"Chia lửa" với nhà đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phải thông xe vào tháng 10/2015, nhưng đến nay khối lượng công việc còn rất lớn. Để “chia lửa” cho nhà đầu tư, tại buổi họp kiểm điểm tiến độ dự án chiều 15/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan của Bộ GTVT phải sâu sát, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tuyến cao tốc này về đích đúng tiến độ.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang chậm tiến độ
7 năm vẫn vướng mặt bằng
Bước sang năm thứ 7 thực hiện, nhưng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) triển khai vẫn bộn bề. Đến tháng 10/2015 phải thông xe toàn tuyến theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tuy nhiên khối lượng công việc của dự án còn khá lớn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục QLXD&CLCTGT soạn thảo văn bản trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bộ Quốc phòng khẩn trương bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư như đã cam kết.
Ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT VIDIFI cho biết, dù 11/11 gói thầu được triển khai thi công đồng loạt, nhưng đến nay vẫn còn hai điểm chưa hoàn thành GPMB là phần đất của Sư đoàn 361 - Bộ Quốc phòng thuộc địa phận Hà Nội và tỉnh Hải Dương mới bổ sung 800m2 đường cải tạo mương Tỉnh lộ 390 nên ảnh hưởng lớn đến thi công gói thầu EX 1A. Bên cạnh đó nút giao QL39 đấu nối với cầu Lục Điền đến nay chưa triển khai thi công được.
Ông Chiến rất băn khoăn về tình hình tài chính của 9/11 nhà thầu nước ngoài. Theo điều khoản hợp đồng, các nhà thầu phải dùng vốn lưu động để dự trữ vật liệu, tuy nhiên hầu hết các nhà thầu chính không huy động đủ vốn lưu động như cam kết mà chủ yếu dựa vào nguồn thanh toán hàng tháng của nhà đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng không thanh toán kịp công nợ cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp vật liệu, thiết bị, nhân công diễn ra phổ biến. “Cũng vì lý do này, các nhà thầu chính không thuê được thầu phụ có chất lượng, hoặc nhà thầu phụ tự ý dừng thi công dẫn đến chậm tiến độ công trình. Trong đó phải kể tới các nhà thầu Hàn Quốc, tuy chưa làm xong phần việc của mình, nhưng đã tính “xí việc” một số dự án cao tốc khác ở miền Trung” - ông Chiến nói.
Nhà thầu chểnh mảng sẽ bị “cấm cửa”
Đại diện liên danh nhà thầu Cienco1 - Cienco4 vào thay thế một số nhà thầu kém năng lực thi công gói EX1B, ông Cấn Hồng Lai- Tổng Giám đốc Cienco1 cho rằng: “Từ khi chính thức ký hợp đồng, liên danh đã tổ chức thi công đẩy nhanh tiến độ ngay. Mặc dù chưa được thanh toán khối lượng nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo tiến độ đề ra, do đó chủ đầu tư phải tin tưởng nhà thầu trong việc bảo lãnh thanh toán để đẩy nhanh tiến độ”.
Cũng vào vai “đóng thế” khi tư vấn thiết kế Hàn Quốc rút khỏi dự án, ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc TEDI cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã cơ bản hoàn thành các hạng mục được giao khi chuyển từ kép phụ thành vai chính. Nút giao QL39 tư vấn TEDI đã hoàn thành, một số hạng mục ATGT của các các gói EX11 A,B,C, đèn chiếu sáng chúng tôi cam kết với chủ đầu tư, Bộ GTVT đến 20/4 sẽ bàn giao thiết kế và phần giao thông thông minh đến 30/4 sẽ bàn giao.
Cũng quan điểm này, ông Lê Xuân Sinh, Tổng Giám đốc Ban QLDA 6 cũng cam kết trong tháng 7/2014 sẽ chọn xong nhà thầu để tổ chức thi công cầu Lục Điền, kết nối với nút giao QL39, theo đúng tiến độ tháng 4/2015 sẽ hoàn thành và kết nối với tuyến đường cao tốc đúng tiến độ thông xe trước 25km đầu tiên đoạn qua địa phận Hải Phòng
Chia sẻ những khó khăn mà chủ đầu tư (VIDIFI) đang đối mặt, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, thời hạn tháng 10/2015 phải thông xe toàn tuyến là bất di bất dịch. Để bảo đảm tiến độ này, Bộ GTVT sẽ cùng với chủ đầu tư, mời thêm Hội đồng nghiệm thu Nhà nước mỗi tháng giao ban một lần do lãnh đạo Bộ chủ trì để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo chất lượng, tiến độ của dự án. Bộ trưởng cũng yêu cầu TEDI, Cienco 1, 4 vào cuộc quyết liệt, chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư. Đối với các nhà thầu nước ngoài thi công chểnh mảng, Bộ trưởng sẽ trực tiếp làm việc để chấn chỉnh, nếu không chuyển biến sẽ xem xét không cho tham gia các dự án khác.