Chuyện chưa từng có trong lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam: Lau tàu

2014/6/12 22:56 - Tiền Phong

Chuyện chưa từng diễn ra với ngành đường sắt: Lãnh đạo, nhân viên ý thức nỗi xấu hổ về sự dơ bẩn của đoàn tàu; nhân viên lau rửa trước, giám đốc cầm giẻ theo sau để kiểm tra và lau lại. Liệu từ nay, hành khách đi tàu hỏa có thực sự thành thượng đế?

Tẩy mùi tàu hỏa ra sao?
 
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa đưa đoàn tàu SE 1,2 thí điểm phục vụ theo chuẩn mới. Trong đó, tiêu chí được chú trọng nhất là khử sạch mùi tàu.
 
Không cần đầu tư lớn, ngành đường sắt có thể cải thiện hình ảnh bằng những việc cụ thể. Ảnh: Sỹ Lực.
 
Để khử mùi tàu, trước giờ tàu chạy, mỗi nhân viên phục vụ toa được phát một bình xịt màu vàng giống như dụng cụ dùng để phun sương, tưới cây. Trong bình xịt có chứa dung dịch pha từ chế phẩm sinh học có tên Enchoice Solution nhập khẩu từ Mỹ.
 
Lên toa, nhân viên dùng chiếc bình này xịt vào các ngóc ngách của nhà vệ sinh, khu rửa mặt, rửa tay, hành lang, trần toa tàu chỗ nằm, chỗ ngồi của khách. Chế phẩm không mùi, không màu này chứa vi sinh vật làm nhiệm vụ chuyển hóa, ức chế các tác nhân gây ra mùi, từ đó làm sạch không khí.
 
Ông Huỳnh Cường, Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội, đơn vị trực tiếp vận hành các đoàn tàu này cho biết: Chế phẩm này đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, cho phép dùng trên tàu hỏa. Khách hít vào không độc; phun lên giường, ghế, người nằm lên, da không bị mẩn ngứa. Suốt hành trình Bắc-Nam, mỗi đoàn tàu được khử mùi 3 lần bằng dung dịch trên.
 
Anh Nguyễn Văn Thiệu, Bí thư Đoàn thanh niên xí nghiệp phấn khởi xòe tập giấy gồm 200 phiếu lấy ý kiến của hành khách đi trên chuyến tàu khử mùi đầu tiên. Rút ngẫu nhiên 10 phiếu, có đến 9 phiếu khách đánh giá là tàu không còn mùi hôi, tạp chất.
 
Tuy trong tàu đã sạch nhưng khi đứng dưới sân ga, mùi tàu vẫn nồng, thoang thoảng mùi của nhà vệ sinh phả ra từ những vũng nước ngay dưới gầm tàu.
 
“Tôi cũng xấu hổ”
 
Ngoài việc làm sạch mùi, bước lên toa tàu tiêu chuẩn mới, có nhiều điều mới lạ. Cửa tủ gỗ dưới bồn rửa tay cáu bẩn đã được phủ lớp sơn mới. Các chi tiết inox đựng xà phòng, giấy vệ sinh được thay mới.
 
Nhân viên, lãnh đạo đường sắt chuẩn bị dụng cụ để khử mùi tàu. Ảnh: sỹ lục.
 
Nệm trong toa giường nằm cũng được thay mới bằng loại sản xuất từ Hàn Quốc; rèm mới màu phớt hồng. Trong toa giường nằm có thêm dép nhựa mới cho khách và một lọ hoa nhựa.
 
Ông Huỳnh Cường nói: “Mọi thứ cơ bản vẫn như cũ, nhưng sửa chữa, thay đổi lại một vài chỗ để đảm bảo tính thẩm mỹ. Không tăng được tiện nghi ngay thì ít nhất cũng để khách thấy đường sắt đang cố gắng thay đổi. Chẳng phải mình không muốn đổi thay, nhưng trong tay gần 2.000 cán bộ công nhân viên, nói không hết được. Tôi cũng rất xấu hổ”.
 
Bây giờ, biện pháp quản quân của ông Cường đưa ra là sẽ tăng 10% lương tháng cho nhân viên trên tàu nếu hoàn thành nhiệm vụ. Số tiền này tiết kiệm từ việc dừng tăng lương của khối văn phòng. Nhân viên nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị chuyển xuống dọn dẹp vệ sinh. Vài ngày qua, đưa một số nhân viên trên tàu vào diện xem xét chuyển công tác.
 
Khẩu hiệu “4 xin 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ) được gắn lên thành tàu hỏa. Tuy nhiên, những ngày đầu áp dụng còn lập cập, chưa nhuần nhuyễn. Nhân viên dọn vệ sinh, nhưng giám đốc đi kiểm tra vẫn phải cầm giẻ lau lại vách tàu cáu bẩn.
 
Nhiều hành khách có dịp đi qua đoàn tàu khử mùi dường như “đứng hình” trước cung cách phục vụ mới (thực ra là đương nhiên phải thế). “Khách kêu tàu bẩn, vào nhà vệ sinh phải bịt mũi, tôi thấy rất xấu hổ. Về nhà xấu hổ với cả bạn bè. Giờ phải xịt khử mùi, dọn vệ sinh nhưng tàu hết mùi hôi, chúng tôi cũng vui vẻ làm để khách hài lòng” – anh Hoàng Anh Tuấn nhân viên toa số 3 tàu SE1, vừa xịt khử mùi vừa nói.
 
Hiện nya,  Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách và Ga Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị bỏ khâu soát vé và bán vé tiễn. Các biện pháp nhằm tăng cường an ninh trật tự trong ga và xử lý tình trạng nhân viên bao khách.
 
Ông Huỳnh Cường cho biết, nếu phát hiện nhân viên nào bao khách, tùy theo mức độ sẽ bị phê bình, cảnh cáo, chuyển công việc khác và nặng nhất là đuổi việc. 
 
Bộ trưởng Thăng sâu sát từ mỳ tôm đến mùi tàu hỏa

Trước đó vào tháng 5/2014, trong lần làm việc với Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cụ vày và các đơn vị chuyên môn phải khử triệt để “mùi tàu” trên các toa nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và cải thiện hình ảnh đường sắt.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ra chỉ đạo Tổng Công ty ĐSVN phải tổ chức ứng dụng ngay kết quả thực hiện đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để khử mùi trong các toa xe khách lắp đặt điều hòa không khí của ĐSVN cho các toa xe có lắp đặt điều hòa không khí.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp tục theo dõi, đánh giá triển khai nhân rộng, xem xét mở rộng phạm vi ứng dụng chế phẩm vi sinh để đảm bảo chất lượng không khí trên tất cả các loại toa xe khách, tiến tới loại bỏ “mùi tàu” đặc trưng.

Bộ trưởng chỉ đạo ĐSVN phải hoàn thiện phương án xử lý mùi trên các toa xe khách, trình lãnh đạo Tổng Công ty phê duyệt làm căn cứ triển khai và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trước ngày 30/5, đảm bảo xử lý xong “mùi tàu” các toa xe khách trong năm 2014.


Bộ trưởng Đinh La Thăng giao nhiệm vụ cho Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), Tổng Công ty ĐSVN và các đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải phải khử triệt để mùi tàu

Với Cục ĐSVN, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục này với chức năng là Cục quản lý Nhà nước chuyên ngành phải có trách nhiệm thường xuyên phối hợp, đôn đốc Tổng Công ty ĐSVN lập phương án xử lý triệt để mùi trên toa xe khách, chỉ đạo Thanh tra đường sắt giám sát việc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Bộ GTVT vào ngày 25 hàng tháng để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục Y tế GTVT phải phối hợp với ĐSVN thực hiện kiểm tra định kỳ công tác vệ sinh dịch tễ, đánh giá chất lượng môi trường lao động theo quy định.

Viện Khoa học và Công nghệ GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng và thực hiện đề án quan trắc, đánh giá chất lượng xử lý triệt để mùi toa xe khách. Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Môi trường xem xét phối hợp với các cơ quan để hỗ trợ các để án bảo vệ môi trường trong ngành đường sắt…

Vừa qua, trước tình hình phức tạp xảy ra tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã yêu cầu thanh tra toàn diện đơn vị này.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, một tháng Bộ trưởng sẽ họp với Tổng công ty Đường sắt VN một lần; 1 lần/ 1 tuần, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ họp với Tổng công ty để kiểm điểm hoạt động.

Bộ trưởng Thăng cũng giao Công đoàn GTVT, Đoàn Thanh niên Bộ GTVT trực tiếp làm việc với Công đoàn và Đoàn Thanh niên Tổng công ty để triển khai thực hiện "4 xin" (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép) và "4 luôn" (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ) tại Tổng công ty.


GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...