Cỏ mùa xuân
Như một vòng luân chuyển, sau những đợt mưa xuân, trời hửng nắng, cỏ lại xanh rờn. Vừa mới hôm nào, những triền đê trong tiết hanh heo, cỏ bị úa khô tàn lụi. Thế mà hôm nay, như có phép màu, không gian như bừng tỉnh, cỏ xanh mơn mởn. Trên những cánh đồng, gò đống, bờ bãi ven sông, cỏ tốt tươi non xanh ngút ngát. Nhìn xa thấy ngợp màu xanh của lúa, của cây, của cỏ. Quả là cỏ đã làm cho bức tranh xuân thêm ngời sắc.
Ở các thành phố, thị xã, cỏ được trồng trong vườn hoa, công viên, biệt thự, sân vận động... Ngay cả những dải phân cách rộng trên những con đường lớn trong nội thành, hay trên đường quốc lộ, cỏ cũng được trồng làm nền cho những khóm hoa và cây cảnh. Ở nội thành, cỏ nhung, cỏ lá gừng, cỏ lạc (lạc dại, hoàng lạc)... được ưa chuộng để trang trí vườn và những nơi công cộng. Ở ngoại thành, nhiều gia đình trồng cỏ nhung Nhật để bán cho đối tác yêu thích cỏ, nhiều người khá lên nhờ trồng cỏ. Trong thiên nhiên có nhiều loại cỏ không sao kể xiết. Hễ ở đâu có đất trống, có nắng, có độ ẩm là có cỏ. Nào là cỏ lăn, cỏ lác, cỏ ấu, cỏ gà. Nào là cỏ lau, cỏ voi, cỏ sữa, cỏ may, cỏ mần trầu...
Cỏ là loài thực vật, mang lại nhiều lợi ích, ngoài việc dùng cỏ để trang trí ở thành thị, cỏ còn được dùng làm thuốc như cỏ mật, cỏ ấu, cỏ mần trầu, cỏ seo gà... Cỏ làm phân bón ruộng, làm chất đốt, lợp nhà. Những cao nguyên rộng lớn thường được dưỡng cỏ làm thức ăn cho bò sữa, bò thịt, trâu đàn.
Cỏ có sức sống kỳ lạ. Tôi nhớ thời chiến tranh, một lần đi qua khoảng đồi bị đạn bom cày xới, bom cháy tưởng không còn sự sống. Thế mà chỉ ít lâu sau cỏ lại mọc xanh đến kỳ lạ. Trừ những loài cỏ do người nuôi trồng, chăm bón, tưới nước, còn nói chung, cỏ chỉ thích nghi với mùa xuân, mùa hạ đến cuối thu. Mùa đông khô hanh, cỏ úa tàn, ấy là qui luật. Thế rồi khi gặp mưa xuân và nắng mới, mặt đất như cựa mình sinh sôi nảy nở là cỏ lại mọc xanh, xanh tận chân trời.
Đầu xuân năm ngoái, tôi về hội làng. Trong đoàn rước kiệu đi trên con đê uốn lượn bên dòng sông, tôi nhớ về thuở ấu thơ. Trên bãi cỏ đầu làng, lũ trẻ chúng tôi thường tìm những nhánh cỏ gà, chơi trò “chọi gà”. Đó là những nhánh cỏ có cục sần đột biến bằng đầu ngón tay út trẻ nhỏ. Từ cục sần dèn dẹt xèo ra những lá cỏ trông tựa như đầu gà trống, nhìn rất ngộ. Lũ trẻ thi nhau tìm những cọng cỏ ấy để chơi “chọi gà”. Một bên cầm cọng cỏ có đầu chìa ra, bên kia cầm cọng cỏ tương tự, quật mạnh. Nếu đứt đầu cỏ (từ cục sần) rơi xuống đất là thắng cuộc. Tôi tò mò bóc cục sần ấy, thì ra có “đột biến” là bởi một con sâu rất nhỏ. Bóc qua nhiều lớp bao quanh “cục sần” bao giờ cũng thấy bên trong có một chú sâu bé xíu. Khi cọng cỏ ấy héo đi, cũng là lúc chú sâu đủ sức chui ra ngoài để tiếp nối sự sinh tồn. Qui luật thiên nhiên hay thật, có nhiều động vật và thực vật (dù là nhỏ nhất) cũng dựa vào nhau để cùng tồn tại, để cân bằng sinh thái.
Cỏ nhỏ nhoi là thế, nhưng nếu mùa xuân thiếu cỏ bức tranh thiên nhiên sẽ mất đi một mảng màu, màu xanh mơn mởn, xanh đến nao lòng ■