Ông trưởng thôn

2014/2/5 11:49 - ĐỖ NHẤT TRÍ

Truyện ngắn

 

Bảy giờ tối, vừa bật cái ti vi coi thời sự thì trời ạ! Tiếng nhạc chát - bùm từ nhà hàng xóm dội qua, nào là tiếng trống giật đùng đùng, tiếng người hát, nói không dứt khiến người đứng cách xa cả cây số cũng nghe rõ huống hồ nhà tôi chỉ cách có hàng rào dâm bụt.

Tôi không tài nào chịu được nữa. Có phải cưới hỏi, tiệc tùng gì đâu mà thông với cảm. Tôi buột miệng văng tục một câu mà lúc bình thường nói ra đã xấu hổ với chính mình, chớ nói chi trước mặt vợ và con gái. Bỗng dưng lẫn trong tiếng nhạc bát nháo ấy tôi nghe tiếng của ông Tư Thành trưởng thôn quát:
 
Nguồn: Internet
 
- Trời ạ! Tối rồi mà còn quậy như vầy thì ai chịu nổi?
 
Tôi mỉm cười phóng nhanh ra cửa nghe ngóng:
 
Ông Tư Thành hai tay chống nạnh, nói lớn:
 
- Bộ mấy đứa không nắm rõ hương ước ở làng hay sao mà giờ này còn hát với hò, để trẻ con học bài, người lớn ngủ nghỉ chứ?
 
Một anh tóc đỏ chôm chôm nói như tát vào micro:
 
- Hát một chút cho vui chứ có động chạm đến ai mà cấm với đoán!
 
- Sao lại không đụng chạm. Ông tư dập chân cái rập đứng nghiêm như kiểu nhà binh rồi vỗ tay vào cái cặp táp cũ mèm mang bên hông, lôi ra một đống giấy tờ và đọc to:
 
- Đây, đây nói có sách mách có chứng nhé! Đây là hương ước đã quy định rõ giờ hát nhạc sống đây…
 
- Im đi ông ơi! Đ.m, anh tóc đỏ đã thấm bia rượu, văng tục, quăng micro xuống đất định nhảy bổ vào ông Tư.
 
Thấy tình thế căng quá, tôi nhảy qua la lớn: - Không được manh động.
 
Lũ trẻ theo sau ông Tư cũng la lên: - Không được vô lễ với ông Tư. Tên tóc đỏ chựng lại. Lúc này dân làng tụ tập tới cũng khá đông. Mấy bà sồn sồn và lũ trẻ tóc xanh mỏ đỏ ghiền ca hát thì trách ông trưởng thôn với cái hương ước kỳ quái, còn lại đa phần thì ủng hộ ông Tư.
 
Đám nhạc sống hình như cũng mất hứng, nên đã ngưng đàn hát, chuẩn bị di dời đi chỗ khác.
 
Vợ tôi chép miệng:
 
- Rõ thật, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.
 
Tôi quay sang vợ quạu cọ:
 
- Bà mới thiệt nhiều chuyện. Ổng đi làm chuyện làng chuyện xã mắc mớ chi bà. Làm cán bộ viên chức như bà trước việc sai trái không đấu tranh lại còn xách mé.
 
Vợ tôi nguýt một cái rõ dài rồi quay quả đi vô nhà. Tôi bảo ông Tư:
 
- Vào đây làm chén nước trà đi anh.
 
Ông Tư nhìn tôi cười khà khà:
 
- Lát nữa đi, tui còn phải đi một vòng kiểm tra an ninh chớ bọn bắt gà, bắt chó dạo này hoành hành dữ lắm.
 
- Còn sớm mà anh! Tôi vốn quý trọng ông, quý cái cách làm việc hết mình vì bà con làng xóm, quý cái cách ông tận tình giúp những người nghèo, nên cứ mỗi lần có dịp là nài ông vô nhà, khi thì ly nước trà, lúc thì chén rượu nhạt. Vậy thì hôm nay sao tôi có thể bỏ lỡ được. Tôi cầm tay ông kéo vô nhà:
 
- Bọn ấy sống về đêm, giờ này chưa hoạt động đâu.Vào đây uống chén trà cho ấm bụng.
 
Ông Tư vốn là lính đặc công rời quân ngũ đã hơn hai mươi năm, nhưng đến nay tác phong vẫn còn nguyên chất lính. Sáng đúng năm giờ ông đã dậy gấp chăn màn ngay ngắn, tập thể dục, đọc báo rồi đi làm, trưa nghỉ ngơi đúng mười lăm phút. Ai nói ông chỉ cười cười: “Tôi là Bộ đội Cụ Hồ mà”.
 
Mọi việc trong làng từ chuyện nhỏ đến chuyện to: nào là hòa giải, vận động thu gom, từ thiện, vận động thanh niên trúng tuyển lên đường làm nghĩa vụ quân sự…, ông đều đảm nhận một cách nhiệt tình vô tư.
 
Ông Tư đón lấy ly nước trà nóng hôi hổi trên tay tôi, đưa vào miệng chép một cái - Trà ngon thật.
 
Rồi ông bật lên cười ha hả đưa tay ra chỉ cánh đồng lúa trước mặt. Dưới ánh trăng sáng, những bông lúa nặng sương ở gần lóng lánh sáng. Ngoài xa, những bông lúa no tròn, rạp lên nhau theo gió lan tỏa một mùi thơm dào dạt.
 
- Nghe lời tui sạ thưa giờ hiệu quả phải không ông?
 
- Ừ đúng đấy, may mà có anh, chứ lúc đầu bà con nhất quyết không chịu sạ thưa.
 
- Không phải là không chịu nghe, mà lúc ấy, ngay cả cán bộ cũng có người sạ dày. Tui thì cứ tiên phong, đi trước làm trước, hiệu quả rồi thì bà con sẵn sàng làm theo thôi. Lòng tin là chỗ đó đấy ông à! ông Tư lại bật cười khà khà…
 
Thấy ly nước trà của ông đã cạn, tôi với tay châm thêm thì ông cản:
 
- Đừng ông, tui không uống nữa rót ra thừa uổng.
 
- Cái anh này, nước trà mà anh làm như là sâm, sao anh cứ phải lập dị chi cho khổ vậy?
 
- Không phải lập dị đâu, thật ra cái ly nước thì có gì mà tiếc, nhưng tui quen rồi, nó nhiễm vào trong máu. Lúc kiệm được thì nên kiệm thôi. Đấy ông thấy không, chủ trương tiết kiệm được nhà nước đưa ra thì các tỉnh, ngành lập tức báo cáo lên tiết kiệm được hai ba ngàn tỉ đồng liền. Vấn đề là dường như chúng ta chỉ tiết kiệm khi có một chủ trương, còn không thì… Giọng ông bỗng dưng chùn xuống.
 
- Trời ạ! Ai mà cũng như anh thì đất nước mình sẽ sớm giàu có thôi.
 
- Mà sao tui với anh lại bàn cãi chi đến cái chuyện vĩ mô đó nhỉ! Cái vấn đề xóm láng giềng gần đây nè? Tại sao ông là thầy giáo mà thấy người ta làm sai hương ước của thôn ông lại cứ làm ngơ thế?, ông Tư nói.
 
Tôi ngớ người mặt đỏ ngần xấu hổ. Tôi không dám đấu tranh cho lẽ phải, đã tự biến mình thành một kẻ thờ ơ vô cảm. Đáng lẽ, tôi phải sống sôi nổi hơn và có trách nhiệm với cộng đồng.
 
Hình như ông cảm nhận được sự bối rối và biết lỗi của tôi, nên ông lảng chuyện khác:
 
- Thôi bỏ qua chuyện này đi, tôi cần ông giúp chuyện này.
 
Tôi ấp úng:
 
- Chuyện gì vậy anh Tư?
 
- Ông hãy cùng với tui làm sao cho xóm làng gắn kết lại với nhau nhé.
 
Ô hay! Tôi thầm nghĩ, cái xóm chợ có trăm rưởi hộ dân nhưng quá nửa đều làm nghề buôn bán nên nhà nào cũng khá. Nhưng cái mặt trái của “đô thị” khiến toàn bộ dân trong thôn thờ ơ với mọi người xung quanh. Sống ở đây đã mấy chục năm tôi thấy rõ cái nghĩa tình của làng xóm đang dần bị lãng quên. Nhưng phải làm sao, làm cách nào để gắn kết đây?
 
- Đơn giản thôi mà! Ta chỉ cần tổ chức tốt các phong trào của thôn. Qua đó, ta mới tạo ra được cái cớ để tập hợp, gắn kết nhân dân trong thôn lại với nhau. Lúc ấy, mới có cơ hội để đẩy lùi căn bệnh vô cảm ra khỏi cộng đồng này.
 
Tôi đưa tay ra siết chặt lấy tay ông để tỏ rõ những cảm xúc của mình.
 
Ông cười khà khà, giọng cười vang lên trong đêm, giọng cười chưa kịp dứt thì đã nghe tiếng la hét từ xa.
 
- Bắt chó, bắt chó trộm! Một nhóm người trong đội tự vệ thôn, cái đội do ông Tư khởi xướng đang hớt hải chạy rượt theo đám trộm.
 
Ông Tư vội úp cái mũ cối lên đầu đứng bật dậy chạy đi.
 
- Bắt chó nhà ai nói nhanh nào?, ông bắt kịp đội tự vệ hỏi.
 
- Nhà ông ba Chàng ở xóm dưới.
 
- Chết rồi! Ông Tư lập tức đưa ra kế hoạch vây bắt bọn trộm chó ngay trước sân nhà tôi. Tôi bảo thế nào nó cũng đi ra đường này, lấy dây giăng ngang đường là tóm họng.
 
- Ừ đúng đấy, chặn dây cho nó ngã rồi đánh chết luôn. Mấy anh trong đội tự vệ giận dữ thốt lên.
 
Vợ tôi từ dưới bếp khệ nệ xách lên một khoanh dây thừng. Tôi ngớ người trước hành động xông xáo của vợ. Không lẽ bà ngồi trong nhà đã nghe thấm? Mấy bữa trước bọn bắt chó đi ngang dọc khiêu khích, tôi sôi máu định ra cản thì bà đóng chặn cửa phán một câu như đinh đóng: “Không hơi đâu mà dây vào”, vậy mà hôm nay...!
 
Ông Tư quát lớn:
 
- Không được! Nó té chết người mang tội đó.
 
- Nhưng mà nếu không làm thế, thì chúng sẽ lộng hành, một người nói.
 
- Tui bảo không được mà. Phải triệt tận ổ, nghĩa là phải truy, phải hốt cho hết bọn trộm và cả bọn tiêu thụ chó nữa, lúc đó dân làng mới ổn được. Nói xong, ông bắt đầu phân công mọi người theo dõi đường rút của bọn “cẩu tặc”, còn ông thì đứng ngang đường chặn.
 
- Coi chừng nó tới kìa! Tôi la lên. Một tiếng “rẹt” của xe máy ngang qua. Ông Tư hứng trọn cú đạp của thằng ngồi sau làm ông bật ngã xuống vệ đường. Cũng may nhờ chất lính đặc công, nên ông chỉ quay mấy vòng rồi lồm cồm đứng dậy rút điện thoại báo động cho đội tự vệ theo dõi.
 
Sáng hôm sau chạy lòng vòng trên đường làng tập thể dục. Tôi đã thấy anh Tư trưởng thôn đang lúp xúp chạy phía trước. Cái áo thun ba lỗ và cái quần lính ngã màu vàng phất phơ trước gió. Anh vừa chạy vừa cúi xuống nhặt những hòn đá cùng chai lọ ai đó vứt ngổn ngang trên đường, bỏ vào cái bịch nilon mang bên hông. Tôi tăng tốc chạy tới anh. Gặp tôi anh mỉm cười, giơ tay chào theo kiểu nhà binh :
 
- Chào ông giáo. Đêm qua hốt hết ổ bọn bắt và tiêu thụ chó rồi nhé!
 

- Thật à! Tôi vừa chạy theo vừa nhìn cái bịch nilon đầy chai lọ lủng lẳng trên hông anh. Tự dưng tôi cảm thấy càng thêm quý mến anh. 



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...