Tập trung đổi mới bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt

2014/3/11 11:56 - GTVT

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp về công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, sáng 10/3.

Bộ trưởng yêu cầu TCT Đường sắt VN khẩn trương hiện đại hóa công tác bảo trì kết cấu hạ tầng

 

Tại cuộc họp, các cục, vụ chức năng của Bộ và Tổng công ty Đường sắt VN (TCT ĐSVN) đã báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt trong những năm qua và kế hoạch năm 2014.

Theo ý kiến của các cục, vụ, hiện nay công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt có nhiều bất cập như: định mức chi phí đường sắt (định mức vật tư, định mức nhân công…) đã lạc hậu, quy trình xây dựng kế hoạch bảo trì chưa đúng, tỷ lệ tiền nhân công và vật liệu chưa hợp lý… Đại diện các cục, vụ và TCT ĐSVN cũng đã đưa ra giải pháp để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tốt hơn.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, trong công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đang tồn tại nhiều bất cập. Vẫn không rõ ràng, tách bạch giữa công tác quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt. Từ không tách bạch như vậy nên không xây dựng được quy trình bảo trì kết cấu đường sắt.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Pháp chế rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả Luật Đường sắt, các nghị định hiện hành, thông tư của Bộ GTVT, Bộ Tài chính để làm sao phải tách bạch được quản lý nhà nước và nhiệm vụ của doanh nghiệp - TCT ĐSVN.

“ Từ đó xác định phân cấp quản lý hiện nay có tồn tại bất cập gì để khắc phục. Rất nhiều người quản lý nhưng cuối cùng lại thành không có ai quản lý nên dẫn đến không hiệu quả” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng yêu cầu phải có văn bản phân cấp quản lý đối với nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, có sự kiểm tra, kiểm soát của nhà nước. Từ phân cấp quản lý thì xác định tổ chức quản lý vốn này như thế nào.

Bộ trưởng giao cho Vụ Kết cấu hạ tầng xây dựng và trong tháng 4/2014 trình Bộ xem xét quy trình bảo trì thường xuyên, sửa chữa lớn, đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất, không để thất thoát lãng phí, không để tiêu cực, tham nhũng xảy ra. Từ quy trình bảo trì kết cấu hạ tầng sẽ phải hạch toán riêng hạ tầng đường sắt với kinh doanh đường sắt.

Bộ trưởng giao Vụ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế quản lý tài chính đối với nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; giao Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định định mức tiền lương; Cục Đường sắt VN xây dựng các định mức đơn giá trong công tác bảo trì kết cấu đường sắt (vật tư, nhiên liệu, máy móc, nhân công…) trong 6 tháng đầu năm 2014 phải xong.

Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường sắt VN xây dựng đề án đổi mới công tác quản lý nhà nước của Cục, tháng 4/2014 trình Bộ xem xét đề án. “Trước mắt, việc đổi mới của Cục Đường sắt là phải chủ động vào cuộc với TCT ĐSVN, cùng tháo gỡ cơ chế, khó khăn vướng mắc...” – Bộ trưởng nói.

Đối với TCT ĐSVN, Bộ trưởng yêu cầu khẩn trương hiện đại hóa công tác bảo trì kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu, rà soát lại toàn bộ hệ thống đường ngang, nghiên cứu có tiếng còi tàu mới… Tổng công ty phải tính toán phân chia tỷ lệ sửa chữa lớn và bảo dưỡng định kỳ hợp lý.

“Trong toàn bộ đổi mới của Tổng công ty Đường sắt VN năm nay, có một nội dung quan trọng là phải đổi mới công tác bảo trì kết cấu đường sắt. Lãnh đạo Tổng công ty cần tăng cường tập trung vào nhiệm vụ này” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu trong năm 2014, TCT Đường sắt VN nâng đường ke ga tại Hà Nội và Tp.HCM; có giải pháp nâng tĩnh không cho cầu Bình Lợi để không cản trở hệ thống giao thông đường thủy...



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...