Ngựa trong nghệ thuật tạo hình

2014/2/5 12:26 - ĐỨC THẮNG

Từ xưa, ngựa có vai trò quan trọng, gần gũi mật thiết với cuộc sống con người. Ngựa còn được tôn vinh là biểu tượng của sức mạnh và năng lực sáng tạo. Từ khi có xã hội loài người, hình tượng con ngựa đi vào văn học nghệ thuật, đặc biệt con ngựa tạo dấu ấn độc đáo trong nghệ thuật tạo hình từ cổ chí kim, từ đông sang tây.

NGỰA TRONG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH THẾ GIỚI
 
Ngựa có dáng vẻ đẹp đẽ, mạnh mẽ, sung mãn mà thanh nhã, hiền lành. Ngựa trung thành với con người nên được coi là con vật có tình nghĩa.  Trên khắp thế giới, ngựa là đối tượng phổ biến của các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Sự nhanh nhẹn, độ tinh khôn, các kiểu đi, tiếng hí, bộ bờm, sắc lông, cú đá hậu, cái đuôi...vẻ đẹp độc đáo, thanh nhã, gọn, khỏe và linh động của ngựa là đề tài hấp dẫn xưa nay của nghệ thuật tạo hình. Tượng ngựa đá tạc nơi sườn núi Stone (Mỹ), tượng ngựa đồng Zizeka (Czech) là hai bức tượng bằng chất liệu đá đồng công phu nhất, vĩ đại nhất thế giới. Không ít nghệ nhân chuyên nặn, đúc, khắc, tạc tượng ngựa và hoạ sĩ chuyên vẽ về ngựa, nổi tiếng trong lịch sử tạo hình phải kể đến: Nghệ sĩ Albert (Đức) chuyên khắc ngựa trên gỗ; Reni (Ý) chỉ vẽ ngựa trên tường; Jerico (Pháp) chuyên vẽ ngựa đua, ngựa chiến đầy vẻ bạo liệt; Từ Bi Hồng (Trung Quốc) với những tuyệt tác vẽ ngựa bằng bút lông.
 
Đặc biệt, Từ Bi Hồng được biết đến như một họa sĩ kỳ tài về vẽ ngựa. Là con trong một gia đình địa chủ sở hữu hàng nghìn con ngựa quanh nhà, Từ Bi Hồng sớm hình thành sở thích ngắm ngựa. Và thật lạ lùng, ông có cảm giác: sức sống của con ngựa từ phía sau được thể hiện một cách rõ nét nhất. Thế là ông chỉ chuyên tâm tìm cách lột tả sức sống, vẻ đẹp của con ngựa từ phía sau.
Nhờ tiếp thu phương pháp hình họa của phương Tây nên Từ Bi Hồng có điều kiện ký họa, nghiên cứu sâu về đặc điểm, cấu trúc, giải phẫu, hình dáng của loài ngựa. Ông đã vẽ rất nhiều về ngựa với đủ loại: độc mã, song mã, tam - tứ mã và cả bầy ngựa tung bờm, tung vó, phi nước đại cực kỳ sống động. Những bức tranh vẽ ngựa của Từ Bi Hồng dù ở tư thế nào cũng luôn chủ động ngoái nhìn hay căng tràn sức bật. Những mảng sáng tối, những khoảng trắng, những nét bút phóng khoáng ở bờm và đuôi ngựa, bố cục theo luật phối cảnh phương Tây kết hợp nhuần nhuyễn trong một tâm hồn nghệ sĩ Á Đông, tất cả những điều ấy đã tạo nên nét độc đáo, xuất sắc, có sinh khí và thần thái trong tranh ngựa của Từ Bi Hồng.
 
 
Tranh ngựa của Từ Bi Hồng
 
NGỰA TRONG NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH VIỆT NAM
 
Ngựa là một trong số những loài vật được miêu tả với nhiều hình dạng khác nhau trên tranh, tượng dân gian Việt Nam. Ngựa có mặt trên các phù điêu gỗ, đá ở các đền miếu và trên tranh làng Hồ và Hà thành từ xa xưa, đặc biệt là trong các đồ thủ công mỹ nghệ. Tranh, tượng về ngựa rất phong phú, đa dạng không chỉ ở nơi thờ tự, trong cung đình mà còn phổ biến rộng rãi trong dân gian.
 
 
Trước hết, ngựa tạo hình dân gian đã tham gia vào cuộc sống xã hội của con người. Ngựa hồng đi trong “Đám cưới chuột” hay còn gọi là “Ông nghè vinh quy”. Ngựa vui chân nhịp bước trong tiếng kèn dân tộc, dáng vẻ oai hùng, nghiêm trang.
 
Trong bức tranh về vị anh hùng áo vải Quang Trung, ngựa được miêu tả trang nghiêm và oai hùng hơn với bốn vó phi nước đại rộn ràng. Loại ngựa chiến ấy được thấy trong tranh “Phù Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân”, ngựa không đi nước đại mà rướn cổ mạnh, sải dài bay trong gió. Toàn thân ngựa được miêu tả khá gọn, đỏ rực như khúc than hồng, vừa tạo được khí thế hùng dũng của người và ngựa. Chúng ta còn tìm gặp hình dáng ngựa hành quân, loại ngựa chiến tương tự trong nhiều tranh dân gian khác của tranh Đông Hồ. Ở nhiều tranh thờ, ngựa hồng được thay bằng ngựa trắng hay đôi khi bằng ngựa ô.
 
Ngựa tạo hình dân gian còn lắm kiểu cách được chạm trổ trên hương án chùa Bút Tháp vào thế kỷ 17 hay trên văn bia in tại chùa Tây Mỗ (Hà Nội) thuộc thế kỷ 19, những chú ngựa vượt qua hoa lá chạm đá trên văn bia tại chùa Linh Quang (Hải Phòng) hoặc khỉ cưỡi ngựa (chùa Tây Mỗ), ngựa đá nhau (chùa Bút Tháp - Bắc Ninh)... Trong tranh tượng dân gian của Việt Nam,  ngựa được mô tả đủ hình dáng, động tác và chức năng của xã hội.
 
Hình tượng ngựa xuất hiện sớm nhất của mỹ thuật Việt Nam là ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), được người xưa sáng tạo khoảng giữa thế kỷ XI, dưới hình thức chạm tròn nguyên khối đá với đôi ngựa nằm ngang cùng với voi, sư tử, trâu và tê giác. Ngựa còn thấy xuất hiện trên đài sen, có nghĩa nó được ở đất Phật, được Phật giác ngộ rồi tự nguyện chở kinh đi khắp nơi để giáo hóa chúng sinh. Ngựa thờ bằng gốm men lam thời Lý được tìm thấy ở chùa Phật Tích.
 
 
Tranh ngựa của Lê Trí Dũng
 
Trong nghệ thuât tạo hình Việt Nam hiện đại, hình tượng ngựa được nhiều danh họa và các nghệ sĩ khai thác, như: “Ngựa” sơn mài của Nguyễn Sáng, “Thánh Gióng” sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm, tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Đá Chồng, đền Sóc Sơn (Hà Nội) của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Ngân.
 
Vẽ tranh ngựa nhiều nhất Việt Nam phải nói đến họa sĩ Lê Trí Dũng với chiều dài nửa thế kỷ. Mọi người hay đùa với anh là “nhà chăn nuôi ngựa” và anh hình thành hẳn một “trang trại ngựa”. Họa sĩ Thành Chương còn so sánh tranh anh với cả Từ Bi Hồng và nhà thơ Vũ Quần Phương đã làm thơ tặng Lê Trí Dũng: “Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút/Thân chưa khô mực, đã đường xa/Ngựa ơi đồng đất người thiên hạ/ Cỏ nuôi mày vẫn cỏ lòng ta”.
 
Hình ảnh con ngựa đã in sâu vào tâm trí của nghệ sĩ, chứng tỏ họ rất yêu thích, quý mến loài ngựa và sáng tạo thành hình tượng nghệ thuật lý tưởng có giá trị lâu bền 


GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...