Vì sao 11 dự án cao tốc hấp dẫn nhà đầu tư PPP?
Ngoài khả năng sinh lời, các dự án đường cao tốc còn đem lại khối lượng công việc dồi dào cho các doanh nghiệp.
VEC - chủ đầu tư hàng loạt cao tốc cũng xếp hàng đăng ký làm BOT dự án cao tốc Thanh Hóa - Bãi Vọt
(ảnh chụp cầu trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) - Ảnh: VEC
Theo lý giải của nhiều chuyên gia ngoài khả năng sinh lời, các dự án đường cao tốc còn đem lại khối lượng công việc dồi dào cho các doanh nghiệp, từ đó tạo ra sức hấp dẫn để các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Không thể trông chờ vào ngân sách hay ODA
Đầu tháng 4/2015, Bộ GTVT công bố danh mục 11 dự án đường cao tốc chuẩn bị đầu tư xây dựng bằng hình thức đối tác công tư (PPP). Đáng chú ý, tất cả các dự án này đều đã có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Thậm chí, có những dự án có đến gần chục doanh nghiệp chen nhau sẵn sàng bỏ tiền triển khai thực hiện. Đáng kể nhất là tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án có tổng mức đầu tư lên tới 12 nghìn tỷ đồng với một danh sách dài doanh nghiệp đăng ký tham gia gồm: Công ty CP Đầu tư UDIC, SCIC, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Trancosin), Công ty 468, Công ty CP Giao thông 1 và Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Phương Thành Tranconsin cho biết, tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông bằng hình thức xã hội hóa, trong đó có đầu tư đường cao tốc là xu hướng chung của các doanh nghiệp xây dựng giao thông. Lý do đơn giản bởi đây không chỉ là kênh đầu tư hiệu quả, mà nó còn tạo ra một khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án.
"Chúng ta xây dựng, phát triển đường cao tốc phải theo hướng không làm ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến nợ công. Các dự án phải đem lại hiệu quả, trong quá trình thiết kế phải khảo sát kỹ càng, hướng tuyến cần lựa chọn hợp lý, khoa học, tránh các khu dân cư và những vùng đất yếu. Các cầu vượt trên tuyến phải đảm bảo nguyên tắc đường nhỏ vượt đường lớn”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
Theo ông Khôi, trên cơ sở các tuyến cao tốc được Bộ GTVT lựa chọn triển khai, các nhà đầu tư sẽ tiến hành nghiên cứu, đánh giá khả năng hoàn vốn cũng như hiệu quả của dự án để đưa ra quyết định đầu tư. “Khi thấy hiệu quả từ các dự án đường cao tốc mang lại, các doanh nghiệp sẽ “nhảy” vào đầu tư. Đối với chúng tôi, việc này càng có ý nghĩa hơn bởi ngoài hiệu quả kinh tế, dự án còn tạo ra nguồn công việc dồi dào cho đơn vị thi công của Phương Thành”, ông Khôi nói và khẳng định, hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng cơ bản nếu chỉ trông chờ vào các dự án sử dụng vốn ngân sách, TPCP hay vốn ODA chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), một đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm làm nhà đầu tư các dự án BOT như: Cầu Yên Lệnh, tuyến tránh Vinh và Nam Bến Thủy - Hà Tĩnh, dự án nâng cấp QL1 đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát,… cũng đăng ký làm nhà đầu tư tại dự án cao tốc Thanh Hóa - Bãi Vọt theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Cienco 4 cho biết: “Các công trình đường cao tốc được triển khai bằng hình thức PPP có sức hút lớn đối với nhà đầu tư do các doanh nghiệp đã nhìn thấy hiệu quả về kinh tế, công ăn việc làm… của dự án mang lại. Đơn cử như dự án Nam Bến Thủy - Hà Tĩnh do Cienco 4 làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, hiện đã có nhiều nhà đầu tư ngỏ ý xin chuyển nhượng lại toàn bộ dự án”.
Dù không tiết lộ mức giá chuyển nhượng trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư nhưng ông Vinh khẳng định: “Số tiền thu được từ việc chuyển nhượng dự án chắc chắn cao hơn số tiền chúng tôi đã bỏ ra xây dựng công trình”.
Theo tìm hiểu, Tổng công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị chủ đầu tư hàng loạt các dự án cao tốc lớn và hiện đại như: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây,… đến nay, cũng đang “xếp hàng” đăng ký làm nhà đầu tư BOT của dự án cao tốc Thanh Hóa - Bãi Vọt.
Công khai, minh bạch từng dự án
Lý giải về sức hấp dẫn của các dự án cao tốc khi được triển khai bằng hình thức PPP, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, thời gian qua, Bộ GTVT đã thu được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận trong việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận với dự án thuận lợi.
“Bộ GTVT đã công bố công khai, minh bạch từng dự án đường cao tốc chuẩn bị triển khai xây dựng để doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu. Tôi cho rằng, đây là yếu tố quan trọng góp phần làm tăng thêm sự tin tưởng cũng như thu hút các nhà đầu tư đăng ký triển khai dự án”, ông Kiên đánh giá.
Trong khi đó, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lại khẳng định, chỉ khi nhận thấy khả năng sinh lời của dự án, các doanh nghiệp mới “nhảy” vào đầu tư. “Trong giai đoạn nguồn vốn ngân sách đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đang rất khó khăn, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng các công trình là rất cần thiết. Việc các doanh nghiệp nhìn thấy khả năng sinh lời từ các dự án nên đã tạo ra sự hấp dẫn của các dự án cao tốc đối với các nhà đầu tư”, ông Phước nhấn mạnh.
Ông Phước phân tích thêm, các dự án cao tốc đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong đó, các nhà đầu tư phần lớn sử dụng vốn tín dụng của các ngân hàng. “Những năm qua, trong khi nhiều lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn, đổ vốn vào đó rất rủi ro, lĩnh vực hạ tầng giao thông luôn là một điểm đến an toàn của đồng vốn, thậm chí trở thành cứu cánh của nhiều ngân hàng trong bối cảnh tín dụng đầu ra chật vật”, ông Phước cho hay.
Nguồn: baogiaothong