Điểm mặt nhà đầu tư BOT "sức khỏe" yếu
Dù trải thảm đỏ mời gọi xã hội hóa, song Bộ GTVT vẫn kiểm soát gắt gao năng lực các nhà đầu tư và tiến độ, chất lượng các dự án hạ tầng giao thông đang triển khai. Vì vậy tới đây, một số nhà đầu tư “sức khỏe” yếu kém, triển khai dự án chậm sẽ bị loại bỏ, thay thế.
Dự án QL1 qua Bình Định đang chậm so với yêu cầu do nhà đầu tư
chưa có kinh nghiệm quản lý và triển khai thi công
Chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính
Theo Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (Ban PPP- Bộ GTVT), hiện Bộ đang quản lý 53 dự án BOT, BT, PP với tổng mức đầu tư hơn 132.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết: Đa phần các nhà đầu tư tham gia các dự án BOT triển khai tích cực, nhưng cũng không ít đơn vị năng lực tài chính, khả năng quản lý dự án cũng như năng lực thi công chưa thực sự đảm bảo.
Trên tuyến QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hiện đang có 21 dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT và PPP, hiện có 6 dự án bị chậm tiến độ. Trên các tuyến khác cũng có 3 dự án BOT không bảo đảm tiến độ về thủ tục và kế hoạch thi công.
"Các dự án BOT, BT, PPP chậm tiến độ chủ yếu do chưa có giấy phép đầu tư đầy đủ, nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính. Bên cạnh đó, năng lực điều hành dự án còn hạn chế nên khó triển khai đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng”.
Ông Trần Xuân Sanh Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT
“Bộ GTVT đã nhờ công an kinh tế vào cuộc điều tra những biểu hiện “bán thầu” của một số nhà đầu tư nưng đến nay chưa phát hiện ra trường hợp nào. Nếu phát hiện nhà đầu tư “bán thầu”, chắc chắn Bộ GTVT sẽ có biện pháp xử lý nghiêm”.
Ông Nguyễn Danh Huy Vụ trưởng Vụ PPP
Đơn cử, dự án hầm Phước Tượng - Phú Gia, được khởi công từ tháng 5/2013 nhưng đến nay nhà đầu tư là Công ty Hưng Phát mới chỉ huy động được 36,8 tỷ, tương ứng với 32% phần vốn chủ sở hữu. Trong khi theo qui định, doanh nghiệp này phải có 115 tỷ để bảo đảm đủ 15% vốn chủ sở hữu theo qui định. Đáng nói hơn, cho đến thời điểm đầu tháng 4/2014, nhà đầu tư này còn chưa ký được hợp đồng tín dụng cho dự án.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Công Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia cho biết: “Phải đến cuối tuần này, đơn vị mới hoàn thành các thủ tục để bổ sung thêm nhà đầu tư Vinaconex. Khi đó vốn chủ sở hữu mới không phải lo”.
Hay như dự án Cần Thơ - Phụng Hiệp, được khởi công từ tháng 8/2013 tiến độ thi công cũng đang bị chậm do nhà đầu tư mới giải ngân được 2,7 tỷ đồng xây lắp. Đến ngày 25/3/2014, chủ đầu tư mới chuyển 30 tỷ đồng cho địa phương để GPMB. Nguyên nhân cũng được xác định là do nhà đầu tư chậm ký hợp đồng tín dụng và việc tổ chức điều hành chưa tốt. Một dự án khác là QL14 đi qua tỉnh Đắk Lắk do Công ty Quang Đức làm chủ đầu tư. Dự án này được khởi công từ tháng 6/2013 nhưng đến nay vẫn còn 6/10 gói thầu xây lắp chưa triển khai.
Điển hình cho tình trạng nhà đầu tư chậm thực hiện nghĩa vụ đóng vốn chủ sở hữu là tại dự án mở rộng QL1 Bắc Bình Định. Được biết, đến nay chủ đầu tư mới đóng được hơn 30 tỷ đồng, tương đương 14% trong tổng số 240 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, dự án Nam Bình Định thậm chí còn ít hơn nhiều khi mới đóng được 4% vốn sở hữu.
Theo ông Phạm Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Ban QLDA 2 - đơn vị đang quản lý nhiều dự án BOT: “Khi tham gia dự án, nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính. Và thực tế trong hồ sơ họ đều có chứng minh điều này. Nhưng nhiều nhà đầu tư hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng còn vốn chủ sở hữu họ bỏ ra rất hạn chế, không đáng kể. Vì thế, nếu ngân hàng cho vay thì tiến độ sẽ được bảo đảm còn không là bị ngưng trệ”.
Xe máy tham gia khởi công dự án Cần Thơ - Phụng Hiệp tháng 8/2013. Đến
nay, dự án này mới giải ngân được 2,7 tỷ đồng
Lúng túng thủ tục, thiếu kinh nghiệm thi công
Không chỉ năng lực yếu kém, không ít nhà đầu tư còn bộc lộ sự lúng túng trong triển khai điều hành và thiếu kinh nghiệm tổ chức thi công ngoài hiện trường. Ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ PPP cho rằng, khác với các nhà đầu tư vừa là nhà thầu vừa là đơn vị xây lắp đã thực hiện nhiều dự án giao thông như: CIENCO4, CIENCO1 hay các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, những nhà đầu tư mới thường chưa có kinh nghiệm trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, quản lý dự án và triển khai thi công.
Lấy ví dụ tại hai dự án QL1 qua Bình Định, tiến độ triển khai đang chậm so với yêu cầu từ 3 - 6 tháng. Nguyên nhân được xác định do việc tuyển chọn nhà thầu và duyệt hồ sơ thiết kế bảo vệ thi công chậm. Đến nay nhà đầu tư vẫn chưa có sự thống nhất giữa ngân hàng về phương pháp kiểm soát khối lượng thi công ngoài hiện trường, gây khó khăn cho công tác giải ngân.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Xuân Liêm - Tổng Giám đốc Điều hành dự án Bắc Bình Định cho biết: “Dù hợp đồng tín dụng ký với ngân hàng từ trước Tết 2014 nhưng tốc độ giải ngân không kịp thời. Nguyên nhân do ngân hàng chưa có cơ chế kiểm soát khối lượng thi công ngoài hiện trường để thanh toán. Đến nay, ngân hàng mới chỉ giải ngân lần đầu tiên với số vốn là 13 tỷ đồng để phục vụ cho chi phí quản lý dự án là chính”.
Ông Liêm cũng thừa nhận, những bỡ ngỡ trong việc hoàn tất các thủ tục đầu tư, triển khai thi công còn là điểm yếu cần sớm khắc phục của nhiều nhà đầu tư mới “chân ướt, chân ráo” tham gia đầu tư giao thông.
Hay như với dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, thời gian đầu mới triển khai do còn nhiều bỡ ngỡ nên tiến độ khá chậm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013, sau khi Công ty CP đầu tư Đèo Cả tổ chức lại ban điều hành công trường, ký hợp đồng thuê giám đốc điều hành dự án có kinh nghiệm, đồng thời ứng vốn tối đa cho các nhà thầu lên đến 30 - 40% nên tiến độ công trình tiến triển rõ rệt, được Bộ GTVT đánh giá cao.
Sẽ loại nhà đầu tư “tay không bắt giặc”
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định, Bộ GTVT rất hoan nghênh nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xây dựng công trình giao thông. Tuy nhiên, để thực hiện được dự án, các nhà đầu tư phải có năng lực thực sự. Không thể xí phần rồi để đấy và “tay không bắt giặc”. “Dù đã được lựa chọn là nhà đầu tư, nhưng nếu chậm triển khai, các cơ quan chức năng phải kiên quyết loại bỏ”- Bộ trưởng nói.
Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua, tại một số dự án sau khi xin được giấy phép đầu tư đã có những thay đổi về thành viên, tỷ lệ góp vốn tham gia dự án cũng như việc bổ sung nhà đầu tư. Mặc dù những dấu hiệu nêu trên không đủ cơ sở để khẳng định các nhà đầu tư có cố tình bán dự án hay không nhưng cũng khiến không ít người đặt ra câu hỏi, có hay không việc các nhà đầu tư “xí phần” rồi sau đó chuyển nhượng dự án, ăn phần trăm?
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ PPP cho biết: “Thực tế cũng có thể có chuyện “bán thầu” nhưng việc xác định có chuyện đó hay không thì không đơn giản. Cũng có trường hợp khi trình hồ sơ chứng minh năng lực thì rất tốt nhưng có thể sau đó “sức khỏe” của họ yếu đi do rất nhiều các yếu tố khác tác động như: Giá cả thị trường, tình hình kinh doanh… nên rất khó có thể xác định họ có “bán thầu” hay không”.