Sẽ phạt nặng xe tải chưa lắp giám sát hành trình
Nghị định 86 quy định, xe tải từ 7-dưới 10 tấn phải gắn phù hiệu xe tải và lắp thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) trước ngày 1/7/2016 và hạn cuối đối với xe tải từ 3,5-dưới 7 tấn là ngày 1/1/2017.
Nhiều xe tải từ 3,5 - dưới 7 tấn đã lắp TBGSHT nhưng chưa làm thủ tục để được cấp phù hiệu - Ảnh: Tạ Tôn
Tuy nhiên, ghi nhận của Báo Giao thông tại nhiều địa phương, số xe chấp hành theo đúng lộ trình này rất thấp.
Quá thời hạn vẫn không lắp phù hiệu, TBGSHT
Theo Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Thanh Hóa), số lượng xe từ 7 - 10 tấn trên địa bàn là 2.175 xe, nhưng hiện mới có gần 300 xe lắp TBGSHT, gắn phù hiệu. Tương tự, ông Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý vận tải và phương tiện người lái (Sở GTVT Ninh Bình) cho biết, trên địa bàn có khoảng 3.000 xe từ 7 - dưới 10 tấn, nhưng đến nay mới có gần 1.300 phương tiện lắp TBGSHT và đăng ký cấp phù hiệu.
“Để các đơn vị vận tải chấp hành, theo tôi cần có sự phối hợp của các lực lượng chức năng khi TTKS trên đường. Nếu bị xử lý mạnh, chủ phương tiện sẽ phải thực hiện nghiêm”, ông Hoàng Quốc Tuấn nói.
Điểm c, Khoản 5, Điều 24, Nghị định 46 quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định hoặc có phù hiệu nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 22 của Thông tư 10/2015/TT-BGTVT quy định: Thu hồi phù hiệu, biển hiệu 1 tháng của xe ô tô vận tải hàng hóa không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch thông tin bắt buộc từ TBGSHT của xe cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Thậm chí, ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Nghệ An) cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có rất ít đơn vị thực hiện lắp TBGSHT cho xe có trọng tải 3,5 - dưới 7 tấn, mới chỉ thực hiện đối với xe tải 7- dưới 10 tấn. Tới đây, Sở GTVT Nghệ An sẽ tuyên truyền mạnh để các DN thực hiện nghiêm”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, hiện tỉnh có hơn 90% DN kinh doanh vận tải đã chấp hành quy định lắp phù hiệu. Số còn lại chủ yếu là xe ben nên Sở GTVT Quảng Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền quy định này để các đơn vị chấp hành.
Tại Đà Nẵng, Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, CSGT Đà Nẵng xử phạt 27 trường hợp xe tải không lắp phù hiệu theo quy định với tổng tiền phạt khoảng 100 triệu đồng, tước GPLX 27 trường hợp. Lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cũng cho biết, đến nay, cơ bản các DN trên địa bàn đã hoàn thành việc lắp phù hiệu.
Ông Lê Văn Doanh, Trưởng phòng Vận tải (Sở GTVT Quảng Ninh) thông tin, các phương tiện vận tải hàng hóa trên địa bàn đã tích cực thực hiện quy định gắn phù hiệu xe tải. Trên địa bàn đã có 1.108 xe tải được cấp phù hiệu. Để thực hiện lộ trình tiếp theo là trước ngày 1/1/2017 đối với xe từ 3,5 - dưới 7 tấn, Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị vận tải phải nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, trong đó bắt buộc phải có hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu xe tải và lắp TBGSHT.
Tại Cần Thơ, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải lớn như: Nguyễn Hùng, Khương Duy,… đều đã chủ động đi đăng ký và gắn phù hiệu xe tải. Tuy nhiên, hiện còn một số đơn vị, cá nhân, hộ kinh doanh vận tải nhỏ lẻ vẫn chưa thực hiện việc đăng ký, gắn phù hiệu.
Phó chánh TTGT Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Kể từ ngày 1/7 đến nay, lực lượng TTGT đã phát hiện và xử phạt 10 trường hợp xe tải từ 7 - dưới 10 tấn không gắn phù hiệu”. Theo ghi nhận của PV tại TP.HCM, nhiều chủ xe, DN vận tải đã chủ động lắp TBGSHT cho xe tải từ 3,5 - dưới 7 tấn. Anh Nguyễn Văn Cương, giám đốc một chi nhánh cung cấp nước giải khát ở quận Thủ Đức cho hay, toàn bộ 5 xe tải lại từ 3,5 - dưới 7 tấn của chi nhánh đều đã được gắn TBGSHT. “Chúng tôi tự lắp đặt trước cả quy định vì đây là công cụ giúp đơn vị quản lý tốt hoạt động sản xuất kinh doanh”, anh Cương cho biết.
Theo baogiaothong