Nhiều dự án cầu đường đang “chết dở”: Cần có “nhạc trưởng”
TS Nguyễn Ngọc Long - Phó chủ tịch thường trực Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, nguyên chánh văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước các công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) - cho biết như vậy khi nói về tình trạng các dự án cầu đường hầu hết lâm vào cảnh chậm giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ông Long cho biết: “Việc chậm GPMB hiện nay có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng tác hại của việc này thì rất rõ ràng. Những điều này dẫn đến cả vấn đề kỹ thuật, chất lượng dự án cũng như tác động không tốt về mặt xã hội.
* Những tác hại của việc chậm GPMB với dự án giao thông là gì, thưa ông?
- Thứ nhất, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án, chậm đưa công trình vào khai thác. Điều này làm giảm hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Không phải ngẫu nhiên mà có người bảo dự án làm ba năm xong nhưng chậm thêm ba năm thì trong ba năm chậm này chẳng khác gì quẳng một đống tiền vào đó nhưng không dùng được. Thứ hai, chậm GPMB trong bối cảnh nền kinh tế, giá cả biến động, cơ chế chính sách có nhiều thay đổi thì có nghĩa kinh phí của dự án tăng lên rất nhiều. Cho nên tổng mức đầu tư của một dự án sau khi điều chỉnh vì chậm GPMB thường tăng lên gấp rưỡi, có cái gấp đôi. Ví dụ điển hình là nút giao Thanh Xuân đường Vành đai 3 Hà Nội (đã hoàn thành - PV) chậm GPMB ba năm thì nguyên phần kinh phí GPMB tăng từ hơn 300 tỉ đồng lên hơn 1.000 tỉ đồng.
Thứ ba, chậm mặt bằng thì chủ đầu tư và nhà thầu phải dùng phương pháp có mặt bằng đến đâu làm đến đấy. Với công trình giao thông, tất cả các khâu đều theo quy trình kỹ thuật nhất định. Đặc biệt như thi công trên nền đất yếu thì cần quy trình xử lý cả một đoạn nền đất yếu, nhưng có mặt bằng đến đâu xử lý đến đấy thì đương nhiên không đảm bảo được chất lượng.
Thứ tư, vấn đề xã hội, người dân, người tham gia giao thông nghĩ gì với con đường lúc nào cũng dang dở, cát bụi mù mịt đi lại khó khăn, nhất là những con đường vừa thi công vừa khai thác?
Thứ năm, GPMB chậm thì dễ tìm ra được những thiếu sót của chính sách và triển khai thực hiện. Việc này làm người dân mất niềm tin hoặc dẫn đến việc khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
* Chính phủ đã giao trách nhiệm cho địa phương làm chủ đầu tư tiểu dự án GPMB. Nhưng thời gian qua việc này chưa có nhiều tiến triển, có những dự án chậm GPMB nhưng chưa ai chịu trách nhiệm?
- Từ mấy năm trước, Chính phủ đã quyết định tách GPMB thành tiểu dự án nằm trong dự án xây dựng và đưa về cho địa phương có dự án đi qua làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm việc thực hiện. Vì vậy cần rà soát chế tài với chủ đầu tư tiểu dự án GPMB đã có chưa. Nếu có rồi thì vì sao chưa bao giờ có chủ đầu tư nào chịu chế tài hay trách nhiệm nào khi để dự án chậm trễ thế?
* Thưa ông, vấn đề vướng mắc nhất trong GPMB là gì và cần làm gì để khắc phục, tránh việc nhà thầu đòi bồi thường vì chậm bàn giao mặt bằng như trong dự án cầu Nhật Tân?
- Cái rất phổ biến khi lập phương án đền bù GPMB thời điểm A thì có những đặc điểm rất cụ thể. Nhưng thời điểm lập phương án thì giá đất ở nơi có dự án đó thấp, đến khi triển khai đền bù cho dự án - có khi vài năm sau mới có kinh phí thực hiện - thì giá tăng. Và ở đất nước mình khi chỉ cần có dự án cắm cọc mốc thì đất ở đó lên giá. Từ khi kiểm đếm đến lúc GPMB được cần một quá trình. Nếu thời gian đó kéo quá dài, người dân thấy giá vọt lên và đấu tranh đòi giá mới. Lúc đó, làm lại quy trình thì lại bắt đầu thủ tục từ đầu, chuẩn bị kinh phí mới. Việc lập những khu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất ở cũng nảy sinh vấn đề thiếu tiền để làm hoặc làm mà không phù hợp thì người dân không vào ở.
* Cụ thể là phải phân rõ trách nhiệm cho bộ ngành, địa phương liên quan?
- Chính phủ cần yêu cầu bộ ngành liên quan phải chịu trách nhiệm cụ thể như Bộ Tài nguyên - môi trường chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ về chính sách, Bộ GTVT hoặc các bộ khác có dự án thì được yêu cầu giải quyết vấn đề gì trong triển khai dự án. UBND các tỉnh thành chịu trách nhiệm với tiểu dự án GPMB thì phải chịu trách nhiệm những gì; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư đảm bảo nguồn vốn và cấp vốn thế nào? Phải quy định rõ như thế, chứ để tình trạng dự án vay được vốn vay ODA của nước ngoài rồi nhưng vốn đối ứng để GPMB vẫn không có làm dự án chậm trễ.
Vấn đề này trong cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện phải có nhạc trưởng. Nhạc trưởng thực hiện GPMB thì Chính phủ quy định là các địa phương rồi. Còn nhạc trưởng cơ chế chính sách thì Bộ Tài nguyên - môi trường phải chịu trách nhiệm. Trong nghị định của Chính phủ về vấn đề này, Bộ Tài nguyên - môi trường phải tham mưu trách nhiệm của các bộ ngành liên quan trong GPMB là gì, ai không thực hiện được thì chịu trách nhiệm thế nào? Ví dụ như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư không cung cấp đủ vốn GPMB thì dừng dự án lại chứ không giải thích vì do cái này cái kia.