Dưới góc nhìn của các chuyên gia kiến trúc, giao thông và văn hóa, những phương án liên quan đến số phận của cầu Long Biên mà Bộ Giao thông đưa ra đều chưa giải quyết được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kiến trúc, giao thông và văn hóa, những phương án liên quan đến số phận của cầu Long Biên mà Bộ Giao thông đưa ra đều chưa giải quyết được mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, thành phố cần bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên bởi cây cầu này là một chứng tích lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.
Ông Nghiêm cho rằng các giá trị tiêu biểu của cầu Long Biên là di sản về kiến trúc độc đáo do người Pháp xây dựng, thế giới có rất ít công trình như vậy. Giá trị di sản của cầu Long Biên là không có gì so sánh được nên cần giữ gìn, bảo tồn.
Ngoài đường sắt, cầu Long Biên còn dành cho người đi xe máy. Ảnh: Nguyên Anh
Theo Luật thủ đô, Hà Nội đã đặt vấn đề tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di tích trước năm 1954, không chỉ là bảo tồn vật thể mà còn cần bảo tồn không gian.
"Chúng ta phải chấp nhận giải tỏa dân để làm cầu mới, không được đặt vấn đề kinh tế khi bảo tồn vì di sản là vô giá", ông Nghiêm nói.
Dưới góc nhìn giao thông, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cho rằng các nhà quản lý phải xem xét bảo tồn cầu Long Biên bên cạnh phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo việc đi lại của người dân. Khi bảo tồn phải tính đến nguồn kinh phí, tình hình kinh tế xã hội của đất nước, không nên bỏ hàng trăm tỷ đồng bảo tồn khi nhiều người còn khó khăn.
Theo ông Liên, người Đức đã từng giữ lại một phần của bức tường Berlin hay chiến trường Điện Biên Phủ giữ lại hầm De Castries, đồi A1... chứ không bảo tồn tất cả công trình. Tuy nhiên, khi tu tạo cầu Long Biên phải tính đến những yếu tố như cầu hiện nay đã cũ kỹ, nếu tháo ra sẽ bị hư hỏng, hay phương án tổ chức giao thông nếu xây cầu lại tại vị trí cũ.
"Nếu không giữ được nguyên vẹn thì cần phục chế lại cây cầu này cũng là một hình thức bảo tồn", ông Liên nói.
"Cầu Long Biên cũng xứng đáng là một di sản cần được xếp hạng và bảo vệ" - Giáo sư Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ảnh: Nguyên Anh
GS Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam cho biết: "Nên giữ lại cầu Long Biên với chức năng đi bộ, bảo tàng, nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa chứ không phải để ô tô, tàu hỏa qua lại".
Theo GS Thịnh, cầu Long Biên có ý nghĩa lịch sử, văn hóa rất lớn. Nó là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây mà đại diện là nước Pháp.
"Hà Nội ngày nay có sự hiện diện rất lớn của văn hóa Pháp. Các công trình như: Hệ thống biệt thự Pháp ở Hà Nội; bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Nhà Hát lớn; Phủ chủ tịch; hàng loạt các nhà thờ và cầu Long Biên… chính là những di sản văn hóa quý báu mà quá trình giao lưu văn hóa Việt - Pháp mang lại. Một số công trình như Nhà Hát lớn đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia. Cầu Long Biên cũng xứng đáng là một di sản cần được xếp hạng và bảo vệ", giáo sư Thịnh nói.
Cầu Long Biên do Pháp xây dựng từ 1889 - 1902. Cầu dành cho đường sắt đơn (khổ 1.000 mm) chạy ở giữa. Hai bên là đường ôtô (rộng 2,7 m) và đường đi bộ (rộng 0,8 m). Cầu dài 1.681 m gồm 19 nhịp dầm thép. Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu bị đánh bom nhiều lần. Tổng cộng 4 đợt đánh phá năm 1972, cầu bị mất hẳn 9/19 trụ chính, 9 trụ khác bị hỏng nặng.
Vị nguyên Viện trưởng nhấn mạnh, cầu Long Biên được xây dựng theo chủ trương của Pháp nhưng chủ yếu do bàn tay và sự sáng tạo của người Việt Nam làm ra. Cây cầu này đã có những đóng góp vào sự phát triển của đất nước suốt hơn 100 năm qua và trở nên quen thuộc với người Hà Nội đến mức, khó ai có thể hình dung một Hà Nội không có cầu Long Biên.
Với các lý do trên, dù chưa được công nhận là di sản nhưng GS Thịnh cho rằng, khi làm bất cứ điều gì ở cầu Long Biên chúng ta phải ứng xử như với một di sản văn hóa dân tộc. "3 phương án mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra thực chất đều phá hủy cầu, như vậy là xâm phạm di sản. Những ký ức đẹp của cây cầu trong lòng người Hà Nội cũng vì thế bị tan vỡ", GS Thịnh bức xúc nói.
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng cho rằng, không nên vì giao thông mà phá bỏ cây cầu Long Biên đã đi vào lịch sử, trái tim người Việt Nam. "Hành động đó sẽ không nhận được sự đồng thuận. Chúng ta làm gì cũng cần giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều cây cầu được xây dựng qua sông Hồng nên đừng vì hành động nhất thời mà phá bỏ một cây cầu lịch sử", ông Bài chia sẻ.