'Chỉ nên nâng cấp cầu Long Biên'
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đến nay Bộ đã xác định nên lấy đúng tuyến đường sắt cũ trên cầu Long Biên để nâng cấp lên, giữ được kiến trúc của cầu. Kết cấu của cầu được nâng cao để đáp ứng lưu thông.
Nhiều ý kiến trái chiều
Xung quanh 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên được Bộ GTVT đưa ra mới đây, KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư VN) cho rằng, phương án 1 chưa ổn vì không thể bứng cây cầu ra khỏi địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học để làm một cây cầu giả cổ.
Nhiều ý hiến trái chiều xung quanh 3 phương án xây mới, bảo tồn cầu Long Biên
được Bộ GTVT đưa ra - Ảnh tư liệu
Phương án 2 nếu thực hiện thì sẽ làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc của di tích lịch sử - văn hóa. Và Phương án 3 cũng không nên vì phần làm mới không giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc, trang trí và những đặc điểm khác.
Đưa ra phương án tối ưu cho cây cầu Long Biên, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, Hà Nội nên làm lại cầu như cũ và giảm tải trọng, chỉ để chạy tuyến tàu du lịch, đường sắt đô thị tuyến số 1, phục vụ người đi bộ, xe thô sơ kết hợp các lối đi ra bãi giữa sông Hồng phục vụ du lịch.
Theo đó, cầu mới xây cách tim cầu cũ 85m về phía thượng lưu, có đường sắt đôi chạy ở giữa, làn đường cho ô tô, xe máy hai bên. Cầu mới đáp ứng các nhu cầu giao thông cho hàng trăm năm tới, kết cấu hiện đại, đáp ứng các kịch bản phát triển giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy.
Trong khi đó, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) cũng cho rằng, các phương án Bộ GTVT đưa ra mới chỉ quan tâm đến vấn đề giao thông đi lại mà chưa nhìn tổng thể, đặt trong tương quan chung với cả các giá trị văn hóa, lịch sử của cầu Long Biên.
Để hài hòa được vấn đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cần giảm tải giao thông ở cây cầu này và tôn trọng vẻ nguyên trạng.
“Việc sửa chữa, bảo tồn phải đảm bảo tính chỉnh thể, có hệ thống, tuyệt đối không thể chắp vá”, ông Vinh nói.
Tuy nhiên, theo GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, thực tế cầu Long Biên đã trải qua 3 thời kỳ thay đổi khác nhau...
Trong chiến tranh chống Mỹ cầu Long Biên bị phá hoại nặng nề và trên thực tế chỉ còn lại 9 nhịp có hình dáng cũ và đã bị hoen gỉ nặng nề chắc chắn không thể tồn tại lâu dài.
“Chúng ta không thể nào bảo tồn một cây cầu thép có tuổi thọ trên 100 năm đã trải qua thời kỳ chiến tranh bị tàn phá nặng nề với một hiện trạng hết sức chắp vá và có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào....Vì vậy việc thực hiện theo phương án 2 của Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội là việc cần làm”, GS Khuê cho biết.
Còn ông Trần Thiện Cảnh, Phó TGĐ Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT - đơn vị chịu trách nhiệm lập phương án xây dựng cầu cho biết: Từ năm 2009 đến nay đã có rất nhiều phương án được nghiên cứu và đề xuất, trong đó có phương án làm cầu mới cách cầu cũ 30m nhưng không được chấp thuận vì ảnh hưởng đến mỹ quan của cầu Long Biên hiện tại.
Cũng trong năm 2009, UBND TP.Hà Nội từng đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu phương án xây cầu mới cách cầu Long Biên khoảng 200-300m về phía thượng lưu để không ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc cầu.
Tuy nhiên, phương án này lại bị “vướng” về GPMB và khi thực hiện lại không nhận được sự đồng thuận của người dân phố cổ. Sau nhiều lần họp bàn, UBND TP.Hà Nội lại có văn bản đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu xây cầu mới trùng với vị trí cầu cũ và có phương án bảo tồn.
Cầu nằm ở vị trí đắc địa
Khi được hỏi vì sao cả 3 phương án Bộ GTVT đưa ra đều “đụng chạm” đến cầu Long Biên, ông Trần Thiện Cảnh cho biết: Sở dĩ các phương án chọn vị trí xây cầu mới trùng với cầu Long Biên hiện tại bởi đây là một vị trí đắc địa.
Bộ GTVT đã xác định nên lấy đúng tuyến đường sắt cũ trên cầu Long Biên để nâng cấp lên,
giữ được kiến trúc của cầu. Kết cấu của cầu sẽ được nâng cao để đáp ứng lưu thông.
Khoảng cách giữa hai bờ sông ở khu vực này ngắn nhất, diện tích giải GPMB ít nhất và đặc biệt không ảnh hưởng nhiều đến đô thị lõi của khu phố cổ.
Ngoài ra, về mặt hướng tuyến, vị trí cầu cũng tương đối phù hợp với quy hoạch của tuyến đường sắt số 1 xuyên qua Hà Nội, kết nối giao thông thuận lợi do tận dụng được các đường giao thông hai đầu cầu hiện có.
Ngoài ra, việc nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long-Thượng Đình) thuận tiện hơn các phương án khác.
Tuy vậy, ông Cảnh cũng nói rõ, nếu chọn một trong các phương án trên phải chấp nhận một thực tế là không thể giữ nguyên bản cầu Long Biên mà phải có những thay đổi nhất định về độ cao và kết cấu khi phải gia cố những nhịp đã bị hư hỏng, xập xệ và bảo đảm khẩu độ thông thuyền.
Liên quan đến vấn đề, mới đây, PGĐ Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, việc đầu tư xây mới một cây cầu không khó, nhưng với cầu Long Biên thì chỉ việc sửa chữa, nâng cấp cũng vô cùng khó khăn bởi mang tính bảo tồn.
“Việc di dời hay cải tạo, xây mới cầu Long Biên không phải là câu chuyện về ý thích của một ai đó. Các phương án đưa ra phải đảm bảo tính khoa học, hạn chế tối đa việc phải GPMB, di dân đồng thời cũng phải đảm bảo yếu tố ngoại giao”, ông Tân nhìn nhận.
Vậy có cách gì để cứu cầu Long Biên?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đến nay Bộ đã xác định nên lấy đúng tuyến đường sắt cũ trên cầu Long Biên để nâng cấp lên, giữ được kiến trúc của cầu. Kết cấu của cầu sẽ được nâng cao để đáp ứng lưu thông.
Hện các bên đã thống nhất với phương án cầu mới có vị trí đi đúng tim cầu cũ, chỉ có nghiên cứu tiếp về mặt kiến trúc để so sánh, cân nhắc rồi mới báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.