Nhượng quyền khai thác công trình giao thông thế nào?
Hiện tại có rất nhiều DN, cả trong và ngoài nước mong muốn được nhượng quyền khai thác tại các dự án giao thông.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là dự án đang được VEC xây dựng phương án nhượng quyền khai thác
- Ảnh: Trương Khởi
Ngày 21/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ GTVT xây dựng Đề án cho thuê, nhượng quyền khai thác các dự án hạ tầng giao thông. Từ trước đó nhiều tháng, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong ngành GTVT đã gấp rút xây dựng phương án nhượng quyền khai thác dự án, công trình để có thêm nguồn vốn đầu tư các dự án mới.
Đường bộ hấp dẫn nhà đầu tư
Để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ theo hướng hiện đại, ngành GTVT đã và đang đẩy mạnh công tác thu hút vốn xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng, trong đó có tính đến phương án nhượng quyền khai thác các công trình, dự án hạ tầng giao thông. Đặc biệt, chuyện nhượng quyền khai thác các tuyến đường cao tốc đã “nóng” lên từ năm 2014, khi lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), chủ đầu tư của ba dự án cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây xây dựng các phương án để nhượng quyền khai thác và thu phí các công trình này.
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc VEC cho biết, đây là ba dự án có quy mô và tổng mức đầu tư rất lớn nên để hấp dẫn nhà đầu tư, VEC đang lên phương án với thời gian chuyển nhượng mỗi dự án là 30 năm. Hiện tại đã có rất nhiều DN, cả trong và ngoài nước mong muốn được nhượng quyền khai thác tại các dự án này.
"Nhiệm vụ của ngành GTVT là phải huy động bằng được mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực tái cơ cấu đầu tư công mạnh mẽ. Để thực hiện được điều đó, chúng ta phải dùng hạ tầng như là “vốn mồi” để tiếp tục phát triển hạ tầng. “Vốn mồi” ở đây là toàn bộ kết cấu hạ tầng nhà nước đã đầu tư và hệ thống cơ chế, chính sách”.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
Tuy không tiết lộ mức giá chuyển nhượng của từng dự án cụ thể, nhưng ông Tuấn Anh khẳng định: “Căn cứ vào các tiêu chí như lưu lượng xe, mức phí, chi phí vận hành quản lý, thời gian trả nợ, lãi suất kỳ vọng của nhà đầu tư…, chúng tôi xây dựng phương án tài chính cụ thể, đảm bảo quyền lợi của nhà nước, người dân nhưng cũng phải hấp dẫn các DN tham gia”.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, không chỉ tập trung vào các dự án cao tốc, nhiều nhà đầu tư cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt đến một số tuyến đường bộ được đầu tư bằng hình thức BOT chuẩn bị nhượng quyền. Đáng kể nhất là dự án BOT Nam Bến Thủy - Hà Tĩnh do Tổng công ty XDCT giao thông 4 (Cienco 4) là nhà đầu tư, hiện có hai nhà đầu tư “xếp hàng” chờ chuyển nhượng, trong đó một DN đến từ Ấn Độ.
Về hình thức nhượng quyền, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco 4 cho biết, đơn vị đang xây dựng hai phương án cho dự án này. Phương án thứ nhất, Cienco 4 sẽ nhượng 49% quyền thu phí của dự án cho nhà đầu tư trong 16 năm. Trong khi đó, với phương án hai, Cienco 4 thành lập công ty CP dự án Nam Bến Thủy - Hà Tĩnh, sau đó tiến hành bán cổ phần cho các nhà đầu tư với phương án Cienco 4 vẫn nắm giữ trên 50% cổ phần tại DN này.
Quyền khai khác cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được nhiều nhà đầu tư muốn VEC nhượng lại - Ảnh: Lã Anh
Hàng không, đường sắt vào cuộc đua Với lĩnh vực hàng không, sức hấp dẫn của các dự án chuẩn bị được nhượng quyền khai thác cũng chẳng kém đường bộ. Ngay sau khi công bố thí điểm nhượng quyền khai thác CHK Quốc tế Phú Quốc và nhà ga T1 Nội Bài, hàng loạt nhà đầu tư đã gửi đề xuất tới Bộ GTVT xin được nhượng quyền khai thác hai công trình này. Trong đó, tại dự án CHK quốc tế Phú Quốc, ngoài ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương IPP, người được biết tới nhiều hơn với cái tên Jonathan Hạnh Nguyễn còn có bầu Hiển (ông chủ Tập đoàn T&T - Đỗ Quang Hiển). Trước đó, Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng nộp đơn xin nhượng quyền khai thác Nhà ga T1, CHK quốc tế Nội Bài.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết, đối với CHK Phú Quốc, cơ quan chức năng hàng không đang xây dựng hai phương án nhượng quyền dự án này. Với phương án thứ nhất, sẽ nhượng quyền CHK Phú Quốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư sẽ ký kết hợp đồng để quản lý, kinh doanh công trình nhượng quyền trong một thời hạn nhất định. Trong khi với phương án hai được ông Thanh đề cập tới là việc nhượng quyền theo hình thức chuyển đổi DN. Theo đó, sẽ thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu các chi nhánh cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền.
Ở lĩnh vực đường sắt, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, Công ty CP TMDV khách sạn Bạch Đằng cùng các đối tác là Công ty EIA Việt Nam (thành viên Tập đoàn EIA/DEGW của Pháp), Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình cũng ngỏ ý xin chuyển nhượng quyền khai thác đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát (tỉnh Lâm Đồng) và các cơ sở hạ tầng nhà ga, kho ga có liên quan để kết hợp các khu vực lân cận thành tổ hợp du lịch cao cấp gồm du lịch văn hóa, lịch sử, bất động sản và nghỉ dưỡng. “Hiện nay, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Công ty CP TMDV khách sạn Bạch Đằng lập đề xuất dự án”, ông Huy cho biết.
Đảm bảo cạnh tranh, tránh độc quyền
Bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sở hữu tư nhân sẽ hạn chế được những xung đột giữa nguồn lực, quyền lực và lợi ích. “Tuy nhiên, tư nhân chỉ là điều kiện cần, yếu tố quan trọng là phải đảm bảo cạnh tranh, để tránh độc quyền”, ông Thành khẳng định.
Trong khi đó, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, việc sắp xếp các nguồn lực cho quốc gia để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng là một cách tiếp cận rất tốt và cần thiết trong điều kiện nợ công tăng cao như hiện nay. Theo ông Phước, chủ trương nhượng quyền khai thác và thu phí các dự án, công trình giao thông để nhà nước có ngân sách đầu tư các công trình hạ tầng mới là hoàn toàn đúng đắn và cần xem xét nhân rộng.
“Đây là một chủ trương rất hay, nó cũng giống như chuyện trong một gia đình chỉ có mỗi chiếc xe máy là tài sản có giá trị nhưng lại muốn làm xưởng dệt may để phát triển kinh tế gia đình. Họ không muốn đi vay bên ngoài vì sợ trả lãi suất thì phải bán cái xe máy đi để có kinh phí làm nhà xưởng”, ông Phước ví von.
Đài Loan: Nhượng quyền thu phí 20 năm
Tại Đài Loan, chính quyền bỏ tiền ngân sách xây dựng đường cao tốc và chuyển nhượng quyền thu phí cho Công ty Thu phí điện tử Viễn Đông (FETC). Chính quyền ủy thác cho FETC đầu tư hệ thống thu phí tự động với hợp đồng thời hạn 20 năm; thu về 95% tổng phí thu được và trả cho FETC phần còn lại. Tiền thu được tiếp tục đầu tư trở lại làm đường mới và bảo trì. Để quản lý hoạt động của đơn vị được chuyển nhượng, chính quyền Đài Loan đề ra hạn mức bắt họ phải đáp ứng, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng.
Chẳng hạn, ở giai đoạn thu phí tự động sử dụng thiết bị On Board Unit (OBU), giới chức đề ra mục tiêu ít nhất 65% ô tô phải lắp OBU. Tuy nhiên, do thiết bị có giá đắt (hơn 31 USD) nên ít người tham gia khiến trong vài năm, FETC mới chỉ đạt được 42,6%. Khi đó, FETC đối mặt với nguy cơ bị cắt hợp đồng, buộc hãng này phải tự tìm cách cứu lấy mình bằng việc đưa ra một phương pháp thu phí mới đó là gắn thẻ etag miễn phí và vượt mục tiêu với 95% ô tô có gắn thẻ etag.
Nguồn: baogiaothong