Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe cầu Cổ Chiên

2015/5/17 8:9 - Nguồn: Bộ GTVT

Sáng 16/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh thông xe cầu Cổ Chiên nối 2 tỉnh Bến Tre - Trà Vinh. Đến dự lễ thông xe còn có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình; Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành, lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và đông đảo người dân hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ thông xe cầu Cổ Chiên
trong niềm vui của người dân Bến Tre - Trà Vinh 
 
Rút ngắn tiến độ 15 tháng
 
Tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết theo kế hoạch ban đầu, cầu Cổ Chiên sẽ được xây dựng trong vòng 36 tháng. Nhưng với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Dự án, Chính phủ đã cấp ngân sách, nhà đầu tư huy động vốn, Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt nên Dự án được tái khởi động trở lại và xây dựng theo hợp đồng là 24 tháng. Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã huy động tối đa máy móc thiết bị, nhân lực và rút ngắn tiến độ thêm 3 tháng nữa.
 
“Tôi biểu dương Bộ GTVT, Ban QLDA7, chính quyền hai tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, nhà đầu tư, các nhà thầu, tư vấn, các công nhân… đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành Dự án vượt tiến độ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Báo cáo tại lễ thông xe, ông Nguyễn Chung Khánh – Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết có thời điểm trên công trường có hơn 600 công nhân, cán bộ kỹ thuật làm việc ba ca liên tục. Hầu như cán bộ kỹ thuật, công nhân không nghỉ lễ, tết. Sự quyết tâm cao đó đã đưa đến kết quả thành công như ngày hôm nay.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
tại lễ khánh thành cầu Cổ Chiên
 
Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thay mặt người dân hai tỉnh Trà Vinh, Bến Tre cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ GTVT, nhà đầu tư, các đơn vị thi công, tư vấn đã nỗ lực, tập trung cao độ về nhân lực, vật lực thi công cả ngày lẫn đêm để cầu Cổ Chiên được hoàn thành sớm, phục vụ người dân đi lại thuận tiện.
 
Đại diện nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và Tổng Công ty XDCTGT 1, ông Bùi Thái Hà – Giám đốc Công ty Tuấn Lộc cam kết tổ chức tốt việc khai thác, duy tu, quản lý công trình, đáp ứng nhiệm vụ giao thông, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của địa phương cũng như toàn khu vực công trình đi qua. Cam kết phối hợp tốt với địa phương, với các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo người dân được sử dụng công trình an toàn và sạch đẹp. Phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác của công trình cũng như của toàn  Dự án.
 
Phải sớm hoàn thiện những công trình thiết yếu
 
Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nhưng rào cản là hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, trong đó có hạ tầng giao thông.
 
Việc thông xe cầu Cổ Chiên hôm nay là rất có ý nghĩa, nhưng trên QL60 vẫn còn một cầu lớn là cầu Đại Ngãi chưa được xây dựng. Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục làm việc với các địa phương liên quan để sớm khởi công dự án và hoàn thành trong khoảng 2 năm để nối thông mạch QL60, giảm hơn 70km từ các tỉnh ven biển ĐBSCL lên TP HCM.
 

Thông xe qua cầu Cổ Chiên
 
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT trong thời gian tới tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đang xây dựng, nhất là những công trình thiết yếu, Quốc lộ 1 từ TP HCM đến Hậu Giang phải hoàn thành trong năm 2015. Trong giai đoạn 2016 – 2020 hoàn thành đường cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ; nâng cấp đường Hồ Chí Minh từ Bình Phước qua Tây Ninh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau; tuyến N1 từ Tây Ninh đi Hà Tiên. Đến 2017, phải hoàn thiện hai cầu quan trọng là Cao Lãnh, Vàm Cống.
 

Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên được tái khởi động xây dựng vào ngày 2/8/2013, bao gồm 2 dự án thành phần. Dự án thành phần 1: xây dựng phần cầu chính Cổ Chiên (nguồn vốn nhà đầu tư). Dự án thành phần 2: xây dựng đường dẫn và các cầu trên đường dẫn vào cầu chính (nguồn vốn Nhà nước). Tổng mức đầu tư dự án là 2.308 tỷ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư: 1.264 tỷ đồng; Phần vốn ngân sách Nhà nước: 1.044 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. 



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...