CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Đàm Thanh Sơn: Thần đồng Hà Nội đến nhà Vật lý hàng đầu thế giới

2014/8/16 16:24 - Hàm Châu

Mới học lớp 2 (lớp 3 hiện nay), Đàm Thanh Sơn đã giải được toán lớp 10 (lớp 12 hiện nay). 15 tuổi, lần đầu dự Olympic Toán quốc tế ở Prague, anh đoạt ngay huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42.


Ngồi vào chiếc ghế Fermi và Chandrasekhar từng ngồi
 
Vào ngày 1/9, Đàm Thanh Sơn chuyển từ Đại học Washington ở Seattle ven bờ đông Thái Bình Dương ấm áp, gần biên giới Canada, đến chỗ làm việc mới tại Đại học Chicago, bên bờ hồ Michigan xanh rộng tới tận chân trời, trắng lóa rập rờn những cánh hải âu - nơi tôi từng dừng “gót lãng du”, ngắm cảnh chiều thu u hoài khi sang dự Hội nghị Quốc tế về lepton - photon ở Fermilab năm 2003, với tư cách một nhà báo khoa học đến từ Hà Nội qua vạn dặm đường xa…
 

GS Đàm Thanh Sơn (áo kẻ, bên trái) trò chuyện cùng nhà báo Hàm Châu. 
 
GS Emil Martinec, giám đốc Viện Enrico Fermi, nhận xét: “Đàm Thanh Sơn là một trong số rất ít nhà Vật lý lý thuyết đứng đầu thế hệ ông, là tinh hoa hiếm thấy; công trình của ông có tầm ảnh hưởng rộng lớn bậc nhất”.
 
Là người từng say sưa viết bài về GS Đàm Thanh Sơn ngay từ lúc anh mới 15 tuổi, đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, tôi cảm thấy phấn chấn lạ thường khi  được tin: Ngày 8/8 vừa qua, anh Sơn được Đại học Chicago bổ nhiệm làm University Professor.    
 
Từ university dịch cho hết nghĩa là đại học tổng hợp, một đại học lớn bao gồm nhiều học viện (institute) và trường đại học hay cao đẳng chuyên ngành (college). University professor dịch đầy đủ là giáo sư đại học tổng hợp (dịch gọn là giáo sư đại học), một vinh dự cao hơn giáo sư thông thường.
 
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã lựa chọn Đại học Chicago ở bang Illinois, sau mấy năm làm việc đầy hiệu quả tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton ở bang New Jersey. Vào dịp nhà trường công bố quyết định bổ nhiệm nói trên, GS Robert Fefferman, chủ nhiệm Khoa Vật lý Đại học Chicago, nói: “Tôi tin chắc GS Sơn sẽ thể hiện vai trò dẫn đường về trí tuệ, đánh dấu sự mở ra một kỷ nguyên mới trong truyền thống nghiên cứu Vật lý tích tụ nhiều thành quả của đại học này (will mark the opening of a new era in the University’s stored tradition of physics research)”.          
 
GS Edward Brucher, một nhà Vật lý, bày tỏ hy vọng: “Đàm Thanh Sơn đã công bố nhiều công trình lớn, nhưng chúng tôi rất phấn khởi chào đón ông về trường này, vì tin chắc rằng những công trình xuất sắc nhất của ông đang ở phía trước. Ông là người thích hợp nhất để thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc nghiên cứu tại khoa Vật lý trường chúng tôi”.
 
Phát biểu cảm tưởng về quyết định bổ nhiệm, GS Đàm Thanh Sơn nói: “Đại học Chicago là một trung tâm khoa học nổi tiếng thế giới, có truyền thống lâu đời về Vật lý. Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được làm việc tại chính nơi Enrico Fermi và Subrahmanian Chandrasekhar đã từng làm việc. Cuộc hành trình nổi tiếng của Chandrasekhar từ Ấn Độ sang châu Âu gieo vào lòng tôi bao cảm xúc, ước mơ khi tôi còn là một cậu bé ở Việt Nam. Và những bài giảng sáng suốt của Fermi ảnh hưởng sâu xa đến tôi khi tôi là sinh viên ở Moskva. Tôi đã làm việc mười năm cực kỳ hào hứng tại Viện Lý thuyết hạt nhân ở Đại học Washington, và nay tôi sẵn sàng đón nhận những thách thức mới”.
 
E. Fermi là một trong những tác giả kinh điển của Vật lý hạt cơ bản, người Italy được tặng giải Nobel năm 1938, sau đó, di cư sang Chicago để tránh thảm họa phát-xít ngay trên quê hương mình. Những ai từng học qua chương trình cử nhân Vật lý, đều quen thuộc tên ông qua thống kê Fermi - Dirac (bên cạnh thống kê Bose - Einstein). Fermi cũng là người đã lần đầu tiên chế tạo pin uranium vào năm 1942, tìm ra nguyên lý vận hành của nhà máy điện hạt nhân.
 
Còn S. Chandrasekhar là nhà Vật lý thiên văn sinh ở Lahore, Ấn Độ, đến làm việc ở châu Âu, rồi sang Mỹ. Ông được tặng Giải Nobel năm 1983 về các công trình nghiên cứu sao lùn trắng (white dwarf), một loại thiên thể nhỏ, do đó mới có cái tên là “lùn”, một ngôi sao “chết” đã xài hết nhiên liệu, co sập lại, đặc đến mức 1cm3 nặng tới 1 tấn! T
 
heo GS Trịnh Xuân Thuận, một thìa vật chất trên sao lùn này nặng bằng một con voi trên Trái đất! Nay Đàm Thanh Sơn ngồi vào chiếc ghế giáo sư đại học mà hai nhà bác học lừng danh Fermi và Chandrasekhar đã từng ngồi.
 
Từ một “thần đồng” Hà Nội
 
Cũng như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn sinh tại Hà Nội trong một gia đình trí thức cấp cao, không giàu nhưng mà sang. Sơn chào đời năm 1969, hơn Châu ba tuổi. Bố của Sơn là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; mẹ là phó giáo sư,  tiến sĩ sinh hoá Nguyễn Thị Hảo; chú ruột là giáo sư Vật lý Đàm Trung Đồn. (Bố của Ngô Bảo Châu là giáo sư, tiến sĩ khoa học cơ học Ngô Huy Cẩn; mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ dược học Trần Lưu Vân Hiền).
 
Nếm trải nhiều khó khăn, thiếu thốn thời hậu chiến và bao cấp, thế mà từ bé, Sơn đã nổi tiếng “thần đồng”! Mới học lớp 2 (lớp 3 hiện nay), cậu bé 7 tuổi đã giải được toán lớp 10 (lớp 12 hiện nay). Lên cấp III, Sơn thi đỗ vào Khối Phổ thông chuyên toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1984, mới 15 tuổi, lần đầu dự Olympic Toán quốc tế ở Prague, Sơn đoạt ngay huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42.
 
Ngay từ dạo ấy, GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đã hết lời khen ngợi Sơn.
 

Chàng trai trẻ Đàm Thanh Sơn ngày còn học phổ thông.
 
Rồi Sơn được đích thân Bộ trưởng Bửu - một nhà lãnh đạo giáo dục hết lòng yêu quý tài năng - chọn gửi sang Moskva học Vật lý tại Đại học Lomonosov, trường đại học danh tiếng nhất hệ thống xã hội chủ nghĩa thời ấy.
 
Chịu ảnh hưởng của người chú ruột Đàm Trung Đồn, Sơn mơ trở thành một nhà Vật lý lý thuyết lỗi lạc. Muốn thế, phải học thật giỏi toán. Sau khi tốt nghiệp đại học, được giữ lại Moskva, Sơn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 25 tuổi. Người hướng dẫn Sơn là GS Valery Rubakov, viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Moskva.
 
Bước ngoặt khi tới Mỹ
 

GS Đàm Thanh Sơn.
 
Yêu Sơn như con đẻ, thầy Rubakov khuyên anh nên sang Mỹ, nơi có điều kiện tốt hơn nước Nga đang khủng hoảng dữ dội dưới thời Boris Yeltsin, để khỏi thui chột mất tài năng.  
 
Tại Mỹ, đầu năm 2005, P. K. Kovtun, Đàm Thanh Sơn và A. O. Starinets (về sau được goi là nhóm KSS) công bố một công trình mới về một mô hình lỗ đen lỏng (liquid black hole) trong không gian 10 chiều (10-dimensional space) trên tạp chí vật lý đỉnh cao thế giới Physical Review Letters (tập 91, trang 111601).  Khám phá này gây tiếng vang ngay lập tức trong giới bác học chuyên sâu.
 
Các tạp chí thông tin khoa học có ảnh hưởng rộng như New Scientist (tháng 4/2005), Physics Today (tháng 5/2005) đều có bài viết về công trình ấy, một phát minh lý thuyết quan trọng.  
 

Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp một số nhà vật lý Việt Nam dự Găp gỡ Việt Nam năm 2004. Trong ảnh, từ trái sang phải: Trần Minh Tâm, Trịnh Xuân Thuận, Đàm Thanh Sơn, Trần Thanh Vân, Phạm Quang Hưng, Nguyễn Văn Hiệu.  
 
Tháng 11/2005, trên tạp chí Scientific American, Juan Maldacena, nhà Vật lý Mỹ rất nổi tiếng, cho in một bài tổng quan, trong đó, sau khi nhắc tới khám phá của nhà bác học Anh lừng danh Stephen W. Hawking về lỗ đen, liền nhắc đến phát minh của Đàm Thanh Sơn, nhà bác học người Việt Nam làm việc tại Mỹ, về thể lỏng của “Vũ trụ sơ sinh”.  
 
Tháng 5/2010, tờ Physics Today đã in ba bài liền trong cùng một số tạp chí, ca ngợi công trình của nhóm KSS - một sự kiện hiếm thấy. Ngay sau đó, GS Phạm Xuân Yêm, nhà Vật lý lý thuyết nổi tiếng ở Đại học Paris 6 và GS Nguyễn Văn Liễn, tiến sĩ khoa học toán - lý ở Viện Vật lý Việt Nam, đã viết hai bài báo dài, đánh giá rất cao thành tựu của giáo sư Đàm Thanh Sơn và hai tiến sĩ cộng sự P. K. Kovtun, A. O. Starnet, coi đó điều “kỳ diệu”. Một quy luật phổ quát đã được khám phá! Một hằng số mới đã được phát hiện! Không phải là quá lời khi coi đó là một thành tựu lớn, mang tính đột phá trong Vật lý học.



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH