Sắp IPO 24 doanh nghiệp đường sắt

2015/11/5 11:4

Cuối tháng 10, phương án cổ phần hóa (CPH) 24 đơn vị đường sắt đã được trình Bộ GTVT, đảm bảo đúng lộ trình.

VNR hy vọng sau CPH, các doanh nghiệp vận tải đường sắt sẽ hoạt động năng động hơn,

kinh doanh, khai thác vận tải hiệu quả hơn

 

CPH đúng lộ trình

Kế hoạch Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) đặt ra là tiến hành CPH 24 công ty TNHH MTV gồm: 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, 2 công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn, 2 công ty Xe lửa Gia Lâm, Dĩ An trong năm 2015. Nếu như 6 tháng đầu năm 2015, tiến độ công tác CPH chậm do gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, kinh phí giải quyết chế độ chính sách cho số lượng lao động dôi dư lớn… thì đến tháng 10, VNR đã thẩm định và trình Bộ GTVT phương án CPH, chờ phê duyệt.

“Công tác CPH 24 doanh nghiệp cũng như các phương án CPH đã được thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp với các điều kiện sản xuất kinh doanh đặc thù của ngành Đường sắt và đảm bảo đúng lộ trình, kế hoạch”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV VNR khẳng định.

Theo báo cáo của VNR tại cuộc họp thẩm định phương án CPH 24 doanh nghiệp đường sắt do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuối tháng 10, các doanh nghiệp này đều chọn hình thức CPH: “kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ”.

Về cơ cấu vốn điều lệ, đối với 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, vốn nhà nước nắm giữ 51%; Vốn người lao động được mua ưu đãi chiếm từ 35% đến 44%; Vốn của các nhà đầu tư khác chiếm từ 5% đến 14%. Với tỷ lệ vốn bán ra bên ngoài ít, đây không phải là điều lo lắng đối với các công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt.

“CBCNV công ty sẵn sàng tiếp tục góp vốn, mua số cổ phần này nếu các nhà đầu tư bên ngoài không quan tâm, nhằm duy trì và phát triển doanh nghiệp”, ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Hà Lạng cho biết.

Với hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn, tỷ lệ này là: Vốn nhà nước 60%; Vốn người lao động chỉ chiếm từ 11% đến 12%; trong khi đó vốn của nhà đầu tư khác chiếm hơn 28%.

Đối với hai công ty xe lửa Dĩ An, Gia Lâm, vốn nhà nước nắm giữ với tỷ lệ cao: 75%; Vốn người lao động chiếm từ 9% đến 19%; Vốn các nhà đầu tư khác chiếm từ 6% đến 16%. Lý giải điều này, ông Trần Ngọc Thành cho biết, điều đó nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt. Vì hiện nay, do thời gian gấp gáp nên những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về KHCN đường sắt chưa có thời gian tìm hiểu, tham gia đầu tư; trong khi đó các nhà đầu tư quan tâm trong nước chủ yếu là các nhà đầu tư bất động sản.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 25.493 người nhưng tổng số lao động cần khi doanh nghiệp chuyển sang mô hình cổ phần chỉ còn 23.456, như vậy dôi dư ra 2.037 lao động. Đây là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp khi giải quyết bài toán chế độ chính sách cho lao động dôi dư.

Từ tháng 1/2016 hoạt động theo mô hình CTCP

Chỉ còn 2 tháng nữa để VNR thực hiện các công việc tiếp theo: chào bán cổ phần, đại hội cổ đông; giải quyết chế độ cho lao động dôi dư… đảm bảo đúng tiến độ, để các công ty đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP) từ ngày 1/1/2016. Đó là chưa kể, liệu việc bán cổ phần ra bên ngoài có thành công khi mà đến nay cả 24 doanh nghiệp chưa có nhà đầu tư chiến lược nào quan tâm, nhất là đối với các công ty vận tải tỷ lệ vốn phải bán ra bên ngoài lớn.

Ông Trần Ngọc Thành nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện các bước tiếp theo. Sẽ không tránh khỏi vướng mắc phát sinh, đó là điều chắc chắn khi tiến hành đổi mới; nhưng vướng mắc đến đâu, tháo gỡ đến đấy chứ không thể không làm”.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, khó khăn nhất đối với công ty sau khi CPH là lượng lao động dôi dư khá lớn, khoảng gần 700 người. Việc giải quyết chế độ, quyền lợi cho người lao động sớm sẽ nhanh chóng ổn định được lực lượng lao động còn lại.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Đăng Khoa cho rằng, nếu không tiến hành nhanh, để kéo dài sang năm 2016, khi Luật BHXH mới có hiệu lực với nhiều quy định mới chặt chẽ hơn sẽ thiệt thòi cho người lao động, đồng thời có thể gây biến động lượng lao động dôi dư, ảnh hưởng đến tiến độ CPH.

Đến cuối năm sẽ IPO hàng loạt DN ngành GTVT

Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT Vũ Anh Minh cho biết: Theo kế hoạch, năm 2015, Bộ GTVT sẽ thực hiện CPH 28 đơn vị. Đến hết 30/10, Bộ đã hoàn thành phê duyệt phương án CPH cho 24 đơn vị ngành Đường sắt và dự kiến trước 31/12/2015, các đơn vị này sẽ hoàn tất việc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.

Bệnh viện GTVT T.Ư đã hoàn thành IPO. Tổng công ty Cảng Hàng không VN (ACV) cũng đặt mục tiêu hoàn thành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 10/12 tới.

Trước khi tiến hành IPO, doanh nghiệp khai thác CHK lớn nhất cả nước này cũng sẽ tổ chức roadshow giới thiệu chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư... tới các nhà đầu tư tại Hà Nội và TP HCM, dự kiến vào ngày 19 và 23/11 tới. Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines), ông Minh cho biết, hôm nay (4/11) là ngày đàm phán cấp cao giữa Chủ tịch và TGĐ về các nội dung còn lại.

 

Theo baogiaothong



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...