5 năm xây dựng hạ tầng giao thông Hà Nội Thêm nhiều cầu đường hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông
TÌNH HÌNH GIAO THÔNG CỦA THÀNH PHỐ
Có thể khẳng định rằng trong nhiều năm qua, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông ở Thủ đô Hà Nội đã không ngừng tăng, hệ quả kèm theo là tai nạn và ách tắc ở nhiều tuyến đường thường xuyên xảy ra, nhất là khi có va chạm, sự cố giao thông, khi có mưa ngập và trước những ngày nghỉ lễ tết.
Nguyên nhân của tình trạng này là sự tăng dân số. Sau 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã trở thành một trong 17 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới. Khi thủ đô được giải phóng năm 1954, Hà Nội có 53.000 dân sinh sống, đến năm 2012 là 6,2 triệu dân, năm 2014 thì con số này đã là 7,2 triệu người, chưa kể gần 1 triệu người không đăng ký hộ khẩu thường trú. Dự báo đến năm 2020 là trên 8 triệu người.
Đi theo việc tăng số dân là mức độ gia tăng dân số cơ học quá nhanh, khiến Thủ đô đang phải chịu áp lực lớn về chỗ ở và đặc biệt là giao thông. Từ năm 1995 tới năm 2005, số lượng xe máy có vào khoảng gần 2 triệu chiếc, năm 2012 tăng đến trên 3,7 triệu, năm 2015 là 4,9 triệu xe máy. Với ô tô năm 2004 chỉ có 150.000 xe đến năm 2015 tăng lên đến 535.000.
Đó là lý do vì sao Hà Nội thường xuyên ùn tắc vào những giờ tan tầm, những lúc trời mưa, trước và sau những ngày nghỉ tết và đó cũng là lý do để bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội tập trung xây dựng và mở rộng các trục đường nội đô, cửa ngõ thủ đô và cầu vượt nhẹ, cầu vượt dân sinh.
Chính vì lẽ đó, có thể khẳng định rằng trong suốt thời gian trên 61 năm ngày tiếp quản Thủ Đô, chưa có thời kỳ nào như thời kỳ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và từ năm 2010 đến 2015 việc xây dựng hạ tầng giao thông đô thị ở Thủ đô lại được triển khai đồng loạt với quy mô lớn, cũng như việc triển khai đồng bộ, quyết liệt những giải pháp chống ùn tắc giao thông. Những công trình và giải pháp đó, chẳng những có tầm quan trọng đối với sự giao lưu kinh tế xã hội đối với một Thủ đô đang đà phát triển, mà còn nâng cao tầm vóc của một thành phố là trung tâm chính trị và giao dịch quốc tế của cả nước. Từ năm 2010 đến nay, ngoài gần 10 dự án do bộ GTVT làm chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hà Nội cũng đã triển khai xây dựng trên 30 dự án xây dựng hạ tầng giao thông vừa và lớn. Sau đây là những công trình giao thông có quy mô lớn được xây dựng trong thời gian qua.
1. HỆ THỐNG ĐƯỜNG TRÊN CAO PHÁP VÂN - MAI DỊCH (đường vành đai 3)
Được khởi công xây dựng từ tháng 6 năm 2010 với tổng chiều dài gần 9km, bao gồm 385m đường dẫn và 8.527m cầu cạn chạy suốt. Tiêu chuẩn kỹ thuật chính của Dự án được dựa trên tiêu chuẩn “Đường đô thị” với tốc độ thiết kế đạt 100km/giờ, mặt cắt ngang 4 làn xe,với tổng chiều dài 8.912m bao gồm 385m đường dẫn và 8.527m cầu cạn chạy suốt. Sau trên 30 tháng thi công, đến tháng11/2012 công trình đã hoàn thành và đưa vào sự dụng.
Như vậy toàn bộ hệ thống cầu vượt và nút giao từ cầu Phù Đổng - Quốc lộ 5 huyện Gia Lâm qua cầu Thanh Trì và trục cầu vượt đường bộ dải phân cách giữa trên đường vành đai 3 đến Mai Dịch, sẽ tạo ra một tuyến đường cao tốc trên cao dài 28,053km, tính đến thời điểm năm 2012 là tuyến đường bộ trên cao dài nhất Việt Nam, góp một phần nhỏ trong nỗ lực của Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội nhằm giảm bớt ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Công trình còn là niềm tự hào của cán bộ, kỹ sư và công nhân ngành Giao thông vận tải.
Cùng với đường vành đai 3 được hoàn thành trước đó, công trình đường trên cao Pháp Vân – Mai Dịch được xây dựng trên dải phân cách đường vành đai 3, đã tạo nét đột phá cảnh quan đô thị Hà Nội .
2. CẦU NHẬT TÂN VÀ ĐƯỜNG VÕ NGUYÊN GIÁP NỐI CẦU NHẬT TÂN ĐẾN SÂN BAY QUỐC TẾ NỘI BÀI
Đây là công trình được bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội được khởi công nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Toàn bộ công trình dài gần 9 km, trong đó cầu Nhật Tân dài hơn 3,7 km được chia thành 3 gói thầu:
Phần cầu có kết cấu nhịp cầu chính được kết cấu kiểu dây văng liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực với 5 trụ tháp, thi công bằng phương án đúng hẫng cân bằng. Mặt cầu rộng 33,2m chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải xe hỗn hợp, phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ. Cầu dài 3,9 km và có đường dẫn 4,5km, trong đó phần chính của cầu qua sông dài 1,5km với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 13.600 tỷ đồng, gồm vốn vay từ Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cho phần xây dựng cầu và đường, nguồn vốn cho công tác GPMB và những cơ sở hạ tầng tái định cư là nguồn vốn ngân sách của UBND TP. Hà Nội. Cùng thi công cầu Nhật Tân, còn có trục đường cao tốc nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đến cầu Nhật Tân dài 12,1 km, nhưng là tuyến đường đặc biệt quan trọng nên có tổng mức đầu tư đến gần 5000 tỷ đồng. Việc triển khai và hoàn thành đúng tiến độ tuyến đường này có ý nghĩa quyết định để khai thác đồng bộ hai công trình lớn là nhà ga T2 và cầu Nhật Tân. Được khởi công từ tháng 9/2011.
Tuyến đường đi qua hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn, mặt cắt ngang phạm vi GPMB là 100m, quy mô xây dựng 6 làn xe với bề rộng nền đường 32m, phần còn lại bố trí 2 đường gom chạy 2 bên. Nguồn vốn được sử dụng từ vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Ban QLDA 85 bộ GTVT đại diện chủ đầu tư và Tổng công ty XDCTGT4 ( Cienco4) trúng thầu xây dựng.
Tuyến đường sau khi hoàn thành đã được thành phố Hà Nội đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp. So với 30 km từ trung tâm Hà Nội đi sân bay Nội Bài theo đường Bắc Thăng Long – Nội Bài như hiện nay, đường Võ Nguyên Giáp vừa gần trung tâm thành phố hơn, lại vừa được rút ngắn xuống còn 15km.
3. CÔNG TRÌNH XÂY NHÀ GA T2 SÂN BAY NỘI BÀI
Tiếp nối với cầu Nhật Tân và trục đường Võ Nguyên Giáp là nhà ga hàng không T2 tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Với diện tích mặt bằng khoảng 139.000 m2 kế theo mô hình dạng cánh với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên có khả năng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm điện. Nhà ga được đầu tư hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến, theo tiêu chuẩn quốc tế. ICAO
Nhà ga T2 được thiết kế văn minh, hiện đại nhưng giữ nhiều nét truyền thống Việt Nam. Với tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD, nhà ga T2 gồm 4 tầng (chưa kể tầng hầm) dài 996m, trong đó nhà ga chính dài 180m, rộng 132m, được xây dựng trên diện tích khoảng 14ha, Đây là công trình quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế, dự kiến cuối năm 2014 sẽ đưa vào khai thác sau 34 tháng thi công Chủ đầu tư công trình là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, thuộc Cục HKDD Việt Nam, bộ GTVT.
Tổ chức tư vấn: Công ty tư vấn sân bay Nhật Bản (Japan Airport Consultants - JAC)
Đơn vị trúng thầu xây dựng là: Liên danh nhà thầu Taisei (Nhật Bản)-Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.
Trước đó vào năm 2001 nhà ga T1 được đưa vào sử dụng, đạt lưu lượng đạt trên 9,5 triệu hành khách. Năm 2010 đã có 11 triệu hành khách thông qua.
Vì vậy nhà ga T2 sau khi hoàn thành đã và đang góp phần giải quyết tình trạng quá tải của nhà ga T1, tạo diện mạo mới cho sân bay Nội Bài. Nhờ đó sân bay quốc tế Nội Bài trong đó có Nhà ga T2 đã được một trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports xếp vào tốp 30 sân bay tốt nhất Châu Á.
4. CẦU VĨNH THỊNH VƯỢT SÔNG HỒNG
Cầu Vĩnh Thịnh có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 32 với tuyến tránh Sơn Tây, vượt qua đê tả sông Hồng và kết nối với Quốc lộ 2C Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, với tổng chiều dài gần 5,5km; trong đó, phần cầu dài gần 4,5km, đường hai đầu cầu dài hơn 1km. Đây là cây cầu dài nhất bắc qua sông Hồng tính đến thời điểm hiện nay. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Mặt cầu có bề rộng 16,5m, gồm 4 làn xe với tốc độ thiết kế 80km/h. Đường đầu cầu thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng. Công trình được Khởi công vào cuối tháng 12/2011 và được hoàn thành vào tháng 6/2014.
Việc đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh nằm trên QL2C, tuyến huyết mạch giao thông quan trọng thuộc đường vành đai V Hà Nội góp phần kết nối mạng lưới giao thông từ các tỉnh Tây Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang Qua đường Cao tốc Nội Bài Lào Cai với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định.
5. HỆ THỐNG CẦU VƯỢT GIẢI QUYẾT ẮC TẮC GIAO THÔNG NỘI ĐÔ
Rút kinh nghiệm từ cầu vượt Ngã Tư Sở, sau 2 năm nghiên cứu, đến đầu năm 2012 thành phố Hà Nội mới quyết định xây hàng loạt cầu vượt nhẹ tại các ngã tư thường xuyên xẩy ra ùn tắc giao thông. Từ 2 hai cầu vượt lắp ghép nhẹ bằng thép, mỗi cầu có chiều dài khoảng 200m. theo dọc tuyến đường Láng Hạ tại các nút giao Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà và dọc theo phố Tây Sơn, tại nút giao Tây Sơn - Thái Hà - Chùa Bộc. Trước những tín hiệu khả quan về tiến độ thi công và việc giải quyết ùn tắc giao thông của hai cây cầu trên, UBND thành phố Hà Nội, đã cho xây tiếp 5 cầu vượt gồm: Cầu vượt dọc theo đường Láng Hạ - Lê Văn Lương tại nút giao Đường Láng - Láng Hạ - Lê Văn Lương, cầu vượt dọc đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng tại nút giao Đường Láng - Nguyến Chí Thanh và Trần Duy Hưng, cầu vượt Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai tại nút giao thông Deiwo và cầu vượt ngã năm Cầu Giấy. Khắc phục sự hạn chế xe tải trọng lớn qua 2 cầu đầu tiên là cầu vượt Lãng hạ và Tây Sơn, các cầu sau này đều cho phép ô tô có tải trọng lớn như xa tải và xe buýt có thể được phép qua cầu.
Đến nay trong khu vực nội thành Hà Nội, đã có 7 cây cầu thép vượt nhẹ được xây dựng và đưa váo khai thác đá góp phần đáng kể giải quyết tình trạng ách tắc giao thông. Kể từ đưa vào khai thác các cầu vượt nhẹ cho đến nay, tình trạng ách tắc giao thông ở khu vức trên hầu như không có.
Từ khi những cây cầu đi vào hoạt động Hà Nội đã giảm được từ 124 điểm có nguy cơ ùn tắc xuống còn 57 điểm (riêng 8 tháng đầu năm 2013 đã xử lý được 10 điểm)”, ông Hùng khẳng định.
Xét lợi ích về nhiều mặt, với đà trên, Theo quy hoạch xây dựng, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng thêm các cây cầu vượt nhẹ tại các nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng... Đồng thời mở tiếp đoạn đường từ phố Trần Phú đến Kim Mã, cải tạo, mở rộng các nút Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Kim Mã - Liễu Giai, đường 69 - Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng v.v...
6. DỰ ÁN XÂY DỰNG TUYẾN ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO CÁT LINH - BA LA
Toàn tuyến dài gần 13km, có 454 trụ cầu, 12 ga gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Đại học Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân, bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, bến xe Yên Nghĩa. Khổ đường 1.435mm, bảo đảm cho tàu chạy với vận tốc 80 km/h. với tổng số vốn đầu tư gần 553 triệu USD.
Tuyến đường sắt trên được khởi công từ ngày 17/4/2010. Tuy nhiên, do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời công trình hạ tầng trên tuyến, và vì thiếu vốn nên đến cuối năm 2015 mới hoàn thành cơ bản các trụ cầu, đã có nhiều đoạn được bắc dầm và xây dựng nhà ga trung chuyển, nhờ vậy mặc dù công trình chưa hoàn thành nhưng đã góp phần hình thành diện mạo cảnh quan mới tại khu vực.
Hiện nay mẫu đoàn tàu đường sắt trên cao đã được lấy ý kiến nhân dân, Ban quản lý dự án Đường sắt đã đưa ra tiến độ hoàn thành phần xây lắp dự án trước 30/6/2016, để ngày 30/9/2016 bắt đầu căn chỉnh, chạy thử đồng bộ. Những tháng đầu năm đầu năm 2016, tàu điện sẽ bắt đầu chạy toàn tuyến.
7. HÀNG LOẠT CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ MỞ RỘNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ ĐƯỢC TRIỂN KHAI
Nhiều năm qua, mà tập trung 5 năm gần đây, Hà Nội đã triển khai xây dựng , nâng cấp nhiều tuyến đường và tăng cường tổ chức giao thông để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
Trong các công trình đó, có nhiều dự án lớn như: Dự án xây dựng đường Liễu Giai - Văn Cao, đường vành đai 1, đoạn từ Ô Chợ Dừa đến Hoàng Cầu và mở rộng ngã tư Ô Chợ Dừa - Nguyễn Lương Bằng - Xã Đàn, Mở rộng đường Trường Chinh. Lấp mương và xây dựng đường Hoàng Cầu - Yên Lãng, Dự án xây dựng đường Vành đai 2 Nhật Tân Cầu Giấy trong đó chủ yếu là đường Võ Chí Công, (phường Xuân La Nối với cầu Nhật Tân), mở rộng và nối thông đường Nguyễn Khánh Toàn - Đào Tấn, đường Bưởi và nút giao thông Cầu Giấy, cải tạo và mở rộng đường và nút giao thông Nguyễn Khoái, Dự kiến, năm 2016 tuyến đường huyết mạch vành đai 1 Hà Nội từ Nguyễn Khoái đến Cầu Giấy sẽ được nối thông, trục đường 5 kéo dài và cầu Đông Trù, đoạn từ ngã ba cầu chui đến đường đường Thăng Long Nội Bài, đường Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng, cầu Phù Đổng 2 v.v...
Tại các cửa ngõ thủ đô, trong 5 năm qua, đã có hàng loạt các công trình do bộ GTVT làm chủ đầu tư được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng, điển hình như các tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường 5 mới Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình... Cùng với các công trình trên, lại cộng với các công trình giao thông có quy mô lớn được hoàn thành trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, điển hình như: Hầm đường bộ Kim Liên và đường Xã Đàn, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì và hệ thống đường dẫn nút giao thông đường 5 và Pháp Vân, đại lộ Thăng Long, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 32, tuyến đường đôi Lạc Long Quân, đường Lê Văn Lương kéo dài v.v... đã làm tăng sự kết nối giao lưu kinh tế xã hộ giữa Hà Nội với các địa phương khu vực đồng bằng Bắc Bộ
8. VỀ TỔ CHỨC GIAO THÔNG NỘI ĐÔ
Trừ các tuyến đường ngắn và hẹp ở các khu phố cũ và phố cổ tập trung vào các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... Để hạn chế ùn tắc và xung đột ở các ngã tư lớn, sở GTVT Hà Nội cùng với Công an thành phố đã cấm các xe ô tô rẽ trái ở hầu hết các tuyến đường đôi trong nội thành. Ô tô muốn rẽ, phải đến nơi được phép rẽ, cách ngã tư chừng 30m, nhiều tuyến đường phổ nhỏ hẹp thành phố đều chuyền thành đường một chiều. Ngoài ra các nhiệm vụ khác như tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm; phân luồng, cải tạo, sửa chữa hoặc lắp đặt đèn tín hiệu giao thông độc lập chốt 65 nút đèn tín hiệu...
Nhờ các biện pháp tích cực và đồng bộ từ việc xây dựng hạ tầng giao thông đến việc tổ chức giao thông. Sau 5 năm (2010 - 2015), số điểm ùn tắc giao thông đã giảm từ 89 điểm xuống còn 51 điểm. Trong số này, nơi có nguy cơ ùn tắc thường là nơi đang tho công công trình, và tại các thời điểm trời mưa gây úng ngập cục bộ. Tai nạn giao thông trong 5 năm qua, cũng đã giảm trên cả 3 tiêu chí, nhiều nút giao thông thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng đã được giải quyết cơ bản.
Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cá nhân (tốc độ tăng trung bình khoảng 10% năm), việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông còn kháo khăn... Dự báo tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn TP sẽ còn phức tạp, nhất là khu vực nội đô từ đường Vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm, đường vành đai... Việc tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu nhằm giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 là cần thiết.
Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội, chương trình sẽ tiếp tục 10 dự án đầu tư xây dựng có vai trò giảm ùn tắc giao thông đã được phê duyệt danh mục giai đoạn 2012 - 2015, đồng thời triển khai 6 dựa án khác như xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, cầu vượt tại nút giao thông Quốc lộ 5 - Trâu Quỳ, xây dựng Trung tâm quả lý điều hành giao thông công cộng, triển khai giai đoạn 2 dự án nâng cấp trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông... UBND TP đưa ra mức dự kiến tổng kinh phí để thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 là 2.167 tỷ đồng và được phân bổ chi tiết theo từng năm.