Đìu hiu sàn giao dịch vận tải

2017/3/9 16:21

Đi vào hoạt động từ tháng 12/2015, sàn giao dịch vận tải hàng hóa được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích...

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa rất lớn nhưng vẫn có không ít xe chưa tìm được hàng thông qua sàn giao dịch vận tải

(Trong ảnh: Nhiều xe vận chuyển hàng chạy trên QL5 Hà Nội - Hải Phòng) - Ảnh: Khánh Linh

Đi vào hoạt động từ tháng 12/2015, sàn giao dịch vận tải hàng hóa được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp và nền kinh tế. Tuy nhiên, sau hơn một năm hoạt động, số thành viên tham gia và các giao dịch thành công vẫn rất ít. Lượng hàng hóa trên sàn giao dịch khan hiếm. Vì sao lại như vậy?

Nhiều lợi ích, vẫn vắng khách hàng

Ông Tạ Công Thuận, Tổng giám đốc sàn VinaTrucking cho biết, sàn hoạt động từ tháng 12/2015. Sau hơn một năm, sàn đã có gần 700 thành viên tham gia, trong đó phần lớn thành viên là chủ xe, còn lại là chủ hàng và thành viên vãng lai.

“Đáng buồn là hiện tổng số giao dịch trên sàn mới đạt khoảng trên 600, trong đó chỉ có khoảng gần 90 giao dịch thành công”, ông Thuận nói và cho biết đang xuất hiện tình trạng khan hàng hóa trên sàn, điều này đã tạo ra sự chênh lệch đáng kể giữa số lượng xe tìm hàng và hàng hóa cần vận chuyển. Nguyên nhân chính do sàn giao dịch chưa tạo được sự tin tưởng giữa các thành viên tham gia, khiến xe và hàng chưa gặp nhau.

"Với mục tiêu xã hội hóa 100% các sàn giao dịch vận tải theo đúng tinh thần Quyết định 5023 của Bộ GTVT, đến thời điểm này đã có nhiều DN đề xuất được thành lập sàn giao dịch vận tải hàng hóa như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Công ty Hanel. Tổng cục Đường bộ VN đang nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức sàn giao dịch vận tải của một số quốc gia đi trước. Qua đó, sẽ tổng hợp và đưa ra phương án phù hợp với mô hình vận tải của Việt Nam”.

Bà Phan Thị Thu Hiền

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

“Một số doanh nghiệp (DN) vận tải cho biết, việc bắt buộc phải đăng ký tài khoản mới được giao dịch trên sàn khiến nhiều DN không mặn mà, nhiều người cũng nghi ngại về việc kiểm soát thông tin đăng tải trên sàn giao dịch cũng như chế tài xử lý nếu các DN vi phạm”, ông Thuận nói.

Tương tự VinaTrucking, Sanvanchuyen.vn được lập ra từ cuối năm 2016, giúp tập trung nhu cầu và phương tiện thành một mối nhằm tăng doanh thu cho hãng xe và giảm chi phí vận chuyển cho chủ hàng. Ông Phạm Tấn Đạt, Tổng giám đốc Miczone (đơn vị quản lý sàn) chia sẻ, bất cập thường gặp nhất trong hoạt động logistics ở Việt Nam là nhiều chủ hàng chật vật tìm đơn vị vận chuyển uy tín, trong khi các hãng vận tải lại không có hàng. Tỷ lệ xe tải không đủ khối lượng hàng lấp đầy trong mỗi chuyến hơn 60% cho thấy sự lãng phí rất lớn.

“Sanvanchuyen.vn giúp chủ hàng tiết kiệm 30% cước phí vận chuyển và giúp nhà xe tăng thêm ít nhất 50% doanh thu, giảm tình trạng lãng phí của toàn xã hội do 60% xe chạy rỗng do thiếu hàng”, ông Đạt nói và cho biết, bình quân mỗi ngày sàn có trên 500 lượt truy cập, trên 30 thành viên mới tham gia và tiếp nhận, xử lý khoảng trên 30 đơn hàng. Tuy nhiên, theo ông Đạt, hiện cả chủ xe và chủ hàng vẫn còn ngại thực hiện các giao dịch trực tuyến, mà họ thường cố gắng tìm cách để giao dịch qua điện thoại. Điều đó, làm giảm hiệu suất hoạt động của sàn vận chuyển và giảm hiệu quả kinh tế - xã hội khi chưa thật sự đạt được giao dịch với mức giá tốt nhất có thể.

Dưới góc độ DN vận tải, đại diện Công ty CP Proship cho biết, thông qua sàn, 10 chuyến hàng đã được vận chuyển thành công. Tùy những chuyến hàng xa hay gần, nhiều hay ít mà giá cước vận chuyển trên sàn so với trước đây đã giảm từ 10-30% . Đáng nói, có những chuyến chở hàng từ Sài Gòn ra Hà Nội, nếu trước kia mất khoảng 2 triệu đồng thì khi giao dịch trên sàn chỉ còn khoảng 1,2 triệu đồng. Không chỉ tiết kiệm hơn với giá cước cạnh tranh, DN cũng đỡ mất thời gian trong việc liên hệ với các chủ xe, nên hoàn toàn yên tâm với phương thức mới này.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Hoàn Cầu (Hải Phòng) cho biết, sở dĩ các giao dịch trên sàn chưa hấp dẫn là do chủ hàng và chủ xe không muốn công khai minh bạch khối lượng hàng hóa, giá cước, khả năng vận chuyển vì sợ lộ bí mật kinh doanh, bị cướp mối hàng.

Cùng một quãng đường (đi hoặc về), chi phí xăng dầu cũng không nhỏ nhưng nhiều xe vẫn phải chạy rỗng vì thiếu hàng - Ảnh: Khánh Linh

Sàn giao dịch cần chủ động tìm kiếm nguồn hàng

Ông Nguyễn Tương, Phó tổng Thư ký Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN thừa nhận, lượng giao dịch trên sàn chưa nhiều, nhiều DN còn chưa biết đến sự hiện diện của sàn. Cho rằng, sàn giao dịch này rất tốt cho các DN, nhưng theo ông Tương để sàn hoạt động hiệu quả, các DN khi đăng ký trên sàn phải là những DN vận tải có uy tín, giá cả công khai, cạnh tranh.

“Hạn chế của việc chào giá trên sàn điện tử thường giá cả không thật. Vì vậy, để tạo động lực và lấy được niềm tin của khách hàng, thông tin mà các DN đưa lên mạng giao dịch điện tử phải được kiểm soát. Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải có sai phạm, khách hàng có quyền phản ánh và phải có chế tài, quy định để xử lý nghiêm sai phạm đó”, ông Tương nói.

Ông Đinh Xuân Nguyên, Giám đốc điều hành Sanvanchuyen.vn cho biết, giá trị các đơn hàng giao dịch thành công thông qua Sanvanchuyen.vn từ cuối năm 2016 đến nay đạt hơn 1,4 tỷ đồng. Đa phần thành công ở vận tải đường bộ. Hầu hết các giao dịch trên Sanvanchuyen.vn đều chưa tính phí đối với cả chủ hàng lẫn chủ xe, mà để cho họ tự do giao dịch. Doanh thu hiện nay của sàn là từ những đơn hàng lớn, ký hợp đồng 3 bên. Có nghĩa là chủ hàng và chủ xe ký trực tiếp với sàn, khi đó doanh nghiệp vận tải, chủ hàng mới phải trả phí. Về lộ trình lâu dài, khi tính tới vận chuyển kết hợp giữa đường bộ, hàng không và đường biển thì sẽ tính tới phương án thu phí.

Để quản lý sàn hiệu quả, theo ông Phạm Tấn Đạt, các thành viên tham gia trên sàn vận chuyển đều được xác minh, kiểm tra nhằm đánh giá uy tín và chất lượng dịch vụ. Khi khách hàng giao dịch với nhà xe trên sàn, sẽ có 2 tầng bảo vệ, thứ nhất là của nhà xe và thứ hai là của sàn với công tác kiểm tra, đánh giá và các văn bản ký kết, thỏa thuận giữa hai bên. Trường hợp các bên để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng, sàn vận chuyển sẽ đưa vụ việc ra cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, đồng thời tước bỏ tư cách thành viên và mọi quyền lợi trên sàn.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, mục đích của việc xây dựng sàn giao dịch vận tải nhằm giảm chi phí cho nhân lực điều hành vận tải, nâng cao hiệu suất, minh bạch hóa hoạt động vận tải, giúp cho các cơ quan chức năng quản lý và giúp đỡ tốt hoạt động kinh doanh vận tải. Thời gian qua, Tổng cục đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ sàn VinaTrucking như: Tư vấn và hướng dẫn các biểu mẫu thống kê, phối hợp với các Hiệp hội vận tải, Hiệp hội Logistic để tuyên truyền giới thiệu hoạt động của sàn. Tuy nhiên, để sàn hoạt động hiệu quả cần có sự vào cuộc quyết liệt từ chủ sàn, chủ hàng, DN vận tải.

“Để giải quyết bất cập liên quan đến vấn đề mất cân đối hàng hóa, DN quản lý sàn cần có bộ phận kết nối, chủ động tìm nguồn hàng, phân tích dự liệu nguồn hàng, số lượng, khối lượng, giá cả, lộ trình vận chuyển… để đưa lên sàn giao dịch và gửi đến DN vận tải, chủ hàng”, bà Hiền nói.

Theo Baogiaothong



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...