Đẩy nhanh tiến độ DA đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông
Sáng nay (19/9), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã tiếp đại lãnh đạo Công ty Xây dựng Hải ngoại – Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và là nhà thầu EPC Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội).
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vẫn chậm tiến độ
Bộ trưởng đánh giá, mặc dù Công ty Xây dựng Hải ngoại Trung Quốc thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng tiến độ dự án này vẫn chậm, trong đó có nguyên nhân chủ quan về phía nhà thầu trong công tác thiết kế, thi công và nguyên nhân khách quan liên quan tới Ban Quản lý, nhà thầu phụ, công tác giải phóng mặt bằng của phía Việt Nam.
Để đảm bảo tiến độ dự án, Bộ trưởng đã yêu cầu phía Cục 6 Trung Quốc có báo cáo tổng thể về những tồn tại cần giải quyết, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng chủ thể liên quan, như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát; nhà thầu cung cấp vật tư, thiết bị; nhà thầu chính, nhà thầu phụ xây lắp kể cả Ban Quản lý dự án phía Việt Nam. Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định Bộ GTVT sẵn sàng thay thế các chủ thể liên quan nếu không đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu ngay sau cuộc họp này, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cần tăng cường máy móc, thiết bị, nghiên cứu bổ sung nhà thầu phụ Việt Nam, xác định rõ qui trình nghiệm thu, phê duyệt khối lượng công việc. Bộ trưởng yêu cầu hoàn thành báo cáo nêu trên vào đầu tháng 10 và mời lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Cục 6 Trung Quốc sang làm việc với Bộ.
Bộ trưởng nhấn mạnh Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc đã tham gia một số dự án tại Việt Nam và là tập đoàn có uy tín của Trung Quốc. Vì vậy, Tập đoàn cần quyết tâm hoàn thành tốt công trình đáp ứng được sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng của người dân Thủ đô.
Về phần mình, thay mặt phía Nhà thầu EPC Trung Quốc, ông Phùng Cự Bảo - Tổng Giám đốc Công ty xây dựng Hải ngoại - Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc đã hứa với Bộ trưởng quyết tâm xây dựng dự án đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất.
Dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được Đảng và Chính phủ rất quan tâm, kỳ vọng đưa vào khai thác đúng kế hoạch vào tháng 6 năm 2015 sau khi đã được điều chỉnh. Dự án được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, dài 13,5km, 12 ga, tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam.