Tổng công ty Xây dựng Thăng Long: Mối lo hậu cổ phần hóa

2014/6/19 22:46 - Anh Minh/Đầu Tư

Việc nhân sự của Tasco - cổ đông chỉ chiếm 30,6% vốn điều lệ được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đang làm dấy lên mối lo về sự xáo trộn hậu cổ phần hóa tại doanh nghiệp này.

Việc ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Công ty cổ phần Tasco được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Thăng Long tại Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất có thể gây bất ngờ với nhiều người, nhưng không phải với Bộ Giao thông - Vận tải.
 
 
 Công trình cầu đường sắt Bắc - Nam do Tổng công ty Xây dựng Thăng Long thi công. Ảnh: A.M
 
7 ngày trước thời điểm Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất (7/5/2014), Bộ Giao thông - Vận tải đã có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Công Tài, Chủ tịch Hội đồng Thành viên giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông - Vận tải như là động thái dọn đường cho sự thay đổi nhân sự tại một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về xây dựng cầu đường.
 
Cũng liên quan tới nhân sự Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, tháng 4/2014, Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ định các ông Phan Quốc Hiếu, Tổng giám đốc; ông Vũ Hồng Phương, Phó tổng giám đốc làm người đại diện phần vốn nhà nước và tham gia ứng cử chức vụ Ủy viên HĐQT. Riêng ông Phan Quốc Hiếu còn được Bộ Giao thông - Vận tải giới thiệu tham gia ứng cử chức danh Tổng giám đốc Tổng công ty.
 
Trên cơ sở đề nghị của Tổng công ty, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt danh sách cổ đông chiến lược gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội - SHB (nắm 10% vốn điều lệ), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (nắm 10% vốn điều lệ). Hai nhà đầu tư này được ưu tiên mua cổ phiếu bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần).
 
Tại Đại hội, các cổ đông đã biểu quyết thông qua Điều lệ hoạt động của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - CTCP; kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2014-2016; kế hoạch chi trả tiền lương; phương án lựa chọn đơn vị kiểm toán. Đại hội đồng cổ đông đã tiến hành bỏ phiếu bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 gồm 5 ủy viên là ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch Tasco), ông Lê Đăng Khoa, ông Mai Trọng Thịnh, ông Phan Quốc Hiếu, ông Vũ Hồng Phương.
 
Tại phiên họp lần thứ nhất, HĐQT đã tín nhiệm bầu ông Phạm Quang Dũng giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Hồng Phương giữ chức danh Phó chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - CTCP, bổ nhiệm ông Phan Quốc Hiếu giữ chức vụ Tổng giám đốc (Tuy nhiên ông Hiếu hiện nay đã được Bộ GTVT bổ nhiệm làm Phó cục trưởng Cục QLXD và Chất lượng CTGT, ông Vũ Hồng Phương được trao ghế Tổng giám đốc)
 
Một cổ đông là cán bộ Tổng công ty cho biết, ông này khá bất ngờ với việc nhân sự của Tasco trúng cử chức danh Chủ tịch HĐQT mà không phải là “người” của Bộ Giao thông - Vận tải, hay 2 đối tác chiến lược.
 
Theo một nguồn tin, cuối tháng 3/2014, vài ngày sau đợt IPO Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Công ty cổ phần Tasco đã có tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị được tham gia quản trị đơn vị. Tại tờ trình này, ông Phạm Quang Dũng cho biết, Tasco và các thành viên thuộc Tasco đã trúng đấu giá 9.175.300 cổ phiếu tại đợt IPO Tổng công ty, với mức giá trúng đấu giá 20.600 đồng/cổ phần, chiếm 30,6% vốn điều lệ của Thăng Long.
 
Đại diện Tasco đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cơ cấu 2 nhân sự của nhóm Tasco vào HĐQT và được giữ chức Chủ tịch HĐQT của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long. Tasco cũng dự kiến “quy hoạch” 3 ghế còn lại trong HĐQT gồm 5 thành viên như sau: Bộ GTVT (1); cán bộ, nhân viên Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (1) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (1).
 
Điều đặc biệt là, ông Dũng cam kết đảm bảo cổ tức của cổ đông trên 15%/năm, gấp 2 lần so với phương án kinh doanh của Tổng công ty tại bản cáo bạch gửi các nhà đầu tư trong đợt IPO. Chưa rõ đây có phải lý do khiến các cổ đông dồn phiếu cho Tasco hay không, nhưng lời hứa này lại vênh khá lớn với mức cổ tức bình quân 9%/năm trong 3 năm đầu tiên hậu cổ phần hóa được Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất thông qua.
 
Cần phải nói thêm rằng, mức cổ tức 9% là mục tiêu được nhiều tổng công ty xây dựng giao thông lựa chọn trong những năm đầu cổ phần hóa, do phù hợp với diễn biến thị trường xây dựng cơ bản; đồng thời cũng làm hài lòng đại đa số cổ đông chiến lược - những người được mua cổ phiếu bằng mệnh giá.
 
Với việc trả cao 2,6 lần mệnh giá, lợi nhuận mà Tasco thu được rất thấp, ngay cả khi Ban điều hành Tổng công ty hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Đây là áp lực lớn với Tasco khi đầu tư vào Thăng Long, bởi bản thân đơn vị này cũng là một công ty cổ phần”, một cổ đông phân tích.
 
Được biết, trong tờ trình gửi Bộ Giao thông - Vận tải, đại diện Tasco “khoe” rằng, đơn vị này hiện có số vốn chủ sở hữu 1.000 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận hàng năm tăng trưởng bình quân trên 30%.
 
Nếu không có sự chia sẻ, thông cảm, sự lệch pha giữa Chủ tịch HĐQT và Ban điều hành trong việc theo đuổi các mục tiêu lợi nhuận rất có thể khiến Tổng công ty rơi vào một vòng xoáy bất ổn”, nhà đầu tư này lo ngại.


GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...