ĐÓNG GÓP Ý KIẾN CHO DỰ THẢO QUY CHUẨN SỬA ĐỔI VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ VÀ QUY ĐỊNH BIỂN BÁO TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 13312/BGTVT-KHCN ngày 21/10/2014 giao Tổng Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, điều chỉnh bổ sung QCVN 41:2012/BGTVT. Chính vì vậy, việc bổ sung, chỉnh sửa nội dung dự thảo Quy chuẩn QC xxx - 2015/ BGTVT sửa đổi là rất cần thiết và cấp bách để thực sự góp phần nâng cao hiệu quả về ATGT.
Báo cáo tóm tắt: Dự thảo Quy chuẩn Quốc Gia về báo hiệu đường bộ QC 41/2012-BGTVT và Quy định tạm thời về bố trí, lắp đặt hệ thống biển báo hiệu trên đường cao tốc đã được Bộ GTVT giao cho Tổng Cục Đường bộ Việt Nam và Viện KHCN GTVT thực hiện bổ sung, chỉnh sửa từ năm 2014 đến nay. Mặc dù tập thể các tác giả biên soạn đã có rất nhiều cố gắng trong việc biên soạn và chỉnh biên song các dự thảo quy định kỹ thuật này song các bản dự thảo và thực tiễn cắm biển báo trên đường trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ khá nhiều bất cập, cần được trao đổi để tiếp tục chỉnh sửa để vừa phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATGT theo từng giai đoạn phát triển giao thông ở nước ta, lại vừa phải phù hợp với các thông lệ Quốc tế. Vì vậy, nội dung báo cáo tập trung vào việc đóng góp các ý kiến liên quan đến bố cục tiêu chuẩn; đến các quy định về lựa chọn và bố trí biển báo cần phù hợp với các mô hình tổ chức giao thông cho từng loại đường (đường cao tốc, đường ASEAN, đường bộ Quốc gia, đường đô thị và đường GTNT); đến các quy định cụ thể cần bổ sung đối với các kiểu biển báo được cắm bên lề đường, trên vỉa hè hoặc được treo trên giá long môn; và đề xuất về việc bổ sung một số kiểu biển báo hiệu giao thông phù hợp với điều kiện giao thông tại Việt Nam. Các nội dung góp ý này chỉ ra những tồn tại cần khắc phục của hệ thống biển báo đường bộ Việt Nam và đề xuất các biện pháp giải quyết nhằm góp phần thiết thực cho tăng cường công tác đảm bảo trật tự ATGT trên mạng lưới giao thông đường bộ ở nước ta.
Abstract: The Draft of National Regulation for Road Safety Sign System on Road Network (QC 41/2012-BGTVT) and on Expressway System in Vietnam has been edited by DRVN and ITST from 2014 to present. Although the authors have compiled a lot of their efforts to compile and edit them but these technical regulation drafts and practical place warning signs on the road in recent years remains revealed many shortcomings and should be exchanged to further moderate correction to meet the requirement of ensuring road safety phased transport development in our country, the moderate line with international practices. So the contents of this report focuses on the presentation of the comments related to the regulation layout; to the provisions on selection and layout should be appropriate signage to traffic organize patterns on each type of road (Expressways, ASEAN Roads, National Roads, Urban roads and Rural Low Volume Roads); to the specific provisions should be added to the types of signs are plugged roadside, on the sidewalk or be hung on the subject of long rates; and suggestions on adding some type of traffic signboards suit traffic conditions in Vietnam. The content of this input indicates the existence of the Road Sign system Vietnam and propose measures to solve practical contribution to strengthening ensure traffic safety and order on the road network in our country.
1. Tổng quan về tình hình biển báo hiệu đường bộ ở Việt Nam
Báo Nhân Dân, ngày 02/11/2014, đã có bài viết bình luận về biển báo hiệu giao thông nhằm chỉ dẫn người tham gia giao thông thực hiện đúng luật giao thông, bảo đảm an toàn khi lưu thông trên các tuyến đường. Tuy nhiên, bài báo đã phản ảnh trên thực tế, hệ thống biển báo có hàng trăm loại, với rất nhiều bất cập khiến người tham gia giao thông như lạc vào "ma trận". Theo kết quả chấn chỉnh thời gian qua, Tổng cục ĐBVN đã rà soát gần 104.000 biển báo hiệu đường bộ, được tập hợp từ 95 tuyến và các đoạn tuyến. Tính đến cuối năm 2013, trên cả nước có gần 62.500 biển báo cần thay thế do không phù hợp về nội dung, hình thức theo quy chuẩn. Ngoài ra, trên các tuyến quốc lộ cần bổ sung thêm gần 18.500 biển báo. Những con số này đủ nói lên sự bất cập về biển báo hiện nay trên các tuyến đường. Nhiều lái xe phản ánh, mật độ và khoảng cách cắm biển báo hiện nay trên nhiều quốc lộ chưa phù hợp, chưa hợp lý để lái xe có thể nắm bắt thông tin để điều chỉnh xe chạy trên đường. Tình trạng biển báo hiệu đường bộ gây bức xúc cho người đi đường, thậm chí gây mất ATGT và khiến lái xe bị phạt oan uổng còn phổ biến ở nhiều nơi. Nói chung, việc các biển báo hiệu đường bộ đặt sai vị trí, bất hợp lý, nơi thừa, nơi thiếu trên nhiều tuyến quốc lộ (QL) và đường cao tốc không chỉ gây lãng phí cho Nhà nước, mà còn gây bức xúc, lúng túng cho người tham gia giao thông.
Từ các bức xúc trên, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 13312/BGTVT-KHCN ngày 21/10/2014 giao Tổng Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, điều chỉnh bổ sung QCVN 41:2012/BGTVT. Chính vì vậy, việc bổ sung, chỉnh sửa nội dung dự thảo Quy chuẩn QC xxx - 2015/ BGTVT sửa đổi là rất cần thiết và cấp bách để thực sự góp phần nâng cao hiệu quả về ATGT.
2. Nhận xét chung về dự thảo Quy chuẩn sửa đổi QC 41-2015/ BGTVT
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ, QC 41-2012/ BGTVT được Bộ GTVT ban hành năm 2012 dựa trên cơ sở biên tập lại và chuyển thể từ Điều lệ báo hiệu đường bộ 22TCN 237-01 ban hành từ năm 2001. Bố cục nội dung của QC 41-2012/ BGTVT gồm 16 chương và 85 điều. Trong khi đó, dự thảo lần 4 Quy chuẩn sửa đổi QC xxx -2015/ BGTVT đăng tải lấy ý kiến góp ý ngày 30/ 8/ 2015 có điều chỉnh đôi chút về bố cục, gồm 3 phần, 15 chương và 90 điều. Trong đó, lược bỏ 2 chương cũ và bổ sung thêm 01 chương mới - chương IX : Biển báo hiệu trên đường cao tốc. Tổng hợp kết quả thực hiện sau lần chỉnh sửa thứ 4, nhận thấy dự thảo Quy chuẩn sửa đổi chủ yếu tập trung cho việc bổ sung, chỉnh sửa một số thuật ngữ nêu tại Điều 4; Bổ sung một số định nghĩa về đèn tín hiệu nêu ở Điều 9; Bổ sung một số quy định về vị trí và độ cao đặt đèn tín hiệu tại Điều 12; Chỉnh sửa câu chữ về phân loại báo hiệu đường bộ ở Điều 14, 15 và 16; Bổ sung Điều 17 – biển báo có thông tin thay đổi VMS; … thuộc các Chương từ I đến IV. Còn từ Chương V đến Chương XV, nội dung sửa đổi không đáng kể. Đáng lưu ý là tại Điều 35 có điều chỉnh một số biển báo có ký hiệu 403, 404, 411, 412, 413, 415, 420 và 421, vốn là các biển chỉ dẫn, nay được chuyển thành các kiểu của biển hiệu lệnh nhưng vẫn giữ nguyên kích thước và hình dạng của biển chỉ dẫn (?). Đồng thời có bổ sung Điều 49 – Biển báo cấm trên đường cao tốc; Điều 50 – Biển hiệu lệnh trên đường cao tốc. Tại Chương X – Vạch kẻ đường, tại Điều 52 và các Điều 58, 59, 60, 61 quy định về cọc tiêu cũng có sự sửa đổi đôi chút.
Nhìn chung, so với QC 41-2012/ BGTVT hiện hành, dự thảo Quy chuẩn sửa đổi tuy đã có một số bổ sung, chỉnh sửa nhất định nhưng nếu như chỉ dừng việc bổ sung, sửa đổi ở mức độ như trên thì xem ra vẫn chưa thực sự giải quyết được các bức xúc về “ ma trận” biển báo như báo chí đã phản ảnh nêu trên. Bởi vì dự thảo Quy chuẩn sửa đổi lần 4 chủ yếu vẫn tập trung chỉnh sửa ở các nội dung liên quan đến câu chữ định nghĩa, thuật ngữ, mà chưa đi sâu để bổ sung, sửa đổi về bản chất các quy định kỹ thuật, do đó chưa đủ sức để tạo ra được sự chuyển biến mới mang tính đột phá về nội dung nhằm góp phần tăng cường ATGT trên các đường cao tốc, đường bộ quốc gia, đường đô thị và cả đường GTNT tại Việt Nam.
Có thể thấy rõ hơn nhận xét này, nếu đi sâu phân tích nội dung của QC 41-2012/ BGTVT và dự thảo Quy chuẩn sửa đổi lần 4 , nhận thấy chúng chủ yếu quy định về cách phân loại các nhóm biển báo, nêu ý nghĩa và chỉ dẫn cách cắm biển báo ở dạng đơn chiếc trên đường. Trong khi đó cả QC41-2012 và cả dự thảo QC xxx – 2015/ BGTVT sửa đổi dường như vẫn còn thiếu hẳn các quy định và chỉ dẫn về việc lựa chọn biển báo và bố trí, lắp đặt các cụm biển báo hay các nhóm biển báo gồm nhiều kiểu biển báo khác nhau trên cùng một đoạn đường hay tại một vị trí để có khái niệm như thế nào là hợp lý và đúng cách ? Thực tế cho thấy nhiều đoạn đường có mật độ bố trí biển báo quá dày, người tham gia giao thông không thể tiếp thu được hết trong quá trình điều khiển xe chạy trên đường. Ngoài ra, dự thảo Quy chuẩn sửa đổi lần 4 cũng vẫn còn thiếu cả các quy định mang tính nguyên tắc về lựa chọn, bố trí và lắp đặt biển báo áp dụng cho các loại đường bộ khác nhau, không chỉ cho loại đường bộ Quốc gia và đường Ô-tô cao tốc, mà còn cần phải quy định và chỉ dẫn áp dụng lắp đặt biển báo cho cả loại đường qua khu dân cư, đô thị và đường GTNT có lưu lượng thấp.
Hình 1. Các “ Ma trận” biển báo trên đường
Đặc biệt, đối với loại biển báo treo trên giá long môn, trong dự thảo Quy chuẩn sửa đổi QC xxx -2015/ BGTVT vẫn chỉ nêu có 3 điểm quy định về cấu tạo, vị trí chôn chân giá và tĩnh không của giá long môn. Trong khi đó, dự thảo Quy chuẩn sửa đổi lần 4 còn thiếu toàn bộ các quy định về ý nghĩa, mục đích và phạm vi tác dụng của biển báo được treo trên giá long môn, ví dụ như :
- Xác định phạm vi tác dụng, ý nghĩa và mục đích chính của biển báo treo trên giá long môn là gì ? Cần phân biệt các kiểu biển báo chỉ dùng để cắm lề đường và một số kiểu biển báo có thể được lựa chọn để bố trí treo trên giá long môn là những biển báo nào?
- Nguyên tắc lựa chọn và xác định các vị trí thiết yếu trên đường cần phải hoặc nên bố trí giá long môn, cũng như các quy định về mũi tên chỉ hướng, kiểu chữ và lượng thông tin ghi trên biển báo treo trên giá long môn như thế nào là hợp lý?
Chính vì thiếu các quy định và chỉ dẫn cụ thể về biển báo trên giá long môn, cho nên việc lựa chọn vị trí lắp đặt các giá long môn và việc lựa chọn các kiểu biển báo để treo trên trên giá long môn tại tất cả 6 tuyến đường Ô-tô cao tốc hiện nay ở nước ta đều khác nhau, mang tính tùy tiện, mà không tuân theo một quy định chung có tính thống nhất nào. Còn trên một số tuyến đường bộ có cấp hạng kỹ thuật cao với 4 làn xe như QL5, QL14C (Đà Nẵng), QL1A, QL18 hoặc đường Vành đai 2 nối trung tâm Hà Nội với sân bay Quốc tế Nội Bài, … việc bố trí biển báo trên giá long môn cũng rất tùy tiện, chủ yếu treo các biển chỉ dẫn để nhắc nhở xe chạy theo làn phù hợp với sơ đồ tổ chức giao thông phù hợp với giao thông đô thị (phân làn theo loại phương tiện : xe con chạy làn trong, xe tải và xe máy chạy làn ngoài). Trong khi đó, sơ đồ phân làn tổ chức giao thông trên đường cao tốc và đường quốc lộ cấp cao, về nguyên tắc, phải là xe chạy tốc độ cao chạy làn trong, còn xe chạy tốc độ chậm chạy làn ngoài. Tức là phân làn theo tốc độ xe chạy chứ không phân làn theo loại phương tiện. Vì vậy, nhất thiết phải lập lại trất tự việc treo biển báo trên giá long môn trên cơ sở đề ra các quy định và chỉ dẫn về vị trí cần phỉa bố trí giá long môn và lựa chọn kiểu biển báo nào để treo trên giá long môn nhằm kiểm soát và quản lý làn xe.
Hình 2. Hiện trạng biển báo treo trên giá long môn chưa thống nhất trên các tuyến đường
3. Góp ý về bố cục nội dung cho Quy chuẩn sửa đổi QC xxx-2015/ BGTVT
Để khắc phục những thiếu sót của QC41-2012/ BGTVT, xin đề xuất chỉnh sửa bố cục nội dung của dự thảo Quy chuẩn sửa đổi QC xxx – 2015/ BGTVT gồm 15 chương, theo hướng bổ sung 07 chương mới để trở thành Quy chuẩn 22 Chương (Trong đó, các Chương đề nghị bổ sung in nghiêng đậm) như sau:
Chương I- Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu
Chương II- Hiệu lệnh điều khiển giao thông
Chương III- Biển báo hiệu
Chương IV- Biển báo cấm
Chương V- Biển báo nguy hiểm và cảnh báo
Chương VI- Biển hiệu lệnh
Chương VII- Biển chỉ dẫn trên đường Ô-tô không phải đường cao tốc (nên giữ nguyên tiêu đề cũ : Biển chỉ dẫn). Sau đó trong Điều 38 sẽ giải thích rõ là áp dụng cho đường bộ thông thường.
Chương VIII- Biển phụ, biển viết bằng chữ
Chương IX- Biển báo hiệu trên đường cao tốc
Chương X – Biển báo hiệu trên đường qua đô thị
Chương XI – Biển báo hiệu trên đường GTNT
Chương XII – Biển báo hiệu tại trạm thu phí
Chương XIII – Biển báo hiệu trên đường dành riêng cho xe 2 bánh
Chương XIV – Biển báo hiệu treo trên giá long môn để quản lý làn xe
Chương XV - Biển báo hiệu tại các nút giao cắt đồng mức và khác mức
Chương XVI – Biển báo hiệu dùng cho các trường hợp khẩn cấp
Chương XVII- Vạch kẻ đường
Chương XVIII- Cọc tiêu, tường bảo vệ và hàng rào chắn
Chương XVIV - Cột kilômét, Cọc H
Chương XX - Mốc lộ giới
Chương XXI - Báo hiệu cấm đi lại
Chương XXII - Gương cầu lồi và dải phân cách có lan can phòng hộ
Thực chất 7 chương bổ sung (in nghiêng đậm) chính là các quy định và chỉ dẫn quan trọng đáp ứng đòi hỏi của thực tế hiện nay được vận dụng một cách hợp lý để trở thành hình mẫu (sơ đồ chuẩn) cho việc lựa chọn, bố trí và lắp đặt phối hợp các nhóm và kiểu biển báo với nhau cho các trường hợp điển hình thường gặp để đảm bảo tính khoa học và tính thống nhất trên toàn quốc. Trong đó:
- Chương IX- Biển báo hiệu trên đường cao tốc : đã được bổ sung khá đầy đủ về các kiểu biển báo. Tuy nhiên, cần bổ sung về quy định và chỉ dẫn lựa bố trí giá long môn và lựa chọn biển báo phù hợp để treo trên giá long môn.
- Chương X – Biển báo hiệu trên đường qua đô thị : cần được chỉ dẫn và quy định riêng phù hợp với sơ đồ tổ chức giao thông trên đường đô thị Việt Nam, đặc trưng là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đi qua khu dân cư và qua khu vực cần hạn chế tốc độ, đường 1 chiều, đường vành đai, cấm bóp còi, biển báo Camera theo dõi, …
- Chương XI – Biển báo hiệu trên đường GTNT : do tốc độ hạn chế và lưu lượng thấp cho nên biển báo dành cho đường GTNT chỉ yêu cầu các thông tin tối thiểu về hạn chế tải trọng, về hướng đi, chỗ tránh nhau, … để chỉ dẫn mà không đòi hỏi phải đầy đủ được như hệ thống biển báo dùng cho đường bộ Quốc gia về phân loại, cấu tạo, kích thước cũng như các yêu cầu khác về phản quang, về vật liệu,…
- Chương XII – Biển báo hiệu tại trạm thu phí : hiện nay các trạm thu phí ở Việt Nam đã áp dụng các hình thức thu phí bán vé (1 dừng hoặc 2 dừng) và thu phí tự động (không dừng). Trong đó, tại các trạm thu phí cũng có thể vừa bố trí các cổng thu phí bán vé, vừa bố trí các cổng thu phí tự động để các phương tiện lựa chọn. Vì vậy, để thích nghi với hình loại thu phí này, cần nghiên cứu bổ sung đầy đủ các kiểu biển báo liên quan đến Nhóm biển báo tại trạm thu phí.
- Chương XIII – Biển báo hiệu trên đường dành riêng cho xe 2 bánh : trong thời gian tới tại Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn khác, để góp phần chống ùn tắc giao thông đô thị sẽ cần đến biện pháp chia sẻ lưu lượng dòng xe 2 bánh hiện đang lên tới 45 triệu xe, bằng việc thiết kế và xây dựng các tuyến dành riêng cho xe 2 bánh. Hệ thống này về cơ bản rất đơn giản, không đòi hỏi đầy đủ và quy mô như hệ thống biển báo dành cho đường Ô-tô. Đây là nét đặc trưng cho GT Việt Nam.
- Chương XIV – Biển báo hiệu treo trên giá long môn để quản lý làn xe : do thiếu quy định và chỉ dẫn cụ thể cho nên tình trạng bố trí vị trí giá long môn và lựa chọn biển báo treo trên giá long môn trên các tuyến cao tốc và đường bộ 4 làn xe ở Việt Nam rất tùy tiện, không phát huy hiệu quả. Do vậy, cần có chỉ dẫn và quy định thống nhất toàn quốc về vấn đề biển báo trên giá long môn này.
- Chương XV - Biển báo hiệu tại các nút giao cắt đồng mức và khác mức : do thiếu quy định và chỉ dẫn cụ thể cho nên tình trạng bố trí vị trí cắm biển báo và lựa chọn biển báo tại các nút giao thông khác mức trên các tuyến cao tốc và các nút cùng mức trên đường bộ ở Việt Nam rất tùy tiện, không phát huy hiệu quả, thậm chí bị lạc đường do thiếu thông tin. Vì vậy cần bổ sung đầy đủ các quy định và chỉ dẫn tại các nút, đảm bảo mọi người đi bất cứ đâu trên mạng đường bộ Việt Nam đều không bị lạc đường và yên tâm, thuận lợi khi tham gia giao thông.
- Chương XVI – Biển báo hiệu dùng cho các trường hợp khẩn cấp : áp dụng cho các cơ quan chức năng (như công an, cảnh sát giao thông, đơn vị quản lý đường bộ, …) trong các trường hợp cần có sự điều chỉnh giao thông đột xuất hoặc tạm thời trong một thời gian để khắc phục các sự cố xảy ra trên đường do sự cố cầu đường, do TNGT hoặc do các biến cố khác.
Tóm lại, nếu các Chương XII đến XVI mà được biên soạn bổ sung, khi đó mới có thêm quy định để khắc phục các yếu kém hiện nay về tình trạng biển báo.
4. Góp ý chi tiết từng chương của Quy chuẩn sửa đổi QC xxx-2015/ BGTVT
4.1 Góp ý cho Chương I - Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu, với các nội dung góp ý xem xét bổ sung như sau:
- Một chương mà chỉ có quy định có mỗi một Điều 4 là sơ sài và không hợp lý
- Kiến nghị thay tiêu đề Chương I là Quy định chung về biển báo hiệu và bổ sung một số điều trong chương.
- Kiến nghị bổ sung một số nội dung quy định trong Chương I, ví dụ như:
Điều 1 : Mục đích, ý nghĩa của biển báo hiệu giao thông
Điều 2 : Nguyên tắc lựa chọn, bố trí và lắp đặt biển báo giao thông
Điều 3 : Trách nhiệm trong việc xây dựng và quản lý bảo trì biển báo
Điều 4 : Quy định thống nhất về biểu tượng hình vẽ và chữ viết trên biển báo
Điều 5 : Quy định thống nhất về các kiểu và kết cấu cột dùng để treo biển báo (kèm sơ đồ hình vẽ)
Điều 6 : Thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu và của các nhóm biển báo.
Trong đó:
Nhóm biển báo cấm và biển hiệu lệnh : phải được quy định rõ là nhóm có tính pháp lý cao nhất trong hệ thống biển báo hiệu đường bộ. Gặp nhóm biển báo này, tất cả người tham gia giao thông và phương tiện đều phải bắt buộc tuân thủ.
Nhóm biển báo nguy hiểm: chỉ có ý nghĩa cung cấp thông tin về tình trạng cầu đường phía trước để người lái đề phòng, không có tính bắt buộc.
Nhóm biển báo chỉ dẫn và biển phụ : có ý nghĩa cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông về điểm đến, hướng đến, khoảng cách, nơi có dịch vụ, các điểm hấp dẫn cần lưu ý, địa hình, … để người tham gia giao thông tự nguyện lựa chọn, không có tính bắt buộc và cũng sẽ không bị xử lý hành chính
Các đề nghị này hoàn toàn phù hợp với các quy định nêu ở Điều 14.
4.2 Góp ý cho Chương II : Hiệu lệnh điều khiển giao thông
- Điều 6.2 : cần kèm theo sơ đồ hình vẽ hoặc nêu trong Phụ lục
- Điều 9 : cần kèm theo sơ đồ hình vẽ hoặc nêu trong Phụ lục
- Điều 16.1 - Chữ viêt trên biển : cần quy định chặt chẽ hơn về yêu cầu kích cỡ chữ, kiểu chữ, số lượng chữ tối đa và cự ly đọc được chữ, lập thành bảng để dễ tra cứu áp dụng. Bởi vì thực tế cho thấy tình trạng lạm dụng kiểu chữ nén viết trên biển báo với số lượng nhiều, chữ nhỏ, cách 20 m không đọc được.
- Điều 20 – Giá long môn và cột cần vươn : cần kèm theo sơ đồ hình vẽ hoặc nêu trong Phụ lục. Đồng thời cần bổ sung các quy định về lựa chọn vị trí bố trí, lựa chọn các nhóm và kiểu biển báo phù hợp.
- Điều 21 - Độ cao đặt biển và ghép biển : nên bổ sung quy định về mật độ bố trí biển báo trên một đoạn đường hoặc tại một vị trí, đồng thời cần quy định cự ly gián cách tối thiểu giữa các cột biển báo.
4.3 Góp ý cho Chương VI : Biển hiệu lệnh
- Điều 35 nêu ý nghĩa các biển hiệu lệnh từ 301-310, nay theo dự thảo sửa đổi, lại bổ sung một loạt các biển chỉ dẫn 403, 404, 411, 412, 413, 415, 420 và 421 vào nhóm biển hiệu lệnh là có phần lộn xộn, không phù hợp. Tuy vậy, trong trường hợp nếu muốn tạo ra các biển hiệu lệnh dùng chung biểu tượng của các biển chỉ dẫn có ký hiệu 403, 404, 411, 412, 413, 415 để bắt buộc phân làn theo loại phương tiện thì trước hết phải sử dụng biển báo có dạng hình tròn và phông màu xanh, kèm theo các ký hiệu mới có số 3 ở đầu phù hợp với quy định ở Điều 14.2 (xem Hình 3).
Chuyển đổi thành biển hiệu lệnh số 311 - 317
Hình 3. Các kiểu biển chỉ dẫn và biển hiệu lệnh dùng chung biểu tượng để chỉ dẫn phân làn xe tùy theo yêu cầu cụ thể của phương án tổ chức giao thông
Tuy nhiên, trong thực tế phân làn xe, tùy theo sơ đồ tổ chức giao thông trong đô thị hay trên đường cao tốc hay Quốc lộ, mà có thể tổ chức phân làn xe theo loại phương tiện hay theo tốc độ xe chạy. Vì vậy, kiến nghị không nên quy định cứng như Điều 35 chuyển các biển chỉ dẫn nói trên sang thành biển hiệu lệnh, bởi vì phân làn theo loại xe chỉ có ý nghĩa nhất định trên từng đoạn đường trong đô thị. Quy định phân làn theo loại phương tiện như kiểu này sẽ bị phá vỡ tại các nút giao cắt cùng mức khi có sự xáo trộn dòng xe để các loại xe khác nhau được phép đi vào các làn của nhau để rẽ phải hoặc rẽ trái. Vì vậy, kiến nghị nên sửa lại Điều 35 để trả lại các biển báo có ký hiệu 403, 404, 411, 412, 413, 415 trở về nhóm biển chỉ dẫn nêu tại Điều 39 thuộc Chương VII.
- Riêng đối với 2 kiểu biển chỉ dẫn số 420 – Bắt đầu vào khu đông dân cư và biển số 421 - hết khu đông dân cư, do bắt buộc tất cả các loại xe đều phải giảm tốc độ khi gặp kiểu biển này, cho nên cần chuyển vĩnh viễn biển chỉ dẫn 420 và 421 sang thành biển hiệu lệnh, dạng tròn, ký hiệu 311 và 312. Đồng thời nên bố trí chúng đi kèm biển phụ số 501 - Phạm vi tác dụng của biển (Xem Hình 4)
Hình 4. Kiến nghị chuyển đổi biển chỉ dẫn 420 và 421 sang thành biển hiệu lệnh 311 và 312
4.5 Góp ý cho Chương VII - Biển chỉ dẫn trên đường Ô-tô không phải là đường cao tốc :
- Tiêu đề chương VII diễn đạt rườm rà, máy móc. Nên thay và trả lại bằng tiêu đề cũ Chương VII là Biển chỉ dẫn. Sau đó giải thích rõ ở Điều 38 là áp dụng cho đường Ô-tô thông thường.
- Đề nghị trả lại các biển chỉ dẫn 403, 404, 411, 412, 413, 415 về với Điều 39 với đúng ý nghĩa chỉ dẫn mang tính định hướng, không có tính bắt buộc vì phạm vi tác dụng của sơ đồ tổ chức giao thông phân làn theo biển chỉ có tác dụng tạm thời trên từng đoạn và hết tác dụng tại đoạn trộn dòng trước nút.
4.6 Góp ý cho Chương IX - Biển báo hiệu trên đường cao tốc
Ngoài các quy định đã nêu từ Điều 48 đến 53 trong dự thảo, cần thiết phải bổ sung các Điều từ 54-58 để chỉ dẫn các sơ đồ lựa chọn, bố trí và lắp đặt biển báo cho các tình huống cơ bản thường gặp trên đường cao tốc như sau :
• Điều 54 (bổ sung) : quy định biển báo hiệu tại vị trí bắt đầu vào đường cao tốc, cần thống nhất toàn quốc việc lựa chọn và đặt tối đa 3 kiểu biển báo, đó là:
- Biển số 452 : bắt đầu vào đường cao tốc
- Biển số 465 : địa điểm và khoảng cách
- Ngoài ra, có thể lựa chọn đặt thêm tối đa 01 biển chỉ dẫn nữa, hoặc là biển số 451 (báo hiệu nút phía trước) hoặc biển 461a báo hiệu điểm đến quan trọng (như sân bay, bến cảng, …). Xem chỉ dẫn ví dụ nêu trên Hình 5.
a) Hiện trạng treo biển tùy tiện tại nơi bắt đầu vào ĐCT;
b) Treo biển theo quy định thống nhất tại nơi vào ĐCT
Hình 5. Đề xuất quy định thống nhất toàn quốc về lựa chọn và treo biển báo tại vị trí bắt đầu vào Đường cao tốc phù hợp với chỉ dẫn ở Điều 54 (bổ sung mới theo đề nghị của tác giả, 9/ 2015)
• Điều 55 (bổ sung ) : quy định bố trí biển báo hiệu trên đường thẳng (không có lối rẽ) nếu không có gì đặc biệt thì cứ 10 km phải bố trí 01 giá long môn, nên lựa chọn đặt 2-3 kiểu biển chỉ dẫn với các phương án, đó là :
- Biển số 455 chỉ dẫn khoảng cách đến các lối ra tiếp theo (nếu có)
- Biển số 461 chỉ dẫn khoảng cách và hướng đến khu dịch vụ công cộng, giải trí.
- Biển số 464 chỉ dẫn địa điểm và phương hướng dùng để chỉ dẫn địa danh nơi đến và mũi trên cho một làn xe chạy cụ thể, bao gồm tên địa danh nơi đến và mũi tên chỉ xuống làn xe chạy
• Điều 56 (bổ sung) : quy định bố trí biển báo trước lối ra một chiều (cách 150m-200m), có thể lựa chọn 2 phương án, hoặc là đặt 01 kiểu biển báo số 466 hoặc đặt 02 kiểu biển báo số 464 và 459b. Trong đó:
- Bố trí biển số 466 chỉ dẫn sơ đồ lối ra một chiều tại tất cả các nút giao trên đường cao tốc, hoặc
- Làn trong cùng : bố trí biển số 464 chỉ dẫn địa điểm và phương hướng dùng để chỉ dẫn địa danh nơi đến và mũi trên cho một làn xe chạy cụ thể, bao gồm tên địa danh nơi đến và mũi tên chỉ xuống làn xe chạy
- Làn ngoài cùng : bố trí biển số 466 chỉ dẫn sơ đồ lối ra một chiều tại tất cả các nút giao trên đường cao tốc. Sơ đồ bố trí biển báo chỉ dẫn sơ đồ tại lối ra một chiều được thể hiện ở Hình 6.
a) Biển báo bố trí tùy tiện như hiện nay;
b) Đề xuất bố trí biển báo theo quy định thống nhất toàn quốc
Hình 6. Đề xuất quy định thống nhất toàn quốc về bố trí biển báo chỉ dẫn sơ đồ lối ra một chiều
• Điều 57 (bổ sung): quy định bố trí biển báo ngay tại vị trí lối ra một chiều (biển báo để nhắc lại) tại các nút tách của đường cao tốc. Khi đó sử dụng loại giá chữ T để bố trí lắp đặt kiểu biển báo số 454 chỉ dẫn lối ra và biển báo số 464 để chỉ hướng đường và địa điểm tới cho lối tiếp tục đi thẳng. Xem sơ đồ chỉ dẫn trên Hình 7.
Hình 7. Đề xuất quy định thống nhất toàn quốc về bố trí biển báo nhắc lại dạng chữ T tại lối ra 1 chiều
• Điều 58 (bổ sung) : quy định tại vị trí nút ra (kết thúc đường cao tốc), có thể lựa chọn phương án đặt 03 kiểu biển báo như sau:
- Biển số 453b báo hiệu kết thúc đường cao tốc;
- Kèm theo các biển số 454, 464, … để chỉ dẫn hướng đường đi tiếp sau khi ra khỏi đường cao tốc.
Hình 8. Đề xuất sơ đồ bố trí biển báo tại điểm kết thúc đường cao tốc
4.7 Góp ý cho Chương X (tức Chương XVII bổ sung) - Vạch kẻ đường:
Theo dự thảo Quy chuẩn sửa đổi QC xxx -2015/ BGTVT nội dung Chương X chỉ có 4 điều từ Điều 52 đến Điều 55. Nói chung, với quy định như vậy là sơ sài, chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ thực tế yêu cầu. Vì vậy, ngoài các quy định đã nêu trong dự thảo và tại Phụ lục G, xin kiến nghị bổ sung các Điều khoản và hình vẽ quy định liên quan đến các vạch sơn trong các trường hợp sau đây:
- Điều 56 (bổ sung) : Sơn kẻ vạch mặt đường tại khu vực đảo tròn và đảo dẫn hướng;
- Điều 57 (bổ sung) : Sơn kẻ vạch tại những đoạn chuyển làn và chờ rẽ trái;
- Điều 58 (bổ sung) : Sơn gờ giảm tốc
4 Kết luận và kiến nghị:
Để góp phần nâng cấp và thực sự tạo ra sự đột phá về nội dung biên soạn Quy chuẩn QC xxx – 2015/ BGTVT nhằm đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của thực tế công tác ATGT đường bộ, đồng thời để có thể phổ biến rộng rãi cho các đơn vị tư vấn, nhà thầu và các đơn vị quản lý đường bộ nhằm chủ động khắc phục được những thiếu sót trong việc bố trí, lắp đặt biển báo trên các tuyến đường bộ, cho nên việc bổ sung và chỉnh sửa dự thảo QC xxx 2015-BGTVT sửa đổi là hết sức cần thiết và cấp bách, trên cơ sở cần đạt được các tiêu chí, đó là : kế tục, đổi mới, khoa học, thực tiễn, hiệu quả và phù hợp thông lệ Quốc tế. Tiếc rằng, những lần chỉnh sửa đã qua và bản dự thảo QC xxx 2015-BGTVT sửa đổi lần 4 (ngày 30/8/2015), mặc dù đã có những cố gắng để bổ sung sửa đổi nhất định, nhưng do chưa rà soát hết toàn bộ những vấn đề bức xúc của thực tế biển báo thời gian qua, chưa tìm cách vận dụng các quy định về biển báo Quốc tế vào điều kiện Việt Nam, cho nên vẫn còn những khoảng trống, chưa thực sự đạt được sự đột phá cần thiết và hợp lý để có thể đáp ứng được nhưng yêu cầu của thực tế về công tác ATGT tại Việt Nam.
Do đó hy vọng rằng, bản dự thảo QC xxx – 2015/ BGTVT sửa đổi lần 5 sẽ tiếp thu các phát hiện và các ý kiến góp ý từ Hội nghị Khoa học về ATGT 2015 này để chỉnh sửa bố cục của Quy chuẩn và bổ sung nội dung các quy định, các chỉ dẫn để dự thảo Quy chuẩn được hoàn thiện, đầy đủ và đạt được tính chuẩn mực cao hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Hội KHKT Cầu đường Việt Nam: Nhận xét góp ý cho dự thảo chỉnh sửa Quy chuẩn Quốc gia về báo hiệu đường bộ (QC 41/ 2012-BGTVT) và dự thảo quy định tạm thời chỉ dẫn bố trí, lắp đặt biển báo trên đường cao tốc, Hà Nội, tháng 6/ 2015
2. FHWA: Manual on Uniform Traffic Control Devices for Streets and Highways; PDF version of the 2009 MUTCD with Revision Numbers 1 and 2 incorporated, dated May 2012 is the official current edition.
3. Doãn Minh Tâm: Thẩm tra ATGT đường bộ - Bài giảng dành cho các khóa đào đạo Thẩm tra viên ATGT của ngành GTVT, Hà Nội, 6/ 2014.