Đề xuất phá cầu Long Biên: Cảm ơn Bộ Giao thông Vận tải!
Ngay sau khi thông tin về cây cầu Long Biên đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, một loạt các chuyên gia về kiến trúc, khảo cổ, văn hóa, lịch sử… đã đăng đàn để phản bác đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, khiến câu chuyện trở nên hài hước.
Cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử hơn trăm năm tuổi
đang đứng trước nguy cơ bị "phá bỏ". Ảnh: Wikimedia.
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình 3 phương án xây dựng cầu đường sắt qua sông Hồng với số tiền 9.000 tỷ đồng. Đối với những phương án của Bộ Giao thông Vận tải thì chuyện ngàn tỷ, vạn tỷ vốn đã không còn gây sốc đối với công chúng, song câu chuyện này gây sốc đối với công chúng bởi liên quan đến một biểu tượng của Hà Nội: cầu Long Biên.
Ngay sau khi thông tin về cây cầu Long Biên đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, một loạt các chuyên gia về kiến trúc, khảo cổ, văn hóa, lịch sử… đã đăng đàn để phản bác đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, khiến câu chuyện trở nên hài hước.
Nếu để ý một chút, chúng ta có thể thấy các chuyên gia trong những lĩnh vực nhân văn tập trung rất nhiều vào việc đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế giao thông vận tải để phản biện một dự án về giao thông.
Trong khi đó những chuyên gia của Bộ Giao thông Vận tải lại dành rất nhiều công sức để thuyết minh các phương án bảo tồn cầu Long Biên khi trình bày về dự án đường sắt này.
Sự tréo ngoe tức cười này không chỉ là thói quen dẫm chân nhau của các thể loại “chuyên gia” nước mình, mà nó còn là một minh chứng rất cụ thể về ý thức tôn trọng lịch sử và văn hóa kế thừa của người Việt chúng ta.
Nếu như có ý thức rành mạch về việc kế thừa di sản và bảo lưu lịch sử, chắc chắn những cái đầu thông tuệ của Bộ Giao thông Vận tải sẽ chẳng thể nào nghĩ đến việc tháo dỡ một cây cầu được coi là biểu tượng văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
Nếu như có ý thức rành mạch về việc kế thừa di sản và bảo lưu lịch sử, chắc chắn các đầu tàu “tri thức” trong lĩnh vực nhân văn của dân tộc sẽ chẳng mất công phân tích các yếu tố kinh tế, hay sự khả thi về mặt giao thông vận tải để phản biện Bộ Giao thông Vận tải. Đơn giản, họ chỉ cần nói “không được phá di tích” mà thôi.
Nhưng ý thức kế thừa di sản và bảo lưu lịch sử liệu đã từng tồn tại như một dòng chủ lưu trong dòng chảy chung của văn hóa người Việt hay chưa? Có lẽ là chưa. Bởi một đất nước luôn tự hào là có tới 4.000 năm lịch sử nhưng hỏi điều gì là bản sắc thực sự của nền văn hóa thì câu trả lời vẫn rất mông lung.
Nếu như có một sự kế thừa và bảo lưu thì đến thời điểm này chúng ta sẽ không phải tranh cãi thế nào là quốc phục.
Nếu như có một sự kế thừa và bảo lưu thì một ngôi chùa như Bái Đính, được xây dựng chưa tới 10 năm qua không thể nhanh chóng trở thành một trong những địa chỉ hành hương hàng đầu như hiện nay. Và ngôi chùa Trăm Gian đã không bị phá đi để xây mới.
Nếu như có một sự kế thừa và bảo lưu thì lễ phát ấn đền Trần không thể biến tướng thành một cuộc tranh cướp cái ước mơ thăng quan.
Một đất nước trải qua 4.000 năm lịch sử mà không còn bất kỳ di tích trăm năm nào được bảo tồn nguyên vẹn. Và niềm tự hào về truyền thống thường được gắn liền với những kỷ lục về mấy cái bánh to.
4.000 năm với biết bao truyền thống đứt đoạn đã để lại cho chúng ta một đô thị 36 phố nghề mà có lẽ truyền thống mấy chục năm làm giò chả của nhà Quốc Hương là bền nhất.
Bởi không có văn hóa kế thừa nên một biểu tượng văn hóa, lịch sử như cây cầu Long Biên dễ dàng được đề nghị phá dỡ. Và cho dù cây cầu có thể không bị phá, song nó sẽ được bảo tồn như thế nào, hay vẫn tồn tại như lâu nay, với những lan can han rỉ và những thanh giằng bị tháo dỡ?
Vậy, có lẽ chúng ta cần phải cám ơn những cái đầu thông tuệ của Bộ Giao thông Vận tải. Bởi nếu không có những phương án gây sốc như thế này, để người ta phản ứng, để nghĩ về việc bảo tồn, chẳng bao lâu nữa cầu Long Biên sẽ trở thành một đống sắt rỉ để chìm dưới sông Hồng.
* Về tác giả: Phạm Trung Tuyến là nhà báo làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV). Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả và được dẫn từ trang cá nhân của ông.