Nếu chấm chặt, còn nhiều nhà thầu bị loại
Nếu chấm điểm chặt tay hơn, tỷ lệ nhà thầu giao thông xây lắp bị liệt vào loại chưa đáp ứng được yêu cầu trong năm 2013 sẽ không dừng lại ở con số 12%.
Đó là khẳng định của một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, đơn vị được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao chủ trì tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của nhà thầu xây lắp tham gia các dự án xây dựng giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ trưởng BGTVT Đinh La Thăng quyết định đầu tư trong năm 2013.
Theo kết quả đánh giá vừa được công bố, trong tổng số 475 nhà thầu được “thăm khám sức khoẻ” trong đợt này, có 383 nhà thầu đáp ứng được yêu cầu (đạt 80,63%); 35 nhà thầu xây lắp trung bình (7,37%); 57 nhà thầu bị liệt vào loại chưa đáp ứng được yêu cầu (12%).
Nếu so với đợt đánh giá đầu tiên được thực hiện vào năm 2012 (có 351 nhà thầu được đánh giá), tỷ lệ nhà thầu đạt yêu cầu tăng 0,63%, trong khi số lượng nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu lại giảm 3%.
Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, các tiêu chí đánh giá nhà thầu xây lắp mà Bộ GTVT đưa ra đều dựa trên những diễn biến thực tế công trường, bao gồm: huy động tài chính, máy móc thực tế; khả năng đáp ứng yêu cầu tiến độ tổng thể và chi tiết; yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động; giải quyết các thủ tục thanh toán, nghiệm thu; thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình.
“Dựa vào bộ 5 tiêu chí trên, các chủ đầu tư tự “soi” lại việc thực hiện của các nhà thầu, sau đó gửi kết quả để Bộ GTVT công bố”, ông Sanh cho biết.
Theo hướng dẫn của Bộ GTVT, nhà thầu được coi là dính “lỗi” đối với 1 tiêu chí nào đó, khi không đáp ứng được yêu cầu công việc đối với tiêu chí đó sau khi chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã 3 lần phát văn bản nhắc nhở. Nặng hơn, “vi phạm” là các lỗi đã bị nhắc nhở, nhưng không được nhà thầu khắc phục hoặc khắc phục không triệt để, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng và tiến độ công trình.
Vẫn theo lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, mặc dù nhiều chủ đầu tư chưa kịp gửi báo cáo, nhưng tình hình “sức khỏe” của các nhà thầu trong ngành đã được phản ánh tương đối chân thực.
Điều đáng báo động là, trong danh sách báo động đỏ, có khá nhiều nhà thầu quốc tế đang nhận thầu các dự án giao thông quy mô vốn lớn, như Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (thi công Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh Hà Đông); Công ty Xây dựng Quảng Tây; Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc; Keangnam, Posco (Hàn Quốc) thi công Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; Hanshin (Hàn Quốc) thi công Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ban quản lý dự án cho rằng, nếu các chủ đầu tư đồng lòng chấm “chặt tay” hơn, thì danh sách nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu trong ngành GTVT năm 2013 sẽ còn dài hơn nữa.
Nhận định trên là có cơ sở, bởi có tới hơn 50 nhà thầu đạt yêu cầu chỉ thi công có 1 gói thầu quy mô dưới 100 tỷ đồng và do các sở GTVT địa phương chấm.
Bên cạnh đó, dù lọt qua các vòng tuyển chọn đấu thầu với những tiêu chí khá rõ ràng, nhưng hầu hết nhà thầu nội có năng lực tài chính rất kém, hoạt động chủ yếu bằng vốn tạm ứng của chủ đầu tư. Công tác kiểm soát chất lượng yếu, tổ chức thi công luộm thuộm, thường xuyên để mất an toàn lao động.
Được biết, kết quả đánh giá thực hiện của nhà thầu xây lắp là một trong các thông tin để tham khảo, xem xét trong quá trình lựa chọn nhà thầu xây lắp đối với các dự án đầu tư. “Đối với các nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng chưa đến mức phải chấm dứt hợp đồng, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải có biện pháp xử lý nhà thầu theo thẩm quyền để khắc phục kịp thời, không làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ gói thầu, dự án”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết.