Nỗ lực đi đầu - ngành GTVT cơ bản hoàn thành mục tiêu CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Năm năm qua, Bộ GTVT đã triển khai CPH 137 doanh nghiệp, tăng 76 doanh nghiệp bổ sung ngoài phương án Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoàn thành CPH 67 DN; trong đó, có 16 tổng công ty quy mô lớn như Hàng không Việt Nam (tổng tài sản hơn 57 nghìn tỷ đồng), Cảng Hàng không Việt Nam (hơn 40 nghìn tỷ đồng), Hàng hải Việt Nam (hơn 17 nghìn tỷ đồng),… Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Đến nay, Bộ đã hoàn thành thoái vốn tại 113 doanh nghiệp, thu về hơn 4.399 tỷ đồng. Trong đó, có bảy công ty mẹ - tổng công ty và 106 doanh nghiệp thành viên.
Hội nghị tổng kết công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển Doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa: Tính đến thời điểm này, trong số 124 doanh nghiệp hoàn thành IPO (thì 33 doanh nghiệp hoàn thành trong năm 2015). Để xác định tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa thì chủ yếu là tại 91 doanh nghiệp đã hoàn thành trước năm 2015, trong đó tập trung vào 11 Tổng công ty. Về tái cơ cấu lao động: giai đoạn 2011-2015, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp giải quyết chính sách lao động dôi dư cho trên 20.000 người, với tổng số tiền khoảng 750 tỷ đồng.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm (2011-2015) thực hiện công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc Bộ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho rằng Bộ GT-VT là cơ quan đi đầu trong cổ phần hóa DN nhà nước và đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ tốt hơn số lượng và chất lượng dịch vụ cho người dân.
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Bộ GTVT cho biết thêm hiệu quả công tác TCC, CPH, “Các doanh nghiệp sau CPH đã từng bước trở thành những doanh nghiệp mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giao thông đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp Bộ đột phá thành công, hoàn thành vượt tiến độ những dự án giao thông trọng điểm. Những kết quả đó đã củng cố niềm tin cho người lao động, cán bộ lãnh đạo, các cấp quản lý và toàn xã hội”, Thứ trưởng Trường đánh giá.
Trước khi thực hiện tiến trình CPH, Bộ GTVT là một trong số những Bộ có nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhất. Đến tháng 1/2011, Bộ GTVT có đến 94 doanh nghiệp là các tổng công ty, tập đoàn trực thuộc Bộ có100% vốn Nhà nước và hàng trăm DNNN của các Tổng công ty thuộc Bộ. Từ thực tế trên, nhiệm vụ tái cơ cấu (TCC), CPH doanh nghiệp được Bộ GTVT coi là nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu chuyển đổi chủ sở hữu để thay đổi quản trị doanh nghiệp tạo luồng sinh khí mới để sau CPH các doanh nghiệp trở thành những đầu tàu mới trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế.
Qua kết quả và thực tiễn triển khai tái cơ cấu - cổ phần hoá của Bộ GTVT, một lần nữa khẳng định, chủ trương tái cơ cấu - cổ phần hoá doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước là đúng, trong đó giải pháp chủ yếu là cổ phần hoá.
Ngành GTVT có được những kết quả trên, phải kể đến sự quyết liệt, triển khai triệt để trong quá trình tái cơ cấu mà Bộ GTVT đã làm được, đó là việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất của quản lý Nhà nước. Quan điểm xuyên suốt này được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng quán triệt tại nhiều cuộc họp bàn công tác xây dựng VBQPPL. “Mục tiêu là phải hướng tới người dân, doanh nghiệp. Nhà nước chỉ xây dựng thể chế chính sách. Cái gì doanh nghiệp làm được, người dân làm được để người dân, doanh nghiệp làm. Nhà nước chỉ tăng cường kiểm tra, kiểm soát”, Bộ trưởng nói.
Từ những kết quả đạt được của Bộ GTVT cho thấy, để thực hiện tốt thì cả hệ thống chính trị cần vào cuộc, mà cụ thể cần quyết tâm chính trị của lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng. Bộ trưởng Đinh La Thăng thường xuyên họp để chỉ đạo sát sao với quyết tâm rất cao và cùng quyết tâm của các đơn vị. Đây là kinh nghiệm, bài học chung cho cả nước.