TEDI và "con số không" bằng vàng
Đơn vị tư vấn đầu đàn của ngành GTVT - Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI), tiền thân là Viện Thiết kế giao thông vừa vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động. Trang sử TEDI đang được viết tiếp bởi một tập thể lớn luôn đồng lòng, gắng sức, dấn thân cùng những cây cầu, tuyến đường, bến cảng trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Tổng giám đốc Phạm Hữu Sơn (thứ ba từ trái qua) và Tiến sỹ KAWAKAMI Masahide - Chủ tịch Công ty Nippon Engineering Consultants (Nhật Bản) tại phòng truyền thống Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT
Một mục tiêu, một khát vọng
Hơn nửa thế kỉ thành công là chặng đường dài đầy tự hào cho lịch sử của một hãng tư vấn.
Tổng Giám đốc Phạm Hữu Sơn - người thứ 8 là Tổng giám đốc của TEDI thừa nhận: Điều đã làm nên TEDI, từ thời Viện trưởng đầu tiên là cụ Trần Văn Cầu đến nay, đó là ý thức trọng danh dự của người tư vấn. Chính vì thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi đứng trước một nhiệm vụ, một dự án lớn, là cả tập thể lãnh đạo và nhân viên đều đồng lòng, gắng sức, không quản khó khăn, gian khổ, cùng nỗ lực để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
Nguyên Tổng Giám đốc TEDI - TS. Nguyễn Ngọc Long - người thứ 6 từng đứng đầu TEDI nói một cách hình ảnh và rất vui là: “Suốt lịch sử của TEDI chúng tôi đạt được Con Số Không Bằng Vàng. Đó là tập thể lãnh đạo và CNVC luôn luôn đoàn kết nhất trí cao, không có vấn đề nổi cộm. Có lẽ vì chúng tôi luôn có chung một mục tiêu và một niềm khát vọng”.
Giáo sư Đào Xuân Lâm, nay đã mất - ông là Viện trưởng/Tổng Giám đốc thứ 5 của TEDI, có lần tâm sự với nhà văn Ma Văn Kháng hơn 10 năm trước đã nói rằng: Nghề Tư vấn là tinh hoa của tri thức, có mức sống trung lưu, có thể toàn tâm toàn ý cho nghề. 40 năm tồn tại, Viện không hề có hiện tượng mất đoàn kết. Dân chủ tập trung, đồng thuận, trên dưới hết lòng với nhau là nét đặc trưng văn hóa của Viện.
Giáo sư Nguyễn Phúc Trí - Viện trưởng thứ 4 của TEDI khi còn mang tên Viện Thiết kế giao thông đánh giá: Thành công to lớn của Viện đạt được là do sự đóng góp có tính kế thừa của nhiều thế hệ cán bộ đã vươn lên trưởng thành trong công việc và nhờ phát huy được sức mạnh của trí tuệ tập thể và các yếu tố mới để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh. Những ai đã từng có thời gian công tác tại TEDI, kể cả những người đã chuyển đi đơn vị khác, đều cảm thấy tự hào đã từng là một thành viên của tổ chức này.
Cầu Pá Uôn (Sơn La) công trình do TEDI thiết kế
Những chấm nhỏ của lịch sử
Theo giáo sư Nguyễn Phúc Trí, nếu tính thêm cả các giai đoạn của các tổ chức tiền thân, thì TEDI đã có một lịch sử hơn 60 năm - quá nửa thế kỉ đầy ắp những sự kiện lịch sử oanh liệt đáng tự hào mà lực lượng khảo sát thiết kế (KSTK) ngành Giao thông đã có những đóng góp xứng đáng.
Giáo sư nhớ lại: “Những ngày đầu tiên có thể nói bắt đầu từ năm 1952, phục vụ cho các chiến dịch cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, một số tuyến đường cần được sửa chữa phục hồi. Chỉ đạo những công việc như vậy là các kỹ sư được đào tạo dưới trường Pháp đi theo kháng chiến, còn lăn lộn ngoài hiện trường là số cán bộ kỹ thuật cao đẳng giao thông mới ra trường ở trong nước và nước ngoài về, thậm chí chưa tốt nghiệp. Cũng phải nói là việc KSTK khôi phục những công trình giao thông quy mô và hoàn chỉnh là những công việc hoàn toàn mới mẻ đối với các cán bộ kỹ thuật của ta lúc bấy giờ vì chưa ai từng làm qua.
Cả cơ quan, ngày làm việc, đêm chong đèn học tập, nên toàn bộ đội ngũ đã trưởng thành rất nhanh. Tác phong làm việc cụ thể, sát với thực địa, sát với thi công cũng được xác lập từ buổi ban đầu ấy. Phong cách làm việc theo chế độ thiết kế tổng thể cũng bắt đầu hình thành, để sau này khi thành lập Viện được xây dựng thành quy chế chính thức”.
Thời kì sôi động cùng đất nước đổi mới, Giáo sư Đào Xuân Lâm trước đây đã từng kể một câu chuyện hết sức đặc biệt về lai lịch cây cầu sông Gianh.
Năm 1990 việc xây cầu sông Gianh được đưa vào kế hoạch của Bộ với phương án TEDI đề xuất có 4 nhịp chính dài 84m bằng kết cấu bê tông ứng suất trước. Song ai cũng rất lo phương án khó thành hiện thực, do kết cấu này đang bế tắc với sự cố sập cầu Rào có nhịp chính 64m, nên bắt đầu tìm hướng hợp tác với nước ngoài.
“Sau nhiều thuyết phục từ các cuộc gặp tranh thủ cả ở Hà Nội và Paris, tôi được cho biết, phía Chính phủ Pháp ban đầu đồng ý trợ giúp 5 triệu franc hỗ trợ thiết kế. Nhưng sau đó người của Bộ Vận tải và thiết bị là ông Pagny sang Hà Nội lại thông báo: Chính phủ Pháp không có chính sách viện trợ cho công trình kết cấu hạ tầng.
Ý thức được dự án cầu Gianh sẽ rất gay go nên tôi đích thân đưa Pagny đi thăm quan Vịnh Hạ Long. Qua thời gian thăm thú và làm việc ngay trên ô tô, thấy Pagny đã hơi thích Việt Nam, thế là khi về Hà Nội tôi nảy ra ý, cử ngay chị em của Viện đi đặt một bộ áo dài Việt Nam, nhờ Pagny mang món quà độc đáo về nịnh cô vợ trẻ. Không ngờ lần gặp sau đó Pagny quá vui, muốn cùng tôi dấn thân vào sự nghiệp cầu Gianh bằng cách cùng nhau lobby để nâng lên 25 triệu franc cho đủ cả thiết kế lẫn vật tư thiết bị đủ làm cầu sông Gianh và chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam”.
Tổng giám đốc Phạm Hữu Sơn nhớ lại những ngày cùng đồng nghiệp biến khao khát làm cầu dây văng trở thành hiện thực ở TEDI, khi việc ứng dụng công nghệ đúc hẫng bê tông dự ứng lực được Tổng công ty đưa gần đến mức hoàn hảo sau các dự án cầu Tạ Khoa, Pá Uôn, Vĩnh Tuy...
TEDI thành công với cầu dây văng Rạch Miễu
“Thiết kế cầu dây văng là lĩnh vực rất phức tạp. Đặc biệt công việc thiết kế đòi hỏi phòng thí nghiệm và thiết bị chuyên dụng rất đắt tiền mà thế giới cũng chỉ những tư vấn lớn, rất giàu có mới đầu tư. Các tư vấn khác khi cần thiết thì đi thuê.
Làm cầu dây văng Rạch Miễu, thí nghiệm hầm gió TEDI phải thuê phòng thí nghiệm của Đại học Đồng Tế - Trung Quốc.
Nhóm các chuyên gia TEDI sang Trung Quốc lần đó gồm các anh: Chu Ngọc Sủng, Phạm Hữu Sơn, Nguyễn Trung Hồng, Bùi Hữu Hưởng và phiên dịch giúp đoàn là chị Cúc. Kinh phí thiết kế rất hạn hẹp, những nội dung thuê thí nghiệm cũng phải rất hạn chế. Với cầu dây văng, nội dung thí nghiệm hầm gió nếu làm toàn bộ sẽ gồm cả dầm, tháp, dây thì rất lớn tiền, đối với cầu lớn có khi chiếm tới trên 10% giá trị xây lắp. TEDI đã lựa chọn chỉ thuê thí nghiệm mặt cắt một đoạn dầm, rồi trên cơ sở kết quả thí nghiệm này tự tính toán lấy những nội dung còn lại bằng mô hình và lý thuyết. Không những vậy, ngay trong thí nghiệm mặt cắt dầm cũng không phải là thuê chuyên gia nước ngoài tất cả. Kết quả nghiệm thu hoàn hảo đó đã giúp lòng tin của các cấp lãnh đạo đối với trình độ công nghệ của TEDI càng được củng cố, để ra các chỉ đạo có tính quyết định đối với đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu”.
Chỉ mất 1/3 kinh phí hạng mục thí nghiệm dầm. Song anh Sơn nhớ lại: “Trong 5 ngày ở Đại học Đồng Tế đó, vì công việc bề bộn, phải cân nhắc những nội dung thuê chuyên gia bạn, bổ sung hoàn thiện những dữ liệu đầu vào cho thí nghiệm, thương thảo hợp đồng.. nên không hôm nào anh em được thư thái, đến ăn uống cũng rất khẩn trương và thường làm việc rất khuya, có hôm thức luôn đến 5h sáng để chuẩn bị cho nội dung làm việc ngày hôm sau.Chưa bao giờ được đi nước ngoài mà lại khổ đến thế”.