BẢN LĨNH NHÀ BÁO
Có lẽ ít có thứ nghề nghiệp của con người mà trong qua trình thực thi lại bộc lộ rõ nhất bản lĩnh và cái tâm của cá nhân như trong nghề viết văn và viết báo. Nhưng nghề văn khác nghề báo ở chỗ bằng vốn sống và sự trải nghiệm của mình nhà văn có thể trở thành “Thư kí thời đại” bằng những hình tượng để đời thông qua sự khái quát nghệ thuật
Chẳng thế mà Mác xen Prút Văn hào Pháp đầu thế kỉ 20 dường như cả đời chỉ gắn mình trên chiếc giường trong phòng ngủ mà vẫn cho ra đời bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” gây xúc động triệu triệu con tim bạn đọc trên toàn thế giới. Còn nhà báo muốn có tác phẩm báo chí xuất sắc thì không thể một giờ tách khỏi cuộc sống, trốn trong tháp ngà riêng tư để sáng tạo.
Tính từ bài báo đầu tiên của tôi đựơc công bố trên Đài TNVN đến nay đã 40 năm và tôi tin nghiệp viết báo, viết văn sẽ đeo đẳng với tôi đến trọn kiếp.
Trong 39 năm làm báo chính thức, tôi cứ tạm chia ra làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất tính từ 1970 đến khoảng những năm đầu của thập kỉ 90 tức là hơn 20 năm. Đây là giai đoạn nền kinh tế cũng như đời sống xã hội nước ta đang trong giai đoạn quản lý bao cấp. Cuộc sống con ngưòi từ điều kiện vật chất đến tư tưởng đều khuôn vào những tiêu chuẩn, những định lượng đã đựơc xếp sẵn. Những ô tem phiếu con con ghi rõ từng bìa đậu, lạng thịt cho mỗi hạng người vô hình chung cũng chia tư tưởng, suy tư con ngưòi thành những ô vuông mà ở đó là sự chấp nhận, tán thành, đồng ý.
Tốc độ cuộc sống chầm chậm theo chu trình xếp hàng. Anh có nhanh hơn, thông minh hơn người khác cũng chẳng thể mang lại điều gì cho cá nhân, gia đình anh. Báo chí thủa đó cũng vậy. Thời gian này mỗi chuyến công tác của tôi ít nhất là năm ngày, còn bình thường là một tuần, mười ngày. Về cơ quan mỗi đợt cũng chỉ trình làng một, hai bài. Nhiều hơn, thêm cái phỏng vấn, mẩu chuyện người tốt việc tốt. Có mấy chuyến tôi đi dài ngày như chuyến đi công tác với đoàn xe quá cảnh của Công Ty vận tải ôtô số 6 ở Đà nẵng, Đông Hà, theo xe sang cả Lào. Chuyến này dư hai tháng. Rồi chuyến đi với tàu Điện Biện 01 của Công ty Vosco dằng dặc 6 tháng lênh đênh trên biển về đài cũng chỉ viết vẻn vẹn một phóng sự, vài ba cái phỏng vấn. Tiếc tài liệu cùng những cảm nhận về cuộc sống sôi động nên tôi xoay ra viết văn. Hàng loạt tiểu thuyết “Quá cảnh”, “Bụi đường” về vận tải ôtô, “Biển toàn là nước” (tác phẩm này nhận giải của TLĐLĐVN và Hội NVVN về đề tài công nhân và người lao động hồi tháng 7/2010) viết về thuỷ thủ viễn dương ra đời vì lẽ đó.
Dạo đó lệ phong bì chưa có. Cơ sở nhất là cơ sở làm hàng tiêu dùng quí nhà báo lắm tặng chút sản phẩm “Nhà trồng được” kiểu như cái liễn, giây bát ở gốm Hưng Hà, chai dầu rán của nhà máy ép dầu Hàm Rồng sau sơ tán lên Yên Định, Thanh Hoá. Cái vỏ chăn ghép không dưới 50 mảnh vải vụn của xí nghiệp bông Hà Nội…
Giai đoạn sau tính từ khi đất nước ta thực hiện chính sách đổi mới trong kinh tế, tư tưởng nhìn chung ít nhiều đổi mới, và nhất là khi cơ chế thị trường được chấp nhận thì đời sống của nước ta bắt đầu tăng tốc trong sự cạnh trang ngày càng khốc liệt. Chiếc áo bốn túi. Đôi dép cạnh tranh nhựa tiền phong đồng loạt của anh cán bộ, công chức thay dần bằng sự trang phục đa dạng bộc lộ cá tính xuất hiện. Các tờ báo bắt đầu có trang quảng cáo và nhà báo cùng hoà trong guồng quay của nhân viên các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước làm quen với chiếc phong bì được tặng mỗi khi dự họp, về cơ sở, địa phương công tác.
Tốc độ báo chí bắt đầu tăng trong sự rượt đuổi thông tin và thời gian đăng tải. Các chuyến công tác cùng bài viết ngắn dần. Các nhà báo diết dóng thực hiện năng xuất và cũng dần xem nhẹ chất lượng, chiều sâu bài viết. Bản lĩnh người làm báo bắt đầu phải huy động để khẳng định trước cơn lốc thị trường. Đội ngũ nhà báo dù có thể thổi thộc ít nhiều nhưng về cơ bản trong thời kì bao cấp đều xếp chung một hàng đồng cam cộng khổ cùng các tiêu chuẩn qui định đến thời cơ chế thị trường đã bắt đầu chia thành nhiều tầng lớp. Đã có không ít nhà báo đánh bẩy ngày không viết nổi một bài đi làm bằng ôtô, xây nhà, mua trang trại nhờ quảng cáo, nhờ biết lợi dụng uy tín, khẩu khí nhà báo. Cũng có không ít nhà báo bị phiền hà thậm chí bị phê bình, cảnh cáo, đi tù vì những bài viết nghịch nhĩ. Chất quyết liệt của báo chí tăng lên, sự sắc sảo của nhà báo đựơc phát huy. Nỗi buồn và niềm vui. Sự tủi hổ và lòng tự hào đối với báo giới đã xuất hiện cài răng lược và gây sự chú ý trong dư luận xã hội.
Trong những năm gần đây đã có không ít sự kiện báo chí điển hình về báo giới trong đợt sóng của thời kinh tế thị trường. Ví như nhà báo Ngô Mai Phong báo Lao động bị đe doạ tính mạng với loạt bài về than tặc ở mỏ mạo Khê.
Mặc dù sau này toàn thể ban giám đốc mỏ này bị kỉ luật nhưng song song với bài viết của Ngô Mai Phong trên Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh lại có bài bênh vực. Một cơ quan bảo vệ pháp luật lại yêu cầu một sĩ quan tuyên truyền viết bài “Nạn ăn cắp ở mỏ than Mạo Khê không nghiêm trọng như báo chí đã nêu” rồi đề nghị đài PTTH và báo Quảng Ninh đăng tải nhưng bị từ chối và báo Tiền Phong đã gửi công văn đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ phóng viên Hà Phan tác giả loạt bài điều tra “Biệt thự bức tử rừng thông” nêu rõ quan chức, doanh nhân có hành vi “bôi trơn” mua bán dự án. Và cũng chính cây bút sắc sảo đầy chất chiến đấu Hà Phan này chỉ non ba tháng sau bị cơ quan an ninh bắt quả tang khi đang nhận hối lộ 220 triệu đồng của Công ty phân xi măng Sài Gòn - Tân Kì.
Tôi đưa ra các sự kiện báo chí nổi bật đó để nói rằng. Trong cơ chế thị trường bản lĩnh nhà báo đang được đưa ra thử thách. Những thái cực giữa một bên là bản lĩnh, lương tâm nghề nghiệp, tính chiến đấu và sự trung thực của nhà báo đối diện với một bên không ít nhà báo sẵn sàng lợi dụng nghề nghiệp để kiếm lợi cho bản thân mình, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút viết sai sự thật để mưu cầu sinh nhai.
Sự thử thách đó ngày càng quyết liệt khi các doanh nghiệp, doanh nhân biết lấy những món lợi vật chất làm mồi nhử, điều khiển một tỉ lệ người làm báo (tôi không muốn dùng từ nhà báo cao quý khi nói về đồng nghiệp đáng xấu hổ này) coi nghề báo như một phương tiện kiếm sống cùng mục tiêu miễn làm sao “có nhiều lợi nhuận sau mỗi sản phẩm báo chí, sau mỗi quan hệ xã hội”.
Những người làm báo đáng trách này cũng rất nhanh chóng nhận ra điểm yếu của những đối tượng xã hội nhất là các doanh nhân ở các thành phần thích lợi dụng khe hở trong quản lý để biến nó thành một cái giá để mặc cả. Sự rền rứ nước đôi trước sự công bố công khai trên báo chí và sự bỏ qua hay nói nhẹ, nói sai lạc, nói khôn khéo để gỡ tội trước các sai lầm, vi phạm của các đối tượng đã tạo ra sự cò kè ngã giá. Một phong bì xứng đáng hay là những trang quảng cáo hời là mục tiêu cuối cùng của những người làm báo nhiều mánh mung theo kiểu này.
Tôi không phản đối việc phóng viên toà báo đi lấy quảng cáo vì 39 năm làm báo tôi chưa bao giờ làm công việc này nên không biết lợi hại cùng những tác động nhiều chiều của việc người làm báo cải thiện cuộc sống của mình bằng hưởng tỉ lệ quảng cáo nhưng không hiểu sao mỗi lần thấy người làm báo hỉ hả khi xin đựơc một trang quảng cáo thì dường như phẩm chất báo giới lại thêm một lần thấp đi, bị xem thường hơn giống như uy tín của thầy giáo ngày này giảm sút trước học sinh vì những giờ ép học thêm, ép phụ đạo. Tính nghĩa thầy trò cao quí muôn thủa đang bị suy giảm nghiêm trọng khi đồng tiền chen vào giữa quan hệ thiêng liêng đó.
Nhà báo theo tôi tâm niệm không chỉ là một nghề mà còn là một sứ mệnh. Người đảm đương cho sứ mệnh đó trước hết phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh để đứng vững trước mọi diễn biến đầy cạm bẫy, cám dỗ của cuộc sống, xã hội thị trường. Nhân dân và cả xã hội cho đến bây giờ dù đã ít nhiều chứng kiến những hiện tượng suy thoái của báo giới và giáo giới nhưng sự kính trọng, quý mến đối với hai giới nghề có vần “áo” này vẫn ắp dầy với lòng tin tưởng. Xin các nhà báo đầy bản lĩnh, tay nghề cao cả và tâm huyết luôn luôn muốn dùng ngòi bút tỉnh táo được chỉ đạo bằng trái tim nóng bỏng vì một sự nghiệp xây dựng con người, xây dựng một xã hội ngày càng cao đẹp, công bằng hơn hãy xứng đáng với lòng kính trọng và tin yêu đó.