Dự án sân bay Long Thành: Càng nhiều ý kiến phản đối càng tốt?
Thêm một hội thảo liên quan đến siêu dự án sân bay Long Thành được Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải) phối hợp với báo Lao Động tổ chức sáng nay 14.5 tại TP.HCM. Cũng như những hội thảo lần trước, hội thảo này là dịp để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan 'giải trình' trước các chuyên gia, nhà khoa học về những tranh luận trái chiều của dự án.
Phối cảnh của dự án sân bay Long Thành - Ảnh: Tổng công ty Cảng hàng không
“Dám cạnh tranh với Singapore không?”
Dù không phải là chuyên gia hàng không nhưng TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, được mời đến hội thảo với tư cách là một chuyên gia kinh tế góp ý vấn đề vĩ mô liên quan đến dự án.
Góp ý về dự án sân bay Long Thành nhưng ông Thiên lại dẫn lời của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nói ra trong lần tới Việt Nam gần đây. Đó là khi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, có một câu hỏi cải cách, đổi mới ông Tony Blair nói ngắn gọn: “Cải cách, đổi mới càng gặp nhiều sự chống đối càng tốt”.
Theo ông Thiên, câu trả lời của ông Tony Blair gồm hai ý nghĩa. Thứ nhất cải cách, đổi mới tức là thay đổi làm mới, trong khi có những người chưa chấp nhận điều này thì sẽ có phản đối là đương nhiên. Ý nghĩa tích cực thứ hai là từ phản đối, phe cải cách, đổi mới phải chuẩn bị luận chứng, luận cứ để phản biện lại những ý kiến phản đối nhằm bảo vệ cái mới.
“Một dự án tốt mà anh trình bày không được hay luận chứng, luận cứ kém thì cũng nên dẹp”, ông Thiên nói.
Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương Trần Đình Thiên - Ảnh: Đình Quân
Bàn về sân bay Long Thành, theo ông Thiên, là phải nói tới tầm nhìn của dự án này như thế nào, có ổn không. Cho nên tầm nhìn bên chủ trương là dài hạn nhưng bên phản đối là ngắn hạn thì hai bên sẽ không bao giờ có được kết quả tốt. Ngoài ra, ông Thiên cho biết dự án nào cũng phải đánh đổi, được cái này mất cái khác. Từ đó người thực hiện dự án phải biết phân tích thiệt hơn.
Là người ủng hộ dự án sân bay Long Thành, ông Thiên cho biết sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay chẳng khác gì là nhà ga xe lửa. Tức là có căn nhà, có ghế chờ để khách ngồi đợi trước khi ra máy bay. Trong trường hợp nếu mở rộng gấp đôi sân bay Tân Sơn Nhất thì bản chất của sân bay này vẫn không thay đổi. Trong khi xây dựng sân bay Long Thành thể hiện tham vọng muốn biến nơi đây thành một tổ hợp vận tải, dịch vụ hàng không.
Về ý kiến lo ngại sân bay Long Thành khó trở thành điểm trung chuyển quốc tế của hàng không, chưa kể cạnh Việt Nam còn có Singapore là điểm trung chuyển rất tốt. “Không nên thấy Singapore bên cạnh mà sợ. Bởi khái niệm trung chuyển luôn dịch chuyển. Tôi không chắc chắn Việt Nam có cạnh tranh được với Singapore không. Vấn đề là chúng ta có dám cạnh tranh với họ hay không”, ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, với một tiềm năng du lịch phong phú, nếu làm tốt thì Việt Nam sẽ thu hút được nhiều khách du lịch, từ đó sẽ trở thành một trong những điểm trung chuyển hàng không.
Mất 18 năm cho thủ tục
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết ý tưởng lập một cảng hàng không quốc tế tại khu vực phía nam để bổ sung, hỗ trợ cho sân bay Tân Sơn Nhất đã được hình thành từ nhiều năm trước. Trước năm 1975, chính quyền Sài Gòn đã bắt đầu nghiên cứu một số vị trí xung quanh Sài Gòn để xây dựng sân bay trong đó có vị trí tại Long Thành (Đồng Nai).
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo ông Thanh, thị trường hàng không Việt Nam ngày càng tăng trưởng và là tiền đề để trở thành điểm trung chuyển hàng không. Đến nay, hàng không Việt Nam có sự tham gia của 51 hãng hàng không nước ngoài, thuộc 25 quốc gia khai thác đi/đến với 83 đường bay từ 47 điểm đến Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang. Hầu hết các hãng hàng không lớn đều bay đến Việt Nam.
Quý 1/2015, hàng không đạt 14,3 triệu hành khách, tăng 14% so với quý 1/2014. Tổng lượng khách thông qua sân bay Tân Sớn Nhất là 22,14 triệu hành khách, đứng thứ 65, Nội Bài đạt 14,14 triệu khách, đứng thứ 86 trong top 100 sân bay trên thế giới.
“Nếu được thông qua và triển khai, dự án sân bay Long Thành phải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ giúp sân bay đạt công suất 25 triệu khách/năm, mới chỉ giải quyết được bài toán tắc nghẽn của sân bay Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 2, 3 sẽ biến nơi đây thành cảng trung chuyển lớn. Tuy nhiên kinh nghiệm makerting hàng không của chúng ta còn yếu, cần phải thay đổi để thu hút khách”, ông Thanh nói.
Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Hàng không Hải Âu, bổ sung thêm dự án sân bay Long Thành có cách đây gần 20 năm. Theo đó, năm 1997, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, trong đó có việc xây mới sân bay Long Thành.
Mất thêm 8 năm, năm 2005, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô, phân khu chức năng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Mất thêm 6 năm nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới phê duyệt Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Mất thêm 4 năm nữa, đến nay báo cáo tiền khả thi dự án sân bay Long Thành mới được trình ra Quốc hội xem xét.
“Mất 18 năm cho các công việc thuần túy thủ tục. Tôi xin mạnh dạn nói rằng dự án này quá chậm. Lẽ ra sân bay Long Thành phải được bắt đầu xây dựng từ khoảng năm 2005 và hoạt động khoảng năm 2010 để khỏi vất vả, tốn kém trong việc cơi nới sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Nam nhấn mạnh.
Thiếu thông tin về dự án
Nhóm phản đối hay chưa đồng tình dự án xây sân bay Long Thành vẫn là PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, ông Trần Đình Bá, TS Nguyễn Bách Phúc…
Ông Tống cho hay cần phải duy trì và phát triển sân bay Tân Sơn Nhất và tổ chức cụm bốn sân bay hỗn hợp dân sự - quân sự Tân Sơn Nhất - Biên Hòa. Ông Tống cho hay lập luận rằng sân bay lớn phải dời xa trung tâm thành phố là không đúng và không có căn cứ vững chắc. Theo tìm hiểu của ông Tống, có tới 29 sân bay trong số 100 sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011 chỉ cách trung tâm thành phố từ 10 km trở xuống. Sân bay Tân Sơn Nhất cách trung tâm thành phố 7 km nên ở trong nhóm này.
“Chưa kể dự án đưa ra thiếu những cơ sở khoa học, một chút lại điều chỉnh dự án. Rồi số phận sân bay Tân Sơn Nhất nếu xây dựng sân bay Long Thành vẫn bỏ lửng, chưa được nói đến”, ông Tống thắc mắc.
Hầu hết các ý kiến phản đối hay chưa đồng tình đều tập trung vào những luận điểm đây là siêu dự án cần số tiền đầu tư khổng lồ trong khi tình hình kinh tế đang khó khăn, việc đầu tư, giám sát đầu tư có hiệu quả, sân bay Tân Sơn Nhất nếu được mở rộng vẫn đủ đáp ứng, rồi nghi ngại sân bay Long Thành sau khi hoàn thành có trở thành điểm trung chuyển như mong muốn…
Ông Trần Quang Châu, Hội trưởng Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không, cho biết bản thân ông là người chủ trì đề án quy hoạch sân bay Long Thành từ năm 1992. Lúc đó nhóm ông Châu bị “đánh lên đánh xuống”, đủ thứ dư luận chĩa vào nhưng vẫn làm vì Việt Nam cần thiết phải có sân bay quốc tế xứng tầm.
Tuy nhiên, việc có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự án là do thông tin không công khai. Bản thân ông là người trong ngành, từng làm quy hoạch sân bay Long Thành nhưng vẫn còn mù mờ về những thông tin liên quan.
“Cần có chuyên gia, cơ quan tư vấn độc lập cho dự án này. Chính phủ cũng cần có cơ quan phản biện siêu dự án này”, ông Châu nói.
Điều hành khó khăn khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết dự án sân bay Long Thành không phải chậm mà là quá chậm.
“Bởi năm 2005, dự án được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô, phân khu chức năng mà đến giờ này chúng ta vẫn đang ngồi đây bàn, trong khi sân bay Tân Sơn Nhất quá tải rồi”, ông Tiêu nói. Ông Tiêu lo lắng với tình hình quá tải, không biết năm 2017-2018 sẽ điều hành như thế nào để sân bay Tân Sơn Nhất cho phù hợp, hiệu quả.
“Riêng về dự án sân bay Long Thành, chúng tôi không làm việc vô lương tâm. Đây chỉ mới là báo cáo tiền khả thi. Nếu được Quốc hội thông qua thì còn nhiều việc để chúng tôi phải làm. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra số liệu chính xác nhất”, ông Tiêu nói.
Người dân muốn triển khai sớm
Có mặt tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết dự án sân bay có quy mô 5.000 ha, trong đó 2.750 ha dành cho cảng sân bay, phần còn lại phục vụ dịch vụ hàng không.
Dự án triển khai sẽ ảnh hưởng tới 6 xã của huyện Long Thành, 4.730 hộ dân, 14.994 nhân khẩu, 26 tổ chức, 2 nhà thờ và 1 chùa. Hiện đã có hai khu tái định cư rộng 285 ha được quy hoạch dành cho người dân. Khu tái định cư nằm gần đường giao thông, khu công nghiệp thuận lợi bố trí việc làm. Quanh khu vực này có 3 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao đang được hình thành đáp ứng 50.000 việc làm.
“Khi chúng tôi hỏi, người dân ở đây muốn triển khai sớm dự án. Bởi nếu quy hoạch kéo dài thì người dân không xây dựng nhà kiên cố, trồng cây lâu năm và ổn định làm ăn được”, ông Vĩnh nói.
Liên quan về phương án mở rộng sân bay Biên Hòa thay cho dự án Long Thành, ông Vĩnh cho biết khu vực sân bay Biên Hòa nhiễm dioxin rất nặng, lại không có kết nối giao thông vào sân bay Biên Hòa. Do đó mở rộng sân bay Biên Hòa là không khả thi.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho biết nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cần thêm khoảng 641 ha của ba quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, ước tính di đời 140.000 hộ dân (500.000 nhân khẩu). Tổng chi phí theo phương án này ước tính 9,1 tỉ USD, chưa kể nhiều chi phí khác.
Ông Hùng cho biết phương án cải tạo, mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa cũng không khả thi do chi phí đầu tư cải tạo (ước tính 7,5 tỉ USD), bị nhiễm độc dioxin và đây đang là căn cứ quân sự then chốt.