CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì Họp báo về Trạm thu phí cầu Cai Lậy (Tiền Giang)

2017/8/18 8:38 - Phóng viên

Chiều 17/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì buổi Họp báo, cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ trả lời nhiều câu hỏi của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí xung quanh các vấn đề về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).



Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi Họp báo
 
Trả lời câu hỏi của đại diện các cơ quan truyền thông, về vị trí đặt trạm thu giá dịch vụ (Km1999+600 QL1), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong quá trình lập và phê duyệt dự án đầu tư, các cơ quan đã khảo sát trong cả một quá trình rất lâu và kỹ lưỡng vị trí đặt trạm thu phí, đặc biệt lưu ý đến căn cứ vào phương án tài chính, phạm vi dự án. Quá trình làm, từ khi lập, phê duyệt có lấy ý kiến của các cơ quan (như đối với các trạm BOT khác) như: Bộ Tài chính, đoàn ĐBQH. Bộ GTVT cũng đã lấy ý kiến và nhận được sự thống nhất của UBND tỉnh Tiền Giang (Văn bản 5090 ngày 4/11/2013), HĐND tỉnh Tiền Giang (Văn bản 44 ngày 4/11/2013), Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang (Văn bản 379 ngày 6/11/2013) và Bộ Tài chính (Văn bản 202 ngày 6/1/2014).
 
Tiếp đó, ngày 2/10/2015, UBND tỉnh Tiền Giang có Văn bản 4717 đề xuất thay đổi vị trí đặt trạm thu phí về Km1999+300 QL1 (vị trí hiện nay). Trên cơ sở đó, ngày 26/11/2015, Bộ Tài chính ban hành Văn bản 17593 và Bộ GTVT ban hành Văn bản 16189 ngày 4/12/2015 thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang.
 
Về vấn đề các cơ quan thông tấn quan tâm đến việc bảo trì sửa chữa hay nâng cấp QL1 đoạn qua Tiền Giang, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, đối với chủ trương đầu tư Dự án tuyến tránh Cai Lậy, về mặt quy hoạch, tại Quyết định 06 ngày 21/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12km, quy mô 4 làn xe.
 
“Trước đó, năm 2009, Bộ GTVT đã giao Tổng cục ĐBVN nghiên cứu xây dựng tuyến tránh Cai Lậy, tuy nhiên, do nguồn vốn Nhà nước rất khó khăn nên sau hơn 4 năm nghiên cứu dự án vẫn chưa được triển khai”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
 
Đến ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Tiền Giang có Văn bản 3901 về việc khu vực thị trấn Cai Lậy thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, TNGT, gây bức xúc cho người tham gia giao thông và kiến nghị đầu tư dự án tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT. Trên cơ sở đó, ngày 20/9/2013, Bộ GTVT có Văn bản 9947 báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BOT tại Văn bản 1908 ngày 11/11/2013.
 
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, ngày 19/12/2013, Bộ GTVT ban hành Văn bản 4173 về việc phê duyệt đầu tư dự án xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TX.Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 – Km2014+000. Theo đó, dự án có tổng chiều dài 38,5km, tổng mức đầu tư 1.398,2 tỷ đồng, bao gồm hai hợp phần: Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; Tuyến tránh TX.Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 7 cầu (trong quá trình triển khai thực hiện có 2 cầu chuyển thành cống để đảm hiệu quả đầu tư theo đề nghị của địa phương).
 

Đông đảo các nhà báo tham dự buổi Họp báo
 
“Bảo trì đường bộ chỉ là vá đường, sửa chữa đơn giản, chứ không thể cải tạo nâng cấp được. Theo Luật Đầu tư và Nghị định 108 cho phép huy động vốn BOT, ở QL1 này là nâng cấp cải tạo mặt đường, các cầu và hệ thống thoát nước, có như vậy mới đảm bảo năng lực giao thông cho khu vực có dự án đi qua, cầu cống cũng chịu được xe tải trọng lớn hơn lưu thông tốt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định thêm.
 
Về vấn đề đại diện các cơ quan truyền thông quan tâm như việc thiết kế ban đầu là 7 cầu nhưng khi triển khai thực hiện dự án thì có 2 cầu được thay thế bằng 2 cống, như vậy có giảm tổng mức đầu tư dự án hay không? Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: Đối với các công trình xây dựng, việc thay đổi thiết kế so với ban đầu là việc bình thường để phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, làm sao phát huy được hiệu quả dự án một cách tốt nhất.
 
“Việc thay 2 cống vào 2 cầu so với thiết kế ban đầu không làm thay đổi nhiều tổng mức đầu tư dự án. Tại thiết kế ban đầu, đây là 2 cầu bản nhỏ (6m) nhưng sau đó, trong quá trình triển khai dự án đã thay thành 2 cống để đảm bảo thoát nước tốt hơn tại khu vực này”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
 
Cũng tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông một lần nữa khẳng định, việc đầu tư các dự án giao thông theo hình thức BOT là rất cần thiết trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách rất hạn hẹp mà nhu cầu bức thiết của các địa phương nói chung, của người dân nói riêng về hạ tầng giao thông là rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án này, có nơi này, nơi kia, dự án này dự án khác chưa được đồng thuận ở người sử dụng và người đầu tư dự án. Quan điểm của Bộ GTVT là luôn luôn lắng nghe, tiếp thu và có hướng điều chỉnh sao cho phù hợp, đảm bảo  lợi ích của địa phương, người dân và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.
 

“Đối với Trạm Cai Lậy nói riêng, các trạm thu phí sử dụng đường bộ nói chung, Bộ GTVT đang rà soát để điều chỉnh cho phù hợp với phương án tài chính của nhà đầu tư, lợi ích của người sử dụng đường bộ một cách công khai, minh bạch. Ở nơi nào sai sẽ bị xử lý đúng người, đúng việc”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định. 



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH