Tách hạ tầng và vận tải chống độc quyền đường sắt

2014/4/7 11:15 - GTVT

Tổng công ty Đường sắt VN vừa là cơ quan cấp phép đầu tư tư nhân, vừa là cơ quan phân bổ biểu đồ chạy tàu, đồng thời trực tiếp là doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Với cơ chế này rất khó có thể tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp Nhà nước với tư nhân và thị trường kinh doanh đường sắt sẽ bị méo mó, thiếu minh bạch.

Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm tách bạch quản lý hạ tầng và

kinh doanh vận tải mới phát triển được đường sắt

 

Quen ngồi một chỗ… chờ khách hàng đến

 

Đường sắt hiện mới chỉ đáp ứng được 0,8% và mục tiêu đến năm 2020, ngành này đặt ra cũng chỉ đáp ứng được khoảng 3% khối lượng vận tải. Đây là mục tiêu quá khiêm tốn. Tuy nhiên, để thực hiện được, Tổng Công ty Đường sắt VN (TCT ĐSVN) phải đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các ban ngành chức năng sớm phê duyệt Đề án hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam, bố trí đủ vốn cho các dự án từ nay đến năm 2020. Trong đó phải kể tới các dự án: Thay tà vẹt bê tông K1, K2 bằng tà vẹt bê tông dự ứng lực, kéo dài đường ga; Cải tạo cầu yếu, cải tạo các đường cong bán kính R<600m... và nhiều dự án khác với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

 

Mô hình đường sắt tách bạch đang phát huy hiệu quả ở Thụy Điển, Anh Quốc, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc… Tổ chức quản lý hạ tầng tách độc lập hẳn với các tổ chức hoạt động vận tải. Ở Đức, ngay những năm đầu sau cải tổ chi phí đầu tư của nhà nước giảm đáng kể 4,5 tỷ euro /năm xuống còn 3,8 tỷ euro/năm. Cách đây 10 năm, đã có 260 công ty tư nhân ở Đức tham gia vào vận tải đường sắt. Khối lượng vận tải đường sắt tăng đáng kể 20% đối với hành khách và 2,4% đối với hàng hóa.

 

Theo nhiều chuyên gia giao thông, nguyên nhân khiến đường sắt chiếm được thị phần vận tải thấp như vậy bắt nguồn từ sự độc quyền quá lâu. TCT ĐSVN đang quản lý cả kết cấu hạ tầng và kiêm luôn kinh doanh vận tải, bảo trì đường sắt... Ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, đường sắt đã độc quyền quá lâu và quá lớn dẫn đến sự phát triển không được như mong muốn. Muốn chống độc quyền đường sắt, cần tách vận tải và hạ tầng.

 

Còn ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho rằng, TCT ĐSVN vừa là cơ quan cấp phép đầu tư tư nhân, vừa là cơ quan phân bổ biểu đồ chạy tàu, đồng thời trực tiếp là doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Với cơ chế này rất khó có thể tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp Nhà nước với tư nhân và thị trường kinh doanh đường sắt sẽ bị méo mó, thiếu minh bạch. Lợi ích của nhà đầu tư tư nhân chưa được Nhà nước bảo hộ.

 

Trong một cuộc họp mới đây với Đảng ủy TCT ĐSVN, ông Bùi Văn Cường - Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp T.Ư cho biết, hiệu quả sản xuất của TCT ĐSVN không cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu rất thấp chỉ khoảng 0,54%. Trong khi đó tỷ suất lợi nhuận trung bình của khối doanh nghiệp T.Ư với 32 tập đoàn và tổng công ty, ngân hàng đạt hơn 8,87%. (Đường sắt kém 16 lần so với trung bình cả khối). “Trong khi hàng không, đường bộ không ngừng mở rộng các tuyến đường thì đường sắt lại bị cắt giảm đi. Đường sắt vẫn quen cung cách ngồi một chỗ chờ khách hàng đến nên vận tải đường sắt giá rẻ đã không phát huy được lợi thế” - ông Cường nói.

 

Mời tư nhân vào cuộc

 

Để phát triển được đường sắt, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm tách bạch quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải. Ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, trước tiên phải tách hạ tầng ra khỏi vận tải. Sau đó cần cổ phần hóa các đơn vị vận tải để đảm bảo hoạt động vận tải có sự cạnh tranh minh bạch. Nếu có một hợp đồng rõ ràng giữa đơn vị quản lý hạ tầng và đơn vị kinh doanh vận tải, thì khi xảy ra mất an toàn, cơ quan chức năng dễ dàng xác định ngay được trách nhiệm. Việc xử lý sự cố, tai nạn cũng sẽ được rõ ràng hơn so với trước đây.

 

“Hai công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn cũng cần sớm cổ phần hóa để hình thành thêm những công ty cổ phần khác cung cấp dịch vụ vận tải đường sắt - ông Hùng cho biết.

 

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT cho biết, đường sắt đã có những bước đi ban đầu là thành lập hai công ty vận tải ở hai đầu Bắc, Nam. Nhưng nếu muốn có sự cạnh tranh công bằng và sòng phẳng thì không nên để TCT ĐSVN làm chủ sở hữu hai công ty này.

 

Theo ông Nguyễn Văn Doanh, muốn thu hút đầu tư, cần phải tách bạch sở hữu Nhà nước đối với hạ tầng và sớm đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp. Bước đầu Nhà nước có thể giữ một phần cổ phần ở mức độ hợp lý tùy từng ngành nghề, nhưng về lâu dài phải thoái dần vốn và chuyển hết dịch vụ vận tải cho tư nhân thực hiện. Phải cơ cấu lại các đơn vị thuộc TCT ĐSVN thành TCT quản lý, khai thác và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Nhà nước điều chỉnh hoạt động của tổng công ty này thông qua việc ban hành, bổ sung, sửa đổi các cơ chế chính sách như: Quyền tiếp cận đường sắt, phí sử dụng đường, phí điều hành giao thông... đảm bảo môi trường đầu tư cạnh tranh cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

 

“Các công ty tư nhân tham gia vận tải đường sắt sẽ được cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp Nhà nước. Ví dụ, nếu nhiều công ty cùng đăng ký một giờ chạy có lợi thế thương mại, nguyên tắc lựa chọn sẽ là đấu giá chứ không phải chỉ định. Thị trường cạnh tranh sẽ tạo áp lực buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng, hạ giá thành vận tải và người dân sẽ được hưởng lợi” - ông Doanh nói.



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...