Sau giây phút trầm ngâm, ông bộc bạch: "Cha tôi là người hiền lành. Mẹ tôi cũng vậy. Với riêng cha, tôi học được ở ông hai điều: sự ham học và tính cách hiền lành".
Sợ nhất khi cha gọi bằng "anh"!
GS.TSKH Đặng Vũ Minh chia sẻ: Nhà tôi có 4 anh chị em: 2 trai, 2 gái. Tôi là con thứ ba. Cha mẹ tôi rất chăm lo đến việc dạy dỗ con cái. Hồi nhỏ, đôi khi anh chị em chúng tôi nghịch ngợm, cha mẹ cũng không bao giờ đánh mắng. Hồi 8 - 9 tuổi, tôi sợ nhất khi cha gọi bằng "anh". Mỗi lần nghe cha bảo: "Anh làm như vậy không đúng đâu" là tôi đã sợ run dù cha không đánh, không mắng, cũng không dọa dẫm gì. Tôi sợ vì biết mình sai, làm cha mẹ phiền lòng.
Cha tôi không can thiệp vào lựa chọn nghề nghiệp của con cái. Ông chỉ nhắc nhở các con thận trọng trong việc chọn nghề cho đúng với năng lực của mình. Ông thường nói: "Làm nghề gì cũng được nhưng cái chính là phải thật giỏi chuyên môn".
Cha tôi đã từng muốn tôi theo nghề y, bởi vì theo ông, nghề thầy thuốc là một nghề để cứu giúp mọi người. Tôi còn nhớ, hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, bất kể đêm hôm mưa rét, hễ có người gọi cấp cứu là cha tôi choàng áo tơi, xách túi thuốc đi ngay. Lúc còn trẻ, tôi cũng muốn theo nghề của cha, song vì những lý do khách quan, tôi không thể theo học ngành y như cha mong muốn. Dù vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi may mắn được chọn đi học đại học ở Liên Xô, được đào tạo bài bản để làm tốt công việc của mình.
Lúc nào cũng học
Cha tôi lúc nào cũng học. Năm 1955, sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, dù đã được phong chức danh giáo sư trong đợt đầu tiên, đã biết tiếng Pháp và tiếng Anh, nhưng tối tối sau giờ làm việc, cha tôi vẫn lóc cóc đạp xe đi học tiếng Nga cho đến khi đọc được sách chuyên môn về y học. Đến tận những năm cuối đời, tối nào ông cũng học, cũng đọc sách. Có lần, tôi thấy ông cặm cụi đọc một cuốn sách tiếng Anh về lý thuyết thống kê. Thấy tôi ngạc nhiên, ông giải thích: "Ba phải đọc quyển này để biết cách xử lý số liệu trong y học".
Là một bác sĩ nội trú được đào tạo ở Pa-ri (Pháp) và có cuộc sống khá đầy đủ, nhưng sau năm 1945, cha tôi đã từ bỏ tất cả để đi theo Cách mạng, đi theo kháng chiến. Những lúc khó khăn, ông không bao giờ kêu ca, phàn nàn. Tôi chỉ tiếc là cha tôi không sống được đến ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Năm 1972, cha tôi ốm nặng, được Bộ Y tế đưa sang điều trị ở Trung Quốc. Sau đó ông mất và được mai táng ở đó. Hai mươi hai năm sau, năm 2004, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Bộ Ngoại giao và một số bà con Việt kiều, gia đình tôi mới tìm thấy di hài của cha tôi và làm thủ tục đưa về Việt Nam.
Qua cuộc đời cha tôi, càng thấy rõ luật nhân quả. Cha tôi sống hiền lành, cả đời trị bệnh cứu người cho nên chẳng những ông mà cả con cháu ông cũng được hưởng cái phúc đó. Cuộc đời của anh chị em chúng tôi không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, song vào những thời điểm khó khăn nhất, bao giờ cũng có người động viên, giúp đỡ (trong số đó có những học trò cũ, bệnh nhân và thương binh trước đây đã từng được cha tôi cứu chữa). Tôi tin rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp với những gia đình sống lương thiện.
Giáo sư, Viện sỹ Đặng Vũ Minh (thứ 2 trái sang) tại Lễ trao Huy hiệu Đảng cho Phó chủ tịch
Hội KHKT Cầu đường Việt Nam Phạm Quang Tuyến và Tổng thư ký Ngô Đức Nguyên
GS Đặng Vũ Hỷ sinh ngày 17/3/1910 tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một dòng họ khoa bảng lâu đời. Sau khi học xong 4 năm ở trường Y khoa Hà Nội (nay là Đại học Y Hà Nội), ông sang Pháp học bác sĩ nội trú. Năm 1937, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú ở Pháp. Ông được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về 2 cuốn sách chuyên khảo, 16 công trình nghiên cứu bệnh phong, bộ giáo trình Bệnh da liễu và 32 công trình nghiên cứu khác. Tiếp nối cha, 4 người con của ông (2 người theo ngành y, 2 người theo ngành hóa học), người nào cũng đạt được vị trí nhất định.