CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Bao nhiêu đề án bảo tồn cầu Long Biên coi như bỏ đi?

2014/2/23 19:51 - VOV

Trước thông tin Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra các phương án di dời cầu Long Biên về phía thượng lưu, đồng thời xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng trên tim cầu cũ, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam).


PV: Thưa PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục, trước thông tin Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra các phương án di dời cầu Long Biên về phía thượng lưu để bảo tồn cây cầu hơn 100 năm tuổi này thì bà có nhận định gì?
 
PGS Nguyễn Hồng Thục: Tôi rất ngạc nhiên bởi suốt 12-13 năm nay tôi đã tưởng rằng vấn đề này đã được thống nhất giữa Chính phủ Pháp, Chính phủ Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải cũng như những người làm công tác bảo tồn như chúng tôi, rằng: Bất cứ phương án nào cũng phải bảo tồn nguyên vẹn cầu Long Biên.
 

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư
 
Nhưng khi nghe tin này, tôi cảm thấy tất cả những gì chúng ta đã đạt được trong 12, 13 năm qua đều coi như bỏ đi và chúng ta lại quay lại từ đầu, bàn với nhau xem là phương án nào?
 
PV: Trong năm 2001 bà đã được tham dự hội thảo quốc tế tại Pháp về cầu và các công trình nghệ thuật bằng kim loại. Trong hội thảo đó, bà có thể nhớ lại và chia sẻ cho chúng tôi biết những quan điểm của bà khi nói về giá trị cầu Long Biên?
 
PGS Nguyễn Hồng Thục: Tháng 10/2001, Chính phủ Pháp có mời đoàn chúng tôi gồm 3 người là Giáo sư Lê Văn Thưởng và Giáo sư Đào Xuân Lâm là người của Bộ Giao thông Vận tải. Và riêng về giới kiến trúc thì có tôi. Tôi đã nói đến 3 yếu tố gốc mà tôi xin hội thảo quan tâm đến chuyện bảo tồn nguyên vẹn nó:
 
Thứ nhất, cuối thế kỉ 19, nhà toàn quyền Paul Doumer đã kêu gọi những nhà kĩ nghệ của nước Pháp đưa cây cầu kim loại đầu tiên vào Việt Nam trong khi việc trị thủy ở sông Hồng rất khó. Hồi đó, công ty Eiffel đã xây dựng tháp Eiffel và chỉ 2 năm sau họ khởi công thiết kế cây cầu Paul Dumer này.
 
Do đó, những giá trị về mặt công nghệ không chỉ của Việt Nam nữa mà là của thế giới. Nó ngang bằng với biểu tượng của tháp Eiffel. Giá trị công nghệ này sẽ kích thích những người Việt bởi lúc đó kĩ sư Pháp thiết kế, còn toàn bộ thợ Việt Nam xây dựng.
 
Hai giá trị khác theo tôi nghĩ, đã là lịch sử thì nó phải là nhân chứng, đặc biệt là của hai cuộc kháng chiến.
 
Thứ hai đó là chứng tích tạo thị. Chỉ từ năm 1902 cầu Paul Dumer xuất hiện thì sau đó, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, dân số Hà Nội tăng vọt lên rất nhanh. Hay nói cách khác, giao thông của đô thị và tiền hiện đại quan trọng đến mức cây cầu này nối được hai bờ Bắc - Nam và vươn lên đến phố thị Hải Phòng, Đồng Đăng - Lạng Sơn và Quảng Ninh.
 
 
Cầu Long Biên hàng ngày vẫn được người dân sử dùng để đi lại giữa hai bờ sông Hồng (Ảnh: Hà Thành)
Chính cây cầu này là một trong những động lực chính thúc đẩy cho Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại, có giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế.
 
Ngoài yếu tố tạo thị, cầu Long Biên là một vẻ đẹp không chỉ của riêng cây cầu mà người Pháp đã tạo cho nó cảnh quan của Hà Nội rất đặc biệt và tới giờ, nó trở thành một biểu tượng văn hóa.
 
PV: Theo bà, trong tương lai, việc quy hoạch cầu Long Biên nên tiến hành theo phương thức nào, để vẫn giữ nó là địa chỉ văn hóa, lịch sử mang đậm dấu ấn của Hà Nội nhưng không bị lạc lõng bên cạnh những cây cầu hiện đại đang được xây dựng?
 
PGS Nguyễn Hồng Thục: Về mặt chức năng của cầu Long Biên thì tôi cho rằng tự nó đã lựa chọn một chức năng nổi trội mà đô thị của chúng ta đang rất thiếu, khi chúng ta đang thiết kế đô thị dành cho cơ giới (với hệ thống 7 cây cầu mới).
 
Cây cầu này đang gánh vai của một cây cầu bộ hành và nó vẫn đang tiếp tục nuôi dưỡng chúng ta. Chúng ta phải nhìn thấy cây cầu Long Biên là cây cầu rất hiện đại bởi nó là cấu trúc duy nhất ở Hà Nội làm kinh tế về đêm. Là người ta chuyên chở hàng hóa, cung cấp thực phẩm tươi theo lối sống của người Hà Nội, một cách kịp thời và rẻ nhất.
 

Ngoài yếu tố tạo thị, cầu Long Biên là một biểu tượng văn hóa của thủ đô (Ảnh: Hà Thành)
 
Nếu chúng ta di dời cây cầu này, chúng ta sẽ ảnh hưởng đến sinh kế hàng vạn người dân. Tôi cho rằng, bảo tàng là bảo tàng còn những di sản sống thì chúng ta phải giữ nguyên trạng và tìm ra những giá trị, sự tinh tế mà nó mang lại với chức năng xã hội và sự gần gũi người dân.
 
PV: Đặt trong bối cảnh chung về mặt cảnh quan đô thị di sản, theo bà, nếu như di dời cầu Long Biên thì cấu trúc ấy sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
 
PGS Nguyễn Hồng Thục: Rõ ràng ở Hà Nội, cây cầu này, khu phố cổ, Hoàng thành và khu phố Pháp sẽ trở thành cấu trúc của một đô thị di sản độc nhất vô nhị.
 
Còn bây giờ, chúng ta bỏ những thành tố ấy thì rõ ràng nó sẽ bị khập khiễng và di sản của chúng ta bị khiếm khuyết. Chúng ta có nhiều phương cách thông minh để bảo tồn những di sản của cha ông. Và hãy nhìn người dân, họ sử dụng cái gì thì cái đó sẽ thành di sản. Bây giờ, những cấu trúc đó người dân vẫn đang sử dụng và sử dụng rất tốt. Chẳng qua chúng ta cứ chèn ép thêm, khai thác nó quá mức và làm cho nó quá tải.

PV: Xin cảm ơn bà./. 



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH