Bộ trưởng Thăng: Rà soát tốt, mỗi năm sẽ tiết giảm 24.000 tỷ

2015/4/8 10:37

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần tập trung rà soát các chủ trương đầu tư để tiến hành cắt giảm các dự án, trước hết là các công trình không cần thiết, kể cả các công trình đã đầu tư.

Hệ thống chiếu sáng cao tốc TP HCM - Trung Lương được cho là quá nhiều,

cần rà soát ở những công trình khác trước khi chuẩn bị đầu tư Ảnh: Lã Anh

Tại cuộc họp rà soát tiêu chuẩn, giải pháp thiết kế để giảm chi phí đầu tư xây dựng công trình giao thông chiều 7/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần tập trung rà soát các chủ trương đầu tư để tiến hành cắt giảm các dự án, trước hết là các công trình không cần thiết, kể cả các công trình đã đầu tư. Nguồn vốn cho giao thông trong 5 năm tới là 600 nghìn tỷ đồng, nếu làm được điều đó, mỗi năm tiết giảm được 24 nghìn tỷ đồng.

Làm đội tổng mức đầu tư có trách nhiệm tư vấn thiết kế

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc chống lãng phí, trong đó yêu cầu tiết kiệm 10 - 15% trong đầu tư xây dựng cơ bản. Theo Bộ trưởng, đối với Bộ GTVT, công tác tư vấn thiết kế (TVTK) đang là khâu cần được quan tâm nhất bởi qua rà soát đã tiết giảm được gần 40 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng khâu thiết kế giảm hơn 11 nghìn tỷ đồng.

“Một công ty con của Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) mà thiết kế cầu vượt tại Hà Tĩnh sau khi được yêu cầu rà soát, điều chỉnh đã giảm từ 161 tỷ đồng xuống còn 90 tỷ đồng, giảm được tới 71 tỷ đồng. Ở đây có trách nhiệm của nhiều đơn vị như: Tư vấn, thiết kế, Ban QLDA. Ban QLDA thì muốn phình ra để có nhiều khối lượng, nhưng không biết như vậy là rất lãng phí. Chúng ta phải có lương tâm, trách nhiệm khi tiêu tiền của dân”, Bộ trưởng gay gắt.

"Về thẩm định, cần thành lập tổ thẩm định độc lập. Nếu đi thuê, kinh phí đưa vào dự toán công trình. Cần rà soát hệ thống chiếu sáng tại toàn bộ các tuyến cao tốc để có sự đầu tư thích hợp”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng

Ông Dương Viết Roãn, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) phân tích một số nguyên nhân khiến các dự án giao thông bị đội vốn trong thời gian qua, trong đó có việc chọn quy mô đầu tư chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế. Vì chưa có quy định xác định khổ thông thuyền nên khi xây dựng cầu vượt sông, các địa phương thường yêu cầu lớn hơn so với nhu cầu làm tăng giá thành.

Cùng đó, theo ông Roãn, khi xử lý nền đất yếu, có thể đắp nền trực tiếp trên nền đất yếu, theo dõi bù lún trong quá trình khai thác nhưng các dự án lại thường chọn giải pháp xây dựng cầu cạn có chi phí xây dựng cao hơn từ 3 - 4 lần. Đặc biệt, việc tổ chức giao thông tại các nút giao chưa hợp lý làm tăng khối lượng xây dựng như: Đường cấp cao vượt đường cấp thấp, sử dụng các loại nút giao hoa thị chiếm dụng mặt bằng lớn, phát sinh thêm kinh phí…

Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết thêm, khi xây cầu đều tính lực va tàu với cả các trụ cầu gần bờ là không cần thiết vì sông ở nước ta có mực nước thấp nên chủ yếu là tàu nhỏ và lưu lượng ít. Về tính toán động đất, thực tế cũng chỉ cần tính toán tần suất động đất ở mức 500 năm thay vì 1 nghìn năm như hiện nay…

Về các nguyên nhân của tình trạng thiết kế không hợp lý, làm đội tổng mức đầu tư, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI thừa nhận, có trách nhiệm chung của lực lượng TVTK. “Ở đây do trình độ tư vấn chưa chuẩn hóa và đáp ứng được yêu cầu. Rất nhiều tư vấn có trình độ, chất lượng khác nhau. Thậm chí có đơn vị không có hệ thống kiểm soát chất lượng tư vấn nội bộ”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra sự không thống nhất trong quy chuẩn, tiêu chuẩn. “Cầu vượt hiện nay có nơi làm tĩnh không ở mức 4,5m có nơi làm 4,75 m. Cao lên một chút là cầu lại dài thêm. Nếu có quy chuẩn thống nhất thì không ai dám thay đổi”, ông Sơn phân tích.

Cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn cho cầu vượt để tránh thiết kế vượt tiêu chuẩn làm đội vốn đầu tư

Giám sát chặt tư vấn thiết kế Để tiết giảm, tránh gây lãng phí, các chuyên gia trong Tổ tư vấn của Bộ GTVT đã đề xuất nhiều biện pháp thiết thực. Ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, trước đây, TVTK phải rà soát để giảm bớt, tiết kiệm từng cân sắt thép, nhưng giờ thì cứ thoải mái. Vì thế cần có một lực lượng giám sát và xử lý những vi phạm trong công tác TVTK.

Ông Trịnh Xuân Cường đề xuất, cần xác định việc lựa chọn quy mô dự án là quyền của chủ đầu tư. TVTK chỉ có thể tham mưu, đưa ra phương án.

Ông Tống Trần Tùng kiến nghị, cần thành lập tổ thẩm tra, thẩm định độc lập công tác thiết kế, chuẩn bị đầu tư. “Có một thứ rất lãng phí hiện nay là vấn đề chiếu sáng. Như đèn chiếu sáng trên tuyến Láng - Hòa Lạc hay cao tốc TP HCM - Trung Lương có cần thiết nhiều như vậy. Tiêu chuẩn đã quy định rất chặt về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế có khi chẳng cần thắp nhưng vẫn lắp”, ông Tùng cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, hiện nay khi xây cầu luôn tính toán mức động đất ở cấp 8 - 9 trong khi đâu phải chỗ nào cũng cần như thế. Bên cạnh đó, việc áp dụng chung một định mức cho các dự án là không đúng. Cùng đó, chi phí vận tải cho các dự án giao thông là rất lớn nhưng không ai kiểm soát được. Vì thế, khi lập dự toán phải đưa vào ngay. Nếu giảm dự toán xuống, chắc chắn sẽ tiết giảm 30% chi phí đầu tư.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cần mạnh dạn giao trách nhiệm cho TVTK, nhưng nếu gây lãng phí, phải có chế tài xử lý. Có xử lý, các đơn vị TVTK sẽ phải có những chuyên gia để rà soát. Thậm chí, sẽ phải thuê chuyên gia rà soát trước khi báo cáo Bộ. Ban QLDA là người trình dự án lên Bộ, lẽ ra phải có chuyên gia rà soát nhưng nay chỉ lo đi làm. Vì thế, thời gian tới Ban nào không làm tốt thì phải xử lý.

Sau khi nghe nhiều ý kiến phân tích, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, cần tập trung rà soát các chủ trương đầu tư để tiến hành cắt giảm các dự án, trước hết là các công trình không cần thiết, kể cả các công trình đã đầu tư rồi. Mục tiêu là rà soát chất lượng tất cả các khâu từ chủ trương đầu tư, TVTK, thi công… để tiết giảm đầu tư từ 15 - 20%.

“Nguồn vốn cho giao thông trong 5 năm tới là 600 nghìn tỷ, nếu làm được điều đó, mỗi năm tiết giảm được 24 nghìn tỷ đồng. Đấy là một con số cực kỳ lớn”, Bộ trưởng nói.

Để thực hiện, Bộ trưởng yêu cầu Cục QLXD&CLCTGT xem xét xây dựng thông tư cụ thể để quản lý vốn đầu tư trong ngành GTVT. Đồng thời, rà soát toàn bộ các quy định hiện hành của pháp luật để cụ thể hóa vào ngành GTVT. Cùng đó, các cơ quan, đơn vị cần khẩn trương đưa vào ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới để tiết giảm chi phí đầu tư. Hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Chuẩn hóa các qui định đối với tất cả các loại hình đầu tư. Đặc biệt, các Thứ trưởng phải trực tiếp phụ trách về hiệu quả các dự án do mình quản lý.

Nguồn: baogiaothong.vn



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...