CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Vì sao dự án Cát Linh – Hà Đông đội vốn 339,1 triệu USD?

2014/4/23 15:15 - GTVT

Thời gian triển khai dự án kéo dài khiến nhiều hạng mục thay đổi, trượt giá phát sinh, bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng ì ạch khiến phải thay đổi phương án thiết kế... là 3 trong 9 nguyên nhân chính khiến tổng mức đầu tư tuyến đường sắt nội đô Cát Linh – Hà Đông tăng 339,1 triệu USD.


Trụ cầu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chụp từ đường Nguyễn Trãi 

 

10 năm triển khai, phát sinh nhiều vấn đề

 

Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở VN có quy mô lớn và tính chất kỹ thuật phức tạp, đã được nghiên cứu từ năm 2004, đến năm 2008, được phê duyệt quyết định đầu tư.

 

Trải qua thời gian triển khai gần 10 năm, chủ đầu tư và cả chủ thầu EPC chưa có kinh nghiệm cộng với nhiều khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, thiết kế chưa phù hợp lại thêm giải phóng mặt bằng chậm khiến phát sinh nhiều hạng mục khiến tăng tổng mức đầu tư. Chỉ riêng chi phí dự phòng trượt giá trong TMĐT đã duyệt năm 2008 là 17% (61 triệu USD) nhưng giá cả và chính sách thay đổi nên chủ đầu tư và tư vấn lập dự án đề xuất bổ sung trượt giá cho khối lượng xây lắp lên 134,1 triệu USD.

 

Cụ thể, ngày 23/12/2013, Tổng thầu EPC là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc có văn bản số 1340/2013/CRSG/HNHĐ về việc đề nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư (TMĐT) kèm theo Báo cáo phân tích tăng tổng mức đầu tư với giá trị bổ sung cho Gói thầu số 1 (EPC) là 258,4 triệu USD (chưa bao gồm chi phí dự phòng 25,84 triệu USD).

 

Chủ đầu tư đã phối hợp với Tư vấn thẩm tra (TEDI) rà soát trên cơ sở hồ sơ tính toán chi phí bổ sung của Tổng thầu đối với Gói thầu EPC và các chi phí khác (chi phí GPMB, chi phí tư vấn, chi phí khác, thuế GTGT,…) trong TMĐT. Từ đó xác định được biểu khái toán TMĐT điều chỉnh là 891,92 triệu USD, giá trị tăng thêm so với TMĐT được duyệt: 339,1 triệu USD. Trong đó chi phí tăng thêm cho gói thầu EPC là 250,8 triệu USD, chi phí tăng thêm cho công tác GPMB, tư vấn, chí khác, thuế GTGT… và dự phòng là 88,3 triệu USD.

 

9 nguyên nhân chính khiến TMĐT tăng

 

Theo Bộ GTVT, tăng TMĐT do 9 nguyên nhân chính. Trong đó, có việc thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng nhằm giảm thiểu tối đa khối lượng giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời tại mỗi nhà ga có thêm chức năng làm cầu vượt cho người đi bộ qua đường và tăng mỹ quan đô thị. (Phương án thiết kế ga 3 tầng bố trí toàn bộ các phòng chức năng tại tầng 2, phương án thiết kế ga 2 tầng các phòng chức năng đặt dưới mặt đất ở hai bên lề đường). Sau khi cân nhắc các tiêu chí về kinh tế và tiến độ, Bộ GTVT đã có Thông báo số 156/TB-BGTVT ngày 21/4/2010 chấp thuận lựa chọn phương án thay đổi này.

 

TEDI đã tính toán chi phí xây lắp nhà ga 3 tầng là 133,3 triệu USD tăng so với bước lập dự án là 84,2 triệu USD (trong đó: tăng do trượt giá: 43,5 triệu USD, tăng do thay đổi quy mô: 40,7 triệu USD). Tuy nhiên giảm được chi phí GPMB 43.1 triệu USD.

 

Nguyên nhân thứ hai là khu vực Depot phát hiện đất yếu xuất hiện ở độ sâu khoảng từ 2m đến 3m, đây là lớp bùn sét hữu cơ, màu sám đen, màu xanh có chiều dày lớp tương đối lớn (trên 20m). Tuy nhiên, tư vấn lập dự án (TEDI) đã không đề xuất phương án xử lý nền đất yếu cho khu vực này. Do vậy, tư vấn thiết kế đã kiến nghị phải xử lý nền đất yếu. Để đảm bảo chất lượng công trình, Bộ GTVT đã cho phép bổ sung hạng mục này với chi phí là 13.54 triệu USD.


Hợp đồng EPC ký giữa Cục ĐSVN và Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc vào tháng 5/2009 có nội dung chính: Giá hợp đồng là tạm tính và chỉ được sử dụng cho việc tạm ứng hợp đồng; Việc thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành dựa trên khối lượng trong TKKT và đơn giá trong dự toán được cấp thẩm quyền (Chủ đầu tư - Cục ĐSVN) phê duyệt nhưng không được vượt giá hợp đồng tạm tính. Giá hạng mục cung cấp vật tư thiết bị và đầu máy toa xe nhập khẩu về nguyên tắc không điều chỉnh so với giá hợp đồng, trừ trường hợp đặc biệt có thể điều chỉnh khi được cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép. Chi phí khảo sát, thiết kế do Tổng thầu lập dự toán và Chủ đầu tư phê duyệt, nhưng không được vượt giá hợp đồng đã ký (19,5 triệu USD).


Thông tư 08/2003/TT-BXD ngày 9/7/2003 của Bộ Xây dựng hướng dẫn nội dung và quản lý hợp đồng EPC có cho phép “với dự án có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp thì giá hợp đồng được Chủ đầu tư và Tổng thầu thống nhất tạm tính, trên cơ sở mức vốn đầu tư dành cho dự án EPC trong TMĐT được duyệt và được xác định chính thức khi có kết quả đấu thầu mua sắm thiết bị và TKKT - TDT được duyệt”.

 

Nguyên nhân thứ ba là theo thiết kế, tuyến đường sắt sẽ được đặt tại dải phân cách của đường Quốc lộ 6 được qui hoạch mở rộng. Tuy nhiên, đến khi thiết kế kỹ thuật, dự án mở rộng Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Bến xe Yên Nghĩa thuộc UBND TP Hà Nội vẫn chưa được triển khai.

 

Để có mặt bằng thi công, đảm bảo phân luồng giao thông trong quá trình thi công, Tổng thầu EPC đã trình Cục ĐSVN phương án thi công đường tránh. Sở GTVT Hà Nội và Bộ GTVT đã chấp thuận phương án này. Chi phí bổ sung là 1,94 triệu USD.

 

Điều đáng nói là đường tránh QL6 sẽ được tận dụng giữ lại như một phần của QL6 mở rộng theo qui hoạch, không phải đào bỏ khi thi công xong dự án đường sắt. Như vậy trong tương lai, khi triển khai QL6 mở rộng sẽ không phải đầu tư hạng mục đã thi công này.

 

Nguyên nhân thứ tư khiến tổng mức đầu tư dự án tăng là thiết kế ban đầu thân tàu dùng thép chịu khí hậu. Tuy nhiên, Tổng thầu EPC báo cáo, hiện không còn nơi nào sản xuất thép chịu khí hậu mà công nghệ hiện nay là dùng thép không gỉ hoặc hợp kim nhôm. Xét thấy, việc này phù hợp và giúp giảm chi phí xây dựng xưởng sơn duy tu bảo dưỡng vỏ tàu, tiết kiệm thời gian, chi phí sơn sửa vỏ tàu trong quá trình khai thác sau này, năm 2013, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận thay đổi vật liệu thân vỏ tàu. Chi phí tăng thêm 3,19 triệu USD, nhưng sẽ không phải đầu tư 2,48 triệu USD để xây dựng xưởng sơn sau này và giảm thiểu ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

 

Một lý do nữa bất khả kháng cũng là nguyên nhân thứ năm khiến dự án đội chi phí, đó là ban đầu nhà thầu dự kiến sử dụng khu Depot để xây dựng bãi đúc dầm. Tuy nhiên, công tác GPMB khu vực đường nhánh ra vào DEPOT không đáp ứng tiến độ ban đầu. Vì vậy không thể đúc và lao lắp dầm như phương án ban đầu. Do vậy Tổng thầu EPC buộc phải thuê thêm bãi đúc dầm. Việc thay đổi phương án thi công dầm cần phải bổ sung kinh phí (thuê bãi,huy động thêm thiết bị đúc và lao lắp dầm) khoảng 10,16 triệu USD.

 

Nguyên nhân thứ sáu là việc phải bổ sung chi phí ăn ở, đi lại của học viên vào kinh phí đào tạo của dự án. Việc này cũng làm tăng thêm 2,91 triệu USD.

 

Nguyên nhân thứ bảy là do thời gian thực hiện dự án kéo dài, các thay đổi chính về biến động giá, thay đổi chế độ, chính sách cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước TKCS nên dự kiến cần phải bổ sung kinh phí khoảng 95 triệu USD; các loại thuế GTGT, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại (cho phần vốn dự kiến vay thêm) cũng làm tăng theo khoảng 88,3 triệu USD.

 

Ngoài một số hạng mục cần điều chỉnh, bổ sung phát sinh so với TKCS nêu trên, trong giai đoạn TKKT còn có một số điều chỉnh nhỏ để đảm bảo an toàn và phù hợp theo quy trình quy phạm của Trung Quốc.

 

Vẫn vướng mặt bằng

 

Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay dự án vẫn vướng mặt bằng.Theo hợp đồng, thời gian thực hiện không vượt quá 48 tháng tính từ thời điểm nhà thầu nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch. Đến nay, sau 51 tháng triển khai, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được khoảng 10km/tổng số 13km chính tuyến, toàn bộ 23ha khu trung tâm Depot và cơ bản hoàn thành GPMB đường nhánh ra vào Depot.


Ngày 17/4/2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2650/VPCP-KTN điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông. Theo văn bản này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, khẩn trương thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh Dự án theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các quận và Sở Xây dựng tích cực hoàn thành giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ của Dự án theo chỉ đạo...

 

Đến nay, tận dụng trên toàn bộ mặt bằng có thể thi công, nhà thầu đã hoàn thành 286 trụ cầu khu gian/421 trụ (đạt 75%); triển khai thi công 7 nhà ga/tổng số 12 nhà ga; hoàn thành thi công xử lý đất yếu 5,6ha/23ha trong Depot, xây dựng bãi đúc và đúc được 232 phiến dầm, lao lắp được 30 phiến dầm. Tổng giá trị khối lượng thực hiện (bao gồm cả KSTK) là 2.701 tỷ đồng tương đương 31.08% giá trị dự án. Đã giải ngân 3.400 tỷ đồng, tương đương 39% giá trị dự án (trong đó vốn đối ứng 750 tỷ đồng, vốn nước ngoài 2.650 tỷ đồng, tương đương 126 triệu USD).

 

Về chất lượng công trình, trong quá trình thực hiện dự án, Hội đồng nghiệm thu nhà nước (NTNN) đã tiến hành 03 đợt kiểm tra (vào ngày 29/10/2012, ngày 12/9/2013 và 06/12/2013). Theo đánh giá của Hội đồng NTNN thì chất lượng các hạng mục đã thi công đều đảm bảo theo yêu cầu thiết kế.

 

Bộ GTVT cho biết, chủ đầu tư và Nhà thầu EPC đang hoàn chỉnh TKKT dự toán, trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Viện Kinh tế Bộ Xây dựng. Tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 6/2014. Rà soát tiến độ và lập lại tiến độ tổng thể chỉ đạo hoàn thành dự án vào năm 2015 và vận hành khai thác năm 2016.


Dự án đường sắt đô thị đầu tiên này được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008 với tổng chiều dài tuyến chính được xây dựng 13 km đi trên cao (dầm hộp L = 20 - 32m) và 1,7 km đường sắt ra, vào khu Depot.


Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm với vận tốc thiết kế Vmax=80km/h, tốc độ bình quân 35 km/h; thời gian tàu chạy từ Cát Linh đến Hà Đông và ngược lại là 23,63 phút; xây dựng 12 nhà ga trên cao, trong đó có 2 nhà ga trung chuyển (ga Cát Linh và ga Đại học Quốc gia); xây dựng nhà điều hành giao thông trung tâm 9 tầng với diện tích sàn 11.800m2 trong khu depot rộng 23 ha. Thời gian thực hiện dự án: 5 năm (từ tháng 11/2008 - đến tháng 11/2013).


Dự án được Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu dự án là 8.770 tỷ đồng tương đương 552,86 triệu USD (tính theo mặt bằng giá Quý I/2008). Về nguồn vốn bao gồm: vốn vay ưu đãi của Trung Quốc 419 triệu USD, trong đó, vốn vay ưu đãi bên mua: 250 triệu USD, lãi suất 4,00%/năm, thời hạn 15 năm, ân hạn 5 năm; vốn vay tín dụng ưu đãi: 1,2 tỷ NDT (tương đương 169 triệu USD) lãi suất 3%/năm, thời hạn 15 năm, ân hạn 5 năm và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam: 133,86 triệu USD.



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH