Các Cienco: Lãnh đạo cao cấp rục rịch ra đi
Đã có những thay đổi tại nhiều vị trí lãnh đạo, điều hành cấp cao ở một số tổng công ty (TCT) lớn từng do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ quản.
Bỗng dưng mất CEO
Sở dĩ phải dùng từ “từng” do Bộ Giao thông vận tải làm chủ quản là bởi, sau khi 10 TCT 90, gồm 8 TCT xây dựng công trình giao thông (Cienco), 1 TCT vận tải, 1 TCT cơ khí hoàn thành xong việc tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu, Bộ Giao thông - Vận tải hiện chỉ còn giữ vai trò là cổ đông.
Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đã từng trúng thầu nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn
Trong số này, TCT Xây dựng Thăng Long - CTCP là đơn vị chứng kiến sự xáo trộn lớn nhất về nhân sự điều hành cấp cao, với sự ra đi của cả Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc công ty mẹ.
Cụ thể, đúng một tháng sau khi đại hội đồng cổ đồng lần đầu (tháng 5/2014), ông Phan Quốc Hiếu, người đại diện phần vốn nhà nước, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc TCT Xây dựng Thăng Long - CTCP, đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông.
Ngoài kinh nghiệm lâu năm trong quản lý, điều hành một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng cầu vượt sông và cầu vượt đô thị, ông Hiếu có thâm niên 8 năm giữ chức tổng giám đốc và được đánh giá rất cao trong việc phát triển thị trường, khi trong những năm gần đây, TCT Xây dựng Thăng Long liên tiếp trúng thầu nhiều dự án ODA lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu của TCT vào tháng 5/2014, ông Hiếu (một trong ba người được Bộ Giao thông - Vận tải giao làm người đại diện phần vốn Nhà nước) đã trúng cử chức vụ thành viên HĐQT và được HĐQT bầu giữ chức Tổng giám đốc. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi được bầu làm Tổng giám đốc, ông Hiếu đã đột ngột có đơn xin thôi các chức vụ tại TCT, sau đó được bổ nhiệm Phó cục trưởng Cục QLXD và Chất lượng CTGT. Trước đó, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Công Tài, Chủ tịch Hội đồng thành viên TCT Xây dựng Thăng Long giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp.
Hiện chức vụ Chủ tịch HĐQT TCT Xây dựng Thăng Long - CTCP do ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch CTCP Tasco (là một cổ đông) đảm nhận.
Ngoài trường hợp trên, tại TCT Vận tải Thủy Việt Nam cũng có sự thay đổi nhân sự quản lý và điều hành. Cụ thể, ông Phạm Ngọc Đích đã phải nhường chức Chủ tịch HĐQT TCT cho lãnh đạo đối tác chiến lược nắm giữ 41% vốn điều lệ, để xuống làm Tổng giám đốc. Ông Trần Hữu Luận, Tổng giám đốc “được” chuyển xuống làm Phó tổng giám đốc.
Tính đến thời điểm này, cho dù chỉ có 2/10 TCT giao thông có sự thay đổi nhân sự cấp cao, nhưng khả năng tiếp tục có thay đổi những vị trí “cầm lái” ở các TCT khác là không thể loại trừ, nhất là những nơi đối tác chiến lược bên ngoài đang nắm hoặc tìm cách giữ cổ phần chi phối.
Được biết, hiện Bộ Giao thông - Vận tải đang cân nhắc một số đề nghị của nhà đầu tư mua nốt số lượng cổ phần nhà nước còn lại tại các TCT vừa cổ phần hoá. Trong đó, nhà đầu tư Tuấn Lộc (đang nắm 16,5% vốn điều lệ) đề nghị mua tiếp 35% vốn điều lệ do Nhà nước nắm tại Cienco4; Liên danh nhà đầu tư Hassyu – Yên Khánh đề nghị mua 35% vốn điều lệ do Nhà nước nắm tại Cienco1.
Ngại lệch pha “cũ”- “mới”
Hiện TCT Xây dựng Thăng Long - CTCP chưa công bố người kế nhiệm cũng như lý do thay đổi vị trí điều hành, nhưng một số cán bộ tại đơn vị này tiết lộ: “Ông Hiếu phải ra đi do “vênh” quan điểm phát triển với một số cổ đông lớn”.
Theo một nguồn tin, cuối tháng 3/2014, vài ngày sau đợt thực hiện hiện IPO TCT Xây dựng Thăng Long, CTCP Tasco đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị được tham gia quản trị đơn vị với chức danh Chủ tịch HĐQT. Tại tờ trình này, ông Dũng cho biết, Tasco và các thành viên thuộc Tasco đã trúng đấu giá 9.175.300 cổ phiếu tại đợt IPO TCT, với giá 20.600 đồng/cổ phần, chiếm 30,6% vốn điều lệ của Thăng Long. Mức giá này cao gấp 2,06 lần giá TCT Xây dựng Thăng Long chào bán cho 2 đối tác chiến lược.
Điều đặc biệt là, ông Dũng cam kết đảm bảo cổ tức của cổ đông trên 15%/năm, gấp 2 lần so với phương án kinh doanh của TCT tại bản cáo bạch gửi các nhà đầu tư trong đợt IPO. Nhưng lời hứa này lại vênh khá lớn với mức cổ tức bình quân 9%/năm trong 3 năm đầu tiên hậu cổ phần hóa được Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất thông qua.
Ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Cienco 4 nhận định: “Các cổ đông bỏ vốn đầu tư, giao cho mình điều hành, nếu không đáp ứng được yêu cầu, không mang lại hiệu quả, tất yếu sẽ bị đào thải và thay thế bởi người tài năng hơn. Điều đó chỉ tốt hơn cho doanh nghiệp, không có gì đáng lo ngại”.