưu từ 1-4-2016. Tuổi trời cho mà. Đến hẹn lại lên. Gần bốn mươi năm lăn lộn với cầu với đường rồi, ông thấy mãn nguyện với những gì mình đã làm được, và cũng nhờ mối giao lưu gắn bó với những kỹ sư cầu cống lớp trước, ông nghĩ rằng công việc vẫn còn cần mình. Về hưu! Việc đầu tiên là ông nhập cuộc với các ông kỹ sư lớp trước của ngành đường sắt, làm một chầu bia hơi ra mắt tổ hưu. Sau nữa ông thông báo với mấy ông lục lộ đàn anh ở xa như Nghệ An, Sài Gòn… “xin noi gương các anh, còn sức khoẻ, còn cập nhật được công nghệ và thông tin thì còn xin ghé vai vào gánh vác việc cầu, việc đường, như là một nghiệp chướng vậy”.
Những ngày cuối tháng Tư nóng như gay gắt hơn. Chiều muộn, thuỷ triều dâng đầy dòng Đồng Nai. Phạm vi mặt nước công trường đã được các công ty cầu của Tổng Công ty công trình giao thông 1 (Cienco 1) dọn quang đãng. Họ đã sẵn sàng tấn công xuống đáy sông bằng những dàn cọc khoan nhồi đường kính lớn. Lại sắp “ba ca nối tiếp nhau, khúc sông vang rền tiếng búa khoan và những tiếng va đập sắt thép công trường xây dựng”. Cũng đúng những ngày này, ông kỹ sư TRICC lại lên đường. Ông đi với cương vị một chuyên gia được mời, cùng với các kỹ sư trẻ hơn của Công ty, lên đường vào Đà Nẵng, Huế và sau đó vào Sóng Thần để nghiệm thu 3 dầm thép chế tạo cho cầu Ghềnh, đã xong! Tiến độ đầu tiên đã đạt. Ông kỹ sư TRICC nhắn tin cho ông kỹ sư già trong Quận 7: “Ba dầm đã chế tạo xong, bọn em vào nghiệm thu để họ chở ra công trường cho kịp!” Đơn giản chỉ có thế, mà sao ông kỹ sư già thấy vui rạo rực trong lòng. Ông kỹ sư này trước đây cũng làm việc ở TRICC, ông rời TRICC đi làm cầu khắp nơi từ 33 năm trước và hai mươi năm nay ông đã được nghỉ hưu. Ông kỹ sư TRICC nói: “Em sẽ cố theo gương các anh để đóng góp thêm nữa cho ngành” hôm ông nhận được quyết định về hưu, là ông nói với các ông bạn kỹ sư già. Bây giờ ông lại lên đường làm công việc của một kỹ sư cầu, một chuyên gia tự do làm việc theo hợp đồng, là theo đúng như lời ông đã nhắn nhủ với bạn bè. Ông đi nghiệm thu dầm, rồi ông sẽ nghiệm thu bãi lắp dầm ở công trường, ngắm nghía hệ nổi thi công, lướt xem cả việc điều hành vận tải đường thuỷ, hệ thống cảnh giới chống va trôi…, một số việc không phải của ông, nhưng là việc của một kỹ sư cầu chủ nhiệm đồ án. Gia đình vợ con ông lại mong chờ ông những ngày ông đằng đẵng ở công trường.
Tháng Năm trời vẫn còn nắng nóng lên đến trên 40 độ ở công trường. Cả mặt sông rộn rang tiếng va đập siết sóng của sắt thép, của búa khoan, của máy phun cát và cờ lê lực. Công trường kéo từ mặt sông về hai phía: đường đầu cầuđược nâng lên, vuốt dốc sáu phần nghìn, nâng cầu chui Hoà Hiệp, nâng đường ngang, rải đá, chèn đường…
Những người công nhân và kỹ sư cầu đường trên công trường khôi phục cầu Ghềnh – Đồng Nai, không nghỉ một giờ nào: ba ca liên tục. Họ biết, xong sớm một ngày là ngành đường sắt bớt thiệt hại 10 tỷ đồng! Nhiều lắm chứ. Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo ngành, rồi các ông Giám đốc nói chuyện trăm tỷ, ngàn tỷ cứ nhẹ như không. Còn anh em công nhân và kỹ sư khi nói đến vài chục ngàn, vài trăm ngàn đã phải đắn đo lắm. Phải tiết kiệm từng giờ, mỗi giờ là bao nhiêu? Thì cứ lấy mười tỷ chia cho hai mươi bốn là biết, toán lớp ba ấy mà. Họ hứa với nhân dân là sẽ hoàn thành cầu đường, nối lại giao thông đường sắt vào dịp cuối tháng 6 tới đây. Vẫn biết, việc tính toán trong xây dựng để định ra tiến độ thực hiện là dựa trên các yếu tố khoa học, nhưng liệu có vượt qua được các giới hạn của sức người? Và lại còn thiên nhiên nữa? Thuỷ triều có ổn định? Địa chất dưới lòng sông có đúng như mấy lỗ khoan đại diện? Việc chuyển vật tư đến công trường hàng trăm tấn sắt thép, xi măng… có gặp trục trặc dọc đường? Vậy nên vẫn cứ phải cẩn trọng. Cẩn trọng như nối một động mạch chủ trong cơ thể con người!
Có niềm vui nào hơn niềm vui của người thầy thuốc giải phẫu vừa nối xong một động mạch chủ? Hôm nay, nhịp cầu thứ ba, nhịp cuối của công trình cầu Ghềnh đã được những công nhân và kỹ sư của Cienco1 đưa vào vị trí. Chỉ còn hai ngày nữa để hoàn thiện mặt cầu và chỉnh sửa đường ray, cùng những công việc phụ. Ông kỹ sư lãnh đạo Ban Quản Lý dự án Đường sắt thở phào. Có thể nghe thấy trong thiếng thở của ông có tiếng thở của hàng trăm công nhân và kỹ sư trên công trường cầu Ghềnh hôm nay. Còn ông TRICC, nhân vật chính của thiên tuỳ bút này, đang ở đâu, có kịp đến để xem thành quả những ngày lăn lộn cách đây vừa 3 tháng?
Sài Gòn, 24 tháng 6 năm 2016