Nhiều “ông lớn” rơi vào diện kiểm toán năm 2014

Tại buổi họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước sáng 18/2, Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết theo kế hoạch đã được phê duyệt, năm nay cơ quan này sẽ tiến hành kiểm toán 185 đầu mối, gồm 14 bộ ngành, cơ quan Trung ương, 35 tỉnh thành phố, 17 chuyên đề độc lập, 35 dự án đầu tư, 42 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, 11 đầu mối thuộc Bộ Quốc phòng, 30 đầu mối thuộc lĩnh vực an ninh…

 
Đối với các bộ ngành Trung ương, năm nay Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường…
 
Trong số các tỉnh thành Trung ương có Hà Nội và Tp.HCM, Đà Nẵng, Nghệ An…
 
Đối với kiểm toán chuyên đề, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ 2013; chuyên đề tình hình thực hiện chính sách giá xăng dầu 2011 – 2013 tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu; chuyên đề huy động và sử dụng vốn tại Công ty Cho thuê tài chính 1 (ALC1) và ALC2 thuộc Agribank; Công ty Cho thuê tài chính của BIDV, của Vietinbank và Vietcombank.
 
Kiểm toán Nhà nước cũng tiến hành kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ năm 2013; chuyên đề quản lý, sử dụng tiền lãi dầu khí của nước chủ nhà và tiền đọc tài liệu để lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) từ 2003 - 2013; chuyên đề thu chi học phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
 
Một số dự án đầu tư lớn như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, công trình Nhà Quốc hội, dự án cải tạo trụ sở làm việc của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, trụ sở Bộ Ngoại giao, cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài - Lào Cai…cũng sẽ nằm trong diện kiểm toán năm nay của Kiểm toán Nhà nước.
 
Kế hoạch cũng đặt ra việc kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước 2013 của một số tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Thép…
 
Ngoài ra, với mục tiêu tập trung vào các hoạt động tài chính, bảo hiểm, Kiểm toán Nhà nước cũng đưa vào danh sách kiểm toán năm nay hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như: ngân hàng MHB, Công ty Mua bán nợ (DATC), Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex, Bảo hiểm xã hội, Tổng công ty Bảo Minh…
 
Cùng với đó là một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, giao thông như: Tổng công ty HUD, Viglacera, Tổng công ty Sông Hồng, Handico, Cienco 4, Sabeco, VEAM, Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, Tổng công ty Chè, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam…
 
Cũng theo Phó tổng kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, hiện kết quả kiểm toán năm 2013 đã cơ bản hoàn tất. Theo số liệu ban đầu từ 150 cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 22.778,1 tỷ đồng, trong đó các khoản tăng thu là 4.014 tỷ đồng, giảm chi 5.290 tỷ, các khoản phải nộp, phải trả lại cho ngân sách 9.817,5 tỷ đồng…
 
Ngoài ra, cơ quan này cũng chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng 5 vụ việc sang cơ quan chức năng, trong đó có 4 vụ cho cơ quan điều tra (Tổng công ty Tài chính Sông Đà; Tổng công ty Thủy sản và 2 vụ liên quan đến cho vay bất động sản không thu hồi được của 2 chi nhánh Agribank Bình Phú, Tp.HCM) cùng một vụ cho cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước để điều tra, xử lý những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
 

Dự kiến, kết quả kiểm toán năm 2013 sẽ được Kiểm toán Nhà nước hoàn chỉnh và báo cáo Quốc hội vào tháng 5 tới. 



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...