Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về tình hình thực hiện tái cơ cấu của Tổng công ty

2014/2/17 17:47 - Bộ GTVT

Chiều 13/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã có buổi làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) về tình hình thực hiện tái cơ cấu của Tổng công ty.

Dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ; lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ GTVT.
 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với 
Tổng công ty ĐSVN về tình hình thực hiện tái cơ cấu của Tổng công ty
 
Theo báo cáo của Tổng công ty ĐSVN, thực hiện “Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 -2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong năm 2013, Tổng công ty ĐSVN đã hoàn thành việc xây dựng “Đề án đào tạo chiến lược, phát triển nguồn nhân lực cho Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2013 - 2020”; xây dựng kế hoạch và định biên lao động, thực hiện việc giảm lao động hàng năm ít nhất từ 5% trở lên; xây dựng hoàn thành phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc Tổng công ty theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Tái cơ cấu và các tổ chức giúp việc Ban Chỉ đạo.
 
Tổng công ty ĐSVN cũng đã xây dựng kế hoạch thoái hết vốn tại 7 công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty, giảm tỷ lệ vốn của Tổng công ty xuống 35% vốn điều lệ tại 3 công ty cổ phần, nắm giữ 49% vốn điều lệ của 2 công ty và nắm giữ 65% vốn điều lệ tại 1 công ty cổ phần khác. Ngay trong quý 2, Tổng công ty đường sắt Việt Nam sẽ tiến hành bán thoái vốn tại 13 công ty cổ phần này. Tổng công ty cũng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để tăng cường an toàn, nâng cao năng lực giao thông vận tải đường sắt.
 
Đối với việc sắp xếp lại khối vận tải, Tổng công ty đã có báo cáo gửi Bộ GTVT và Chính phủ cho phép điều chỉnh một phần “Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015” với mục tiêu thu gọn đầu mối từ 3 công ty vận tải đường sắt hiện nay (Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội, Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Vận tải Hàng hóa Đường sắt) thành 2 công ty theo địa giới hành chính Bắc, Nam. Trên cơ sở giữ nguyên Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Hà Nội, Công ty Vận tải Hành khách Đường sắt Sài Gòn và giải thể Công ty TNHH MTV Vận tải Hàng hóa Đường sắt về trực thuộc 2 công ty trên.
 
Nói về vấn đề tái cơ cấu của Tổng công ty ĐSVN, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Thực hiện Quyết định số 198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012-2015, Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án này. Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với Tổng công ty triển khai thực hiện.
 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại buổi làm việc
 
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng nêu lên định hướng phát triển ngành Đường sắt Việt Nam. Theo đó, ngày 16/12/2013, Bộ GTVT đã có Văn bản số 13369/BGTVT-KHĐT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 với các mục tiêu chủ yếu: Giai đoạn đến năm 2020 sẽ đáp ứng tối thiểu 1% - 2% nhu cầu về hành khách và 1% - 3% nhu cầu về hàng hóa; giai đoạn 2020 - 2030 đáp ứng tối thiểu 3% - 4% nhu cầu về hành khách và 4% - 5% nhu cầu về hàng hóa, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước xây dựng mới đường sắt đôi, khổ 1435mm trên trục Bắc - Nam với tốc độ khai thác từ 160km/h - dưới 200km/h.
 
Để Tổng công ty ĐSVN phát triển trong thời gian tới, Thứ trưởng nêu rõ, trên cơ sở nghiên cứu mô hình từ ngành hàng không với 3 tổng công ty (Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Quản lý bay) để tách thành 3 khối hạ tầng đường sắt, vận tải đường sắt và điều độ đường sắt.
 
Cũng tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đã nêu những trăn trở về sự phát triển của ngành Đường sắt Việt Nam, trong khi các loại hình vận tải khác phát triển mạnh mẽ thời gian qua. Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, Tổng công ty ĐSVN cần phải quyết liệt đổi mới thì mới đuổi kịp với các loại hình vận tải khác.
 

Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt VN
phải gắn chặt với chiến lược phát triển ngành Đường sắt Việt Nam
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, trong nhiều năm qua và năm 2013, Tổng công ty ĐSVN đã hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Thay mặt Thủ tướng, Chính phủ, Phó Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những kết quả mà CBCNVC-LĐ của toàn Tổng công ty đã đạt được trong thời gian qua.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty ĐSVN ngoài việc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu thì cũng phải gắn chặt với chiến lược phát triển của ngành Đường sắt Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng cần nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển đường sắt trong sự phát triển chung của giao thông đất nước, hiểu rõ sự cạnh tranh với đường thủy, đường bộ, đường hàng không để xác định được tầm nhìn dài hạn.
 
 “Tổng công ty cần xác định rõ thời gian tới đường sắt sẽ phát triển theo định hướng nào, chỉ vận tải hành khách hay có cả vận tải hàng hóa. Trong quá trình vừa tái cơ cấu, vừa phát triển, Tổng công ty ĐSVN cũng cần xây dựng mô hình tổ chức và quản lý hiệu quả, làm rõ được về hạ tầng đường sắt như đường, nhà ga... đâu là nơi mà Nhà nước bắt buộc phải đầu tư, đâu là nơi có thể cổ phần hóa, mời gọi xã hội cùng tham gia đầu tư để giảm bớt các khoản chi của ngân sách mà vẫn giúp ngành Đường sắt phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể CBCNVC-LĐ toàn Tổng công ty Đường sắt VN. 



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...