Hà Nội "chơi sang" làm hầm vượt sông giãn dân phố cổ

2013/12/22 20:44 - Thái An (tổng hợp)

Hết dự định làm đường cao tốc phục vụ dân Hà Nội đi lễ chùa, xây nhà vệ sinh 'dát vàng' tiền tỷ, lại có ý kiến Hà Nội làm hầm vượt qua sông Hồng để giãn dân phố cổ.

Làm hầm vượt sông Hồng đề giãn dân phố cổ?
 
Trong báo cáo thẩm định đồ án quy hoạch giao thông Thủ đô Hà Nội do Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ, Hà Nội sẽ làm 15 cầu và một hầm vượt sông Hồng. Trong đó có tám cầu vượt sông Đuống, ba cầu vượt sông Đà và các cầu vượt sông Đáy. 
 
Như vậy nếu tính cả những cầu đang nằm trong dự án, Hà Nội sẽ có hơn 20 cây cầu bắc qua sông Hồng. 
 
Cùng 15 cầu đang chờ báo cáo thẩm định, hiện tại Hà Nội đang có khoảng 10 cây cầu gồm: cầu Nhật Tân, Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù (dự án đường 5 kéo dài), cầu Phù Đổng 2, cầu Vĩnh Thịnh và cả cầu Long Biên mới đang nằm trong dự án. 
 
Việc xây dựng hầm vượt sông Hồng cần được xem xét thận trọng
 
Từ năm 2010 khi bàn về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết: Hà Nội có thể xây dựng đường hầm vượt sông Hồng nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy để giải quyết nhu cầu giao thông đường bộ.
 
Theo phương án đề xuất của chủ đầu tư, hầm vượt sông Hồng có chiều dài khoảng 3km tính cả đường nối hai bờ (trong đó chiều dài vượt sông khoảng 1km), 4 làn xe, rộng khoảng 18 – 20m. Vị trí dự kiến xây dựng tại cuối đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (gần Bến xe Lương Yên), vượt sông Hồng, kết nối với mạng lưới giao thông phía quận Long Biên. 
 
Tuy nhiên, đã có 13 ý kiến của các đại biểu các quận, huyện bày tỏ băn khoăn. 
 
Theo kiến trúc sư Trần Thanh Vân, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch (Bộ Xây dựng), khoảng cách giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy là khá gần (khoảng 2,5 km). Do vậy việc xây dựng hầm đường bộ ở vị trí nằm giữa hai cây cầu này là chưa hợp lý, chưa kể cầu Thanh Trì cũng nằm gần đó.
 
Bà Vân cho rằng, đường Trần Hưng Đạo hiện nay chỉ là đường giao thông nội đô lưu lượng giao thông qua đây không nhiều, chỉ có những phương tiện giao thông công cộng và cá nhân loại nhỏ di chuyển.
 
Theo các tác giả của bản quy hoạch giao thông, đường hầm vượt sông Hồng sẽ gián tiếp tạo động lực để người dân sống trong khu phố cổ hiện nay sang phía Bắc sông Hồng sinh sống (ước tính khoảng 700.000 dân. Nhưng Kiến trúc sư Trần Thanh Vân cho rằng, xây hầm đường bộ để giãn dân là không cần thiết. 
 
Xây 14 nhà vệ sinh 'dát vàng'
 
Cuối tháng 10 vừa qua,  Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi đã ký quyết định đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí lấy từ tiền ngân sách của thành phố.
 
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng. Trong đó có 10 nhà vệ sinh 2 buồng và 4 nhà vệ sinh loại 4 buồng. Thời gian thực hiện trong 2 năm từ cuối năm 2013 đến năm 2014.
 
Trong khi đó, báo giá của Ban quản lý chỉnh trang đô thị trình lên thành phố cho hay: nhà vệ sinh 4 buồng bằng thép kích thước 2,2 x 7,5 x 3 mét, diện tích lắp đặt 22 m2, có bể nước, bể xử lý chất thải, chậu rửa, gương, vòi xịt, đèn chiếu sáng, tủ điều khiển.... với giá 1,050 tỷ đồng, chưa có thuế VAT. Loại nhà vệ sinh 2 buồng cũng được báo giá 675 triệu đồng.
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Ban quản lý chỉnh trang đô thị nhấn mạnh chủ trương này là cấp thiết, là đáp ứng nhu cầu, là làm đẹp cho thành phố. Ông Cường còn rất mạnh miệng tuyên bố đây là mức giá thấp nhất, tiết kiệm nhất.
 
Ông Phan Đăng Long - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, trong thời buổi trượt giá như hiện nay thì con số đó không phải là nhiều.
 
Trước ý kiến của dư luận cho rằng đầu tư hơn 1 tỷ cho 1 nhà vệ sinh công cộng là quá lãng phí, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã có ý kiến chỉ đạo việc xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng cần đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, công khai, minh bạch và tiết kiệm, tránh lãng phí.
 
4.300 tỷ xây đường Bái Đính - Mỹ Đình cho dân HN đi chùa
 
Trước đó, Thủ tướng đã đồng tình với việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ Mỹ Đình tới Bái Đính và giao UBND các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải bàn về cơ chế vốn. 
 
Dự án đường cao tốc Mỹ Đình-Bái Đính do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, có chiều dài 91,5 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ôtô cấp 2 với 4 làn xe, tốc độ tối đa 100 km/h.
 
Theo thiết kế, tuyến đường có điểm đầu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội), điểm cuối kết nối với cầu Trường Yên, khu vực Bái Đính (thuộc xã An Sinh, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
 
Chủ đầu tư Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã đưa ra 3 phương án để xây dựng trục đường tâm linh Mỹ Đình – Bái Đính với mức kinh phí có thể lên tới 4.300 tỷ đồng.
 
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: "Đây là một dự án rất cần thiết sẽ đáp ứng nhu cầu du lịch, tâm linh của 6,5 triệu dân Hà Nội. 
 
Bên cạnh đó dự án chỉ là nối liền 3 dự án đã có sẵn. Do vậy, sẽ phát huy hiệu quả vốn đầu tư, chi phí thấp, vậy lý do gì mà chúng ta lại không làm?"
 
Tuy nhiên, chủ trương này cũng vấp phải sự phản đối của các chuyên gia. Theo nhận định, việc xây dựng dự án đang có sự chồng chéo, lãng phí thừa thãi khi các tuyến đường hiện có đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
 
Cụ thể, đó là tuyến đường sắt, tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, thậm chí cả đường cao tốc Bắc Nam đã và đang hình thành đều hướng tới Bái Đính. 


GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...