Ngẩng mặt với đời
Từ nhà ông Am về, lòng hắn cứ lâng lâng. Phen này thì những kẻ coi thường hắn hãy mở to mắt ra mà nhìn. Cả cái thằng Vinh kia nữa, từ nay chắc không ai lấy mày ra để chê bai, khinh thường tao nữa, và ngay cả mày cũng vậy, đừng có mà tưởng bở, đời có số cả đấy, có phải cứ chịu khó "cày" mà giàu đâu!
Hắn vừa lượn xe vào đến sân chưa kịp dừng, vợ hắn đang hì hụi trong bếp thò đầu ra bảo: - Ông Am đến tìm anh đấy.
- Đến lúc nào?
- Lúc sáng.
Từ ngày hắn "ăn nên làm ra", ông ta có thiện cảm với hắn ra mặt. Linh tính mách bảo đó là chuyện lành, hắn lượn xe trở ra luôn.
Ông Am là chủ tịch hội nông dân của xã, trước đây cũng đã từng ngồi ghế phó bí thư Đảng ủy. Ai cũng nghĩ, ông bí thư nghỉ hưu, ông Am sẽ lên thay, nào ngờ, thay không thay được, cái chức phó bí thư cũng mất, ông xuống làm phó chủ tịch xã. Vừa rồi do yêu cầu đổi mới cán bộ, ông sang làm chủ tịch hội nông dân. Thôi thì "dân bầu", "xã cử" làm gì chả được. Làm cái anh chủ tịch hội đoàn thể, đôi khi lại có "quyền sinh" "quyền sát" một tý, chứ cái chân "phó" suy cho cùng cũng chỉ là chân "sai vặt" cho cấp trưởng mà thôi. Ông nghĩ vậy nên ông vui vẻ "nhận nhiệm vụ", chẳng phân bì hay phát ngôn tiêu cực, bất mãn gì cả.
Chờ cho hắn rít xong điếu thuốc lào nhả hết khói, ông Am mới cầm chén nước từ khay đặt ra trước mặt hắn:
- Chú uống nước đi! Việc là thế này, hội nghị biểu dương gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn huyện, ngày kia là khai mạc rồi. Xã ta được năm đại biểu, vậy mà đùng một cái chú Khiêm bị ốm, phải đi cấp cứu bệnh viện tỉnh, chúng tôi đành phải tìm người khác bổ sung. Tính đi tính lại, chỉ còn chú là xứng đáng hơn cả. Ý chú thế nào?
Hắn như mở cờ trong bụng, lập bập:
- Được các bác ở trên tín nhiệm, đó là niềm vinh dự cho em, cho cả gia đình em, em phải cảm ơn các bác, chứ còn ý kiến ý cò gì nữa ạ.
- Tốt lắm! Đi dự những hội nghị như thế này, học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm ăn lắm. Còn một việc nữa, việc này tuy không lớn nhưng lại góp phần quan trọng cho hội nghị thành công. Chú biết là cái gì rồi chứ, đó là kinh phí. Kinh phí huyện cấp theo quy định ngặt nghèo quá. Vậy nên ban tổ chức gợi ý để các đại biểu ủng hộ thêm cho cái khoản "nâng lên", "đặt xuống". Năm năm mới có một lần, thiếu cái khoản này xem ra không xôm trò chú ạ.
Hắn hồ hởi:
- Chuyện nhỏ như con thỏ. Thế mỗi đại biểu bao nhiêu hở bác?
- Tùy chứ! Tùy vào lòng hảo tâm, ít thì một vài triệu, nhiều thì mươi mười lăm triệu, ai lại đi giao định mức chuyện này.
Hắn không cần đắn đo:
- Em xin ủng hộ năm triệu, được không bác?
- Tốt! Năm triệu! Thế là chú đứng nhất xã rồi đấy. Ông Chính, ông Tùng, tiếng là mỗi năm thu hàng trăm triệu nhưng ủng hộ lại không bằng chú đâu. Thế nhé! Sáng ngày kia, đúng bảy giờ tập trung ở trụ sở ủy ban xã, ta thành lập đoàn để đi.
Từ nhà ông Am về, lòng hắn cứ lâng lâng. Phen này thì những kẻ coi thường hắn hãy mở to mắt ra mà nhìn. Cả cái thằng Vinh kia nữa, từ nay chắc không ai lấy mày ra để chê bai, khinh thường tao nữa, và ngay cả mày cũng vậy, đừng có mà tưởng bở, đời có số cả đấy, có phải cứ chịu khó "cày" mà giàu đâu! Tự mãn nên hắn đắc chí, chứ thực lòng hắn cũng hơi áy náy. Hội nghị của những gia đình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chứ có phải hội nghị những người "có số" gặp may đâu! Thôi kệ, chẳng sao! Khối kẻ giàu sụ nhưng hỏi kinh nghiệm làm giàu thì không trả lời được, thế mà vẫn cứ được người đời trọng vọng nể nang đấy thôi, huống hồ là hắn, dù sao hắn còn có 2 ha ruộng trũng làm mô hình cá - lúa kia mà.
*
Cách đây năm năm, khi dồn đổi ruộng đất, 4 ha đất trũng nơi bờ sông "chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn", mỗi năm chỉ cấy được vụ chiêm, còn vụ mùa thì… "đánh bạc với trời", xã cho nhận thầu để sản xuất theo mô hình cá - lúa. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao so với chỉ cấy một vụ lúa. Nhà hắn và nhà chú Vinh đứng ra nhận mỗi nhà 2 ha.
Minh họa: Lê Tiến Vượng.
Do chịu khó lam làm, phần ruộng nhà chú Vinh mỗi ngày mỗi quy củ, đổi thay, trù phú. Giữa ruộng là ao, bốn xung quanh là lúa. Cá lên ruộng lúa kiếm ăn, nước rút đến đâu cá dồn về ao đến đấy. Mỗi năm chỉ tính riêng lúa thôi cũng đã bảy, tám tấn rồi, chưa kể dăm sáu chục triệu tiền cá, rồi kết hợp nuôi vịt đẻ nữa. Lợi dụng bờ sông, chú nuôi thêm gà, nuôi bò sinh sản. Kinh tế gia đình cứ khấm khá dần lên. Trong khi đó nhà hắn, cũng có hai vợ chồng, nhưng vợ hắn là chính, còn hắn cũng làm đấy, nhưng do tính cách "được chăng hay chớ" nên chẳng đâu vào đâu cả. Ao chẳng ra ao, chuôm chẳng ra chuôm. Gần bốn sào ao mà cả năm không nổi một tạ cá. Không lợn không gà, trâu bò cũng không nốt. Đã vậy, thỉnh thoảng hắn lại tụ tập bạn bè đánh cá làm gỏi, rượu chè thâu đêm.
Hai diện tích canh tác liền kề nhau, chẳng khác nào bằng chứng tố cáo hắn lười, hắn nhác, không biết làm ăn. Người ta khen chú Vinh bao nhiêu thì người ta lại nhếch môi, khịt mũi về hắn bấy nhiêu. Ngay cả vợ hắn "đầu gối, tay ấp" mà đã mấy lần phải lấy chú Vinh ra "làm mẫu" cho hắn noi gương. Một lần, không chịu nổi sự đay đả của vợ. Hắn túm tay vợ lôi xềnh xệch sang lều chú Vinh: "Ông Vinh! Cô ấy nhà tôi rất yêu quý ông, ông có lấy làm vợ thì tôi cho không ông đấy", kể từ đấy vợ hắn chừa hẳn, chẳng dám mè nheo chì chiết gì hắn nữa.
Chán mô hình cá - lúa, năm ngoái nghe bạn bè rủ rê, hắn đi miền Nam đào vàng. Hắn đi có hai tháng thì về mà nhà hắn đổi thay rõ rệt, trước tiên là đồ dùng sinh hoạt trong nhà "thay cũ bằng mới" hết. Từ bộ bàn ghế uống nước bằng xa lông nan, giờ thay bằng đồ gỗ Đồng Kỵ, tủ ly giờ thay bằng tủ Đài Loan kính cong, nhìn sang trọng hẳn. Chiếc tivi cũ, tuy xem vẫn tốt, hắn cho luôn bà chị gái để thay bằng chiếc màn hình phẳng, chiều rộng, chiều dài vừa bằng nửa lá chiếu cá nhân. Xem bóng đá sướng con mắt. Cuối cùng là con xe Dream Tàu đã "thủy chung" với hắn gần chục năm trời, nay thay bằng xe tay ga màu ngà, gần năm chục triệu.
Với mô hình lúa - cá, hắn thuê máy xúc đào lại ao, san sửa lại mặt ruộng, đắp lại bờ cho vuông thành sắc cạnh, mua cho vợ hai con bò sinh sản "để vợ khỏi phân bì với ông Vinh" - hắn bảo vậy. Thế là chỉ một thời gian ngắn, từ trong nhà ra ngoài đồng đều "thay cũ đổi mới" hết, hoành tráng hẳn lên. Ai thấy cũng phải cúi đầu bái phục. Bái phục là phải thôi, cơ ngơi ấy, một đời cày sâu cuốc bẫm chắc gì đã đạt được, trong khi hắn chỉ "phất phơ con cá vàng" thì lại có tất cả. Nhưng ở đâu mà hắn có nhiều tiền đến vậy? Không ai dám hỏi, mà hắn cũng không nói. Chịu! Chỉ có vợ hắn là biết rõ ngọn nguồn, nhưng cũng kín bưng.
Người làng rỉ tai nhau rằng, hắn đi đào vàng, đào là đào thuê cho "bưởng", "bưởng" nuôi ăn, trả lương theo tháng, nhưng hôm ấy hắn và một tay ở Ninh Hòa xuống hầm đào, đào được một ổ như ổ trứng gà, toàn vàng là vàng, to thì như ngón chân cái, bé cũng như quả xoan. Hai thằng bí mật lấp lại, đến đêm mò ra "cuỗm" sạch, rồi bỏ trốn vào rừng. Hàng tuần liền chui lủi, đêm đi ngày ẩn nấp. Cũng may gặp được xe của bộ đội biên phòng xin đi nhờ mới thoát, không thì đã bị chúng nó băm nhỏ, vo viên rồi.
Cũng có người lại bảo rằng, ở bãi vàng, "bưởng" của hắn với "bưởng" ở Sa Liễn "thanh toán" nhau tranh giành địa bàn. Lớ ngớ thế nào, lúc hắn xông vào cứu nguy cho đồng bọn, đạp phải cái túi vải đựng vàng mà bọn Sa Liễn lúc tháo chạy đã bỏ lại. Lợi dụng lúc hỗn quân hỗn quan, hắn lẩn trốn. Cũng có người lại bảo không phải vàng mà là tiền, tiền của tay chủ "bưởng" Sa Liễn bán vàng lúc chiều chưa kịp mang đi. Cũng toàn nghe hơi nồi chõ nên chẳng biết ai đúng ai sai. Mà đúng sai thì để làm gì, cứ nhìn vào thực tế hắn đang giàu, thế là đủ.
*
Suốt tối hôm ấy và cả ngày hôm sau nữa, lòng hắn lúc nào cũng như mở cờ. Gặp ai hắn cũng cười, cũng chào hỏi. Vè vè con xe tay ga, hắn ghé vào quán cắt tóc anh Tư, hiệu sửa xe máy chú Lưu, quán giải khát bà Tài, mỗi chỗ một lúc, nói vài câu bông đùa rồi nhân câu chuyện nào đấy hắn ngầm khoe là được đi dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi. Ngại quá đi, mình đã giỏi giang gì nhưng các bác ấy đã tín nhiệm…
Nghe hắn nói vừa có ý khoe khoang lại làm ra vẻ khiêm tốn, ông Cần bảo:
- Cỡ như chú mà còn không xứng đáng thì ở cái làng này ai dám bước qua mặt chú để đi dự cái hội nghị danh giá ấy nữa nào?
Bà Vần thì lại bảo:
- Ngại cũng phải đi. Vinh dự lắm đấy. Vinh dự cho chú, vinh dự cho cả làng. Đâu chỉ có làng Đông, làng Đoài mới có người tài người giỏi nào?
Mũi hắn phập phồng. Bà Chí thì lại nói:
- Chả mấy khi có dịp lên huyện, chú phải kêu cho làng ta cái khoản thủy lợi đấy nhé. Ai đời, lúc lúa cần nước thì kêu rát cổ bỏng họng không cho, lúc trời mưa ngập đồng thì lại tháo nước về, làm ăn tắc trách quá.
Hắn hỉ hả:
- Nhất định rồi, nếu được phát biểu, cháu phải đề xuất với các cấp lãnh đạo về việc này.
Bà Chương thì lại bảo:
- Còn cái chuyện giống má nữa, trong luồng với chả ngoài luồng, cấy xuống ruộng cứ "trẻ mãi không già".
Còn ông Tít, mắt cà lèm nhèm, một ngày ba lần chống gậy ra quán chỉ để ngửa cổ làm một hơi, "khà" một tiếng rồi về, mà cũng vỗ vai hắn, bảo:
- Làng ta cái gì cũng phải nhất, hiểu chửa? Không nhất cũng phải làm cho nó nhất, báo cáo cho oách vào. Cũng như cái khoản thịt chó ấy, thiếu cái anh riềng anh mẻ thì… vứt. Hiểu chửa?
Họ làm như hắn là đại biểu hội đồng nhân dân về tiếp xúc cử tri không bằng. Nhưng không sao, hắn cứ vâng vâng dạ dạ đều, vì còn "nếu được phát biểu" nữa cơ mà.
Tối hôm ấy, hắn đóng cửa lại, một mình đứng trước gương tập phát biểu. Hắn cố để không nói lắp, không văng tục, rồi phải kể nỗi vất vả để cải tạo đồng ruộng, mạnh dạn đưa giống mới vào sản xuất, chăn nuôi. Rồi phải cảm ơn các bác ở hội nông dân đã giúp đỡ tận tình để nhà hắn có bát ăn bát để như hôm nay. Hắn tưởng tượng ra cảnh mấy tay nhà báo chạy lăng xăng xin chụp ảnh hắn, quay phim, phỏng vấn hắn, rồi mấy cô em áo dài tha thướt, ôm hoa cho các bác lãnh đạo tặng hắn, lúc ấy hắn sẽ cười thật tươi, tay nhận hoa, còn đầu khẽ cúi xuống nói lời cảm ơn, như hắn đã từng thấy trên truyền hình. Ảnh ấy chắc chắn sẽ đẹp, lên tivi khối đứa ghen tức đến phát điên lên cho mà xem.
Thấy hắn đóng cửa lẩm bẩm tập phát biểu, vợ hắn bên ngoài nói chõ vào:
- Làm thì láo, báo cáo thì hay. Từ cái ngày nhận thầu đến giờ tôi chẳng thấy cái ông nông dân, cái bà phụ nữ nào đến hỏi han lấy nửa lời, vậy mà "nhờ các bác giúp đỡ" nghe mà rực cả ruột. Tôi nói thật nhé, không có chuyến đi đào vàng của anh thì… ứa ra các ông ấy nhìn ngó đến nhà mình.
Hắn mở cửa:
- Biết rồi! Nhưng họ cho mình đi, tức là làm đẹp cho mình thì mình cũng phải biết điều làm đẹp lại cho họ chứ.
Vợ hắn bĩu môi:
- Hão!
*
Hội nghị những người làm ăn giỏi có khác, tưng bừng, hoành tráng. Khẩu hiệu, biểu ngữ đỏ cả một góc trời. Người đi lại nhộn nhịp, tiếng loa oang oang đang phát đi bài hát "Làng lúa làng hoa" nghe rộn ràng xao xuyến quá. Bên ngoài hội trường là từng dãy xe hơi của đại biểu huyện bạn, của cá nhân làm ăn giỏi và của các xã thuê chở cả đoàn. Đúng là nông dân thời đổi mới, đâu còn lúi xùi như hội nghị xã viên hợp tác xã ngày trước nữa.
Hắn bảo ông Am:
- Sao mình không thuê một chuyến xe cho nó sang hở bác?
- Tiền ở đâu. Các xã khác họ có các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tài trợ.
Mỗi đoàn đại biểu xếp thành một hàng dọc, tiến vào hội trường theo thứ tự, để ban tổ chức giới thiệu khái quát thành tích của đơn vị trong phong trào "Nông dân vươn lên xóa đói giảm nghèo làm giàu chính đáng". Đúng như hắn tưởng tượng, các loại máy ảnh thi nhau lóe sáng, nhoáng nhoàng. Có người ra oai cũng giơ cả điện thoại di động lên quay phim chụp ảnh. Còn mấy tay quay camera hình như cũng được dịp thể hiện, chạy trước chạy sau, giương cái ống kính to như cái bát tô vào mặt từng đại biểu. Hắn bước sau ông Am, sợ mình thấp, hắn cố ngửng cao đầu để cái mặt hắn được vào ống kính trọn vẹn thì cũng đúng lúc tay quay phim bỏ máy xuống khỏi vai, xách chạy đi nơi khác. Tiếc quá!
Vào trong hội trường cũng vậy. Mấy tay quay phim ghét hắn, hay vì đoàn của hắn ngồi ở cuối mà cứ quay gần đến nơi là lại bỏ đi nơi khác, thành ra hắn chẳng được lần nào vào ống kính cả. Ngay cả việc phát biểu cũng vậy. Sáng nay, hắn đã nói nhỏ với ông Am đăng ký để hắn được phát biểu, vậy mà chờ mãi chẳng thấy ai giới thiệu hắn. Sốt ruột hắn hỏi ông Am. Ông Am bảo: "Đăng ký rồi. Nhớ nói ngắn thôi, đừng ôn nghèo kể khổ, với kính thưa kính bẩm nhiều, nghe chán lắm". Nhưng hắn chờ mãi cũng chẳng thấy đâu, bế mạc hội nghị rồi mà cũng chẳng thấy tên hắn được xướng lên lấy một lần.
Bực tức, nhân lúc "vui vẻ", các vị ở hội nông dân huyện đến chỗ hắn ngồi, nâng cốc chúc mừng, hắn nói luôn:
- Em chuẩn bị công phu lắm, vậy mà các bác chẳng cho em phát biểu. Các bác thiên vị quá.
Vị nông dân huyện ôn tồn:
- Mong chú thông cảm! Hội nghị chỉ gói gọn có một buổi sáng mà nhiều người đăng ký quá. Để lần sau nhé.
Xoa dịu xong, ông ta nâng cốc sang mâm khác "chúc mừng", chấm hết cái kiểu trò chuyện dấm dẳn của hắn. Hắn cũng há mồm dốc sạch cả cốc rượu vừa chạm với ông ta vào cổ họng, rồi ngồi phịch xuống ghế.
Mãi quá trưa sang chiều hắn mới về đến nhà. Vợ hắn đon đả:
- Vui quá hay sao mà về muộn vậy?
Sự bực tức đang ứ đầy trong cổ được dịp tuôn ra:
- Vui… vui lắm. Làm ăn như cái con… bảo người ta đăng ký phát biểu, rồi lại bảo nhiều người đăng ký quá, để lần sau. Thật, chẳng còn ra cái trò trống gì cả.
- Sao lại thế nhỉ? - Vợ hắn ngớ ra, lát sau chợt cười tươi bảo hắn - Phải rồi, họ không cho anh phát biểu là vì họ biết, những gì anh có được không phải từ mô hình cá - lúa, mà… - vợ hắn định nói là ăn cắp, nhưng đã kịp dừng lại, nói chệch đi - ở cái khác kia, đúng không nào? Theo em thế mới là phải!
Hắn cáu:
- Cô... cô bảo… phải… phải ở chỗ nào?
- Phải ở chỗ không nên biểu dương của cải không đổ mồ hôi.
Hắn trừng mắt, một suýt nữa cái điếu cày đã vung lên, nhưng thấy vợ hắn vẫn giữ vẻ bình thản, hắn lại thôi. Vợ hắn lại còn đọc thơ nữa chứ:
- Đồng tiền không phấn không hồ/ Mà sao khéo điểm khéo tô mặt người. Đâu phải cứ giàu có là xum xoe nịnh bợ, không cần biết đến nguồn gốc! Thói đời lạ thật, biết của cải đó là do ăn cắp, ăn trộm, tham nhũng, tham ô mà có, nhưng nếu chưa bị phát hiện thì chủ của nó cứ vênh vang, người đời vẫn cứ trầm trồ khen ngợi. Làm như vậy khác gì cổ vũ ngầm cho thói ăn cắp cơ chứ.
Nói rồi, vợ hắn bỏ đi xuống bếp. Hắn nhìn theo. Tức! Tức muốn nổ con ngươi mắt, nhưng ngẫm ra có lý. Có lý thật. Không ngờ, con vợ hắn suốt ngày chổng mông lên trời cũng hiểu biết ra trò đấy chứ. Nghĩ vậy nên cơn tức dịu dần, hắn nạp thuốc lào vào điếu, bật lửa rít một hơi thật dài, ngửa cổ lên trời nhả khói.