CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

NHÀ KHOA HỌC KỸ THUẬT CẦU ĐƯỜNG TIÊU BIỂU NGUYỄN XUÂN TRỤC

2015/2/3 10:10 - Ngô Đức Nguyên

Trong ngôi nhà chung của những người làm khoa học kỹ thuật và quản lý cầu đường Việt Nam, hầu như ai cũng biết GS-TSKH Nguyễn Xuân Trục. Những cán bộ tốt nghiệp từ Khoa Cầu đường - Trường Đại học Bách Khoa và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, càng có cơ hội hiểu biết Anh - Người thầy và Chủ nhiệm khoa kính yêu của mình. Trong sự nghiệp giáo dục trồng người - một trong những nghề cao quý nhất mà Anh đã trọn đời cống hiến, Anh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.


Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Xây dựng - nơi mà Anh đã gắn bó lâu dài từ năm 1961 đến năm 2000 với bao kỷ niệm thầy trò và đồng nghiệp. Ngôi nhà A7 của gia đình Anh đã và đang sinh sống cũng nằm trong tập thể Đại học Xây dựng, ngõ 194, đường Giải Phóng, bên kia đường sắt Bắc - Nam. Ở Trường Đại học Xây dựng, là cán bộ lãnh đạo, quản lý - Chủ nhiệm Khoa Cầu đường, Anh vẫn trực tiếp kiêm nhiệm Trưởng bộ môn Đường ô tô, nên từ nhiều năm nay Anh là chuyên gia đầu ngành của nước ta về lĩnh vực này. Từ ngày được nghỉ chức vụ (năm 2000) cho đến nay, Anh tiếp tục tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Xây dựng và đảm nhiệm cương vị Trưởng ngành Đường - Trường Đại học dân lập Phương Đông.

Anh là một trong hai người đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước phong hàm Giáo sư chuyên ngành đường bộ và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân trong lĩnh vực này. Đồng thời Anh cũng đã tham gia nghiên cứu hàng chục công trình khoa học quốc gia và chuyên ngành, tham gia biên soạn nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, khoảng 20 đầu sách được xuất bản...Với trình độ và uy tín của mình, Anh được chỉ định là thành viên Hội đồng xét chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư của Nhà nước với nhiều nhiệm kỳ. Do gắn bó lâu năm, có nhiều hiểu biết và cống hiến cho ngành GTVT, Anh được cấp trên chỉ định là ủy viên Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình giao thông trọng điểm như cầu Chương Dương, đường Hồ Chí Minh, cầu Nhật Tân, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Đó cũng là những công trình dấu ấn trên con đường phát triển của ngành GTVT Việt Nam.

Đối với Hội KHKT Cầu đường Việt Nam - Anh là người cán bộ, hội viên đặc biệt. Anh tham gia Ban Chấp hành Hội ngay từ Đại hội thành lập vào cuối tháng 12/1987, liên tục cho đến Ban Chấp hành khóa VI đương nhiệm. Hiện nay, Anh là Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kiêm Trưởng Tiểu ban đường thuộc TW Hội KHKT Cầu đường Việt Nam. Anh làm việc hết sức tận tình, chu đáo với ý thức trách nhiệm cao và lương tâm nghề nghiệp, từ việc soạn thảo các văn bản tư vấn phản biện xã hội các đề án, dự án do Bộ GTVT giao cho Hội, đến việc tham gia hiệu đính bản dịch phần tiếng Việt – Từ điển thuật ngữ hầm đường bộ do Hiệp hội Đường bộ toàn cầu (PIARC) đang tiến hành xây dựng và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lược dịch...

Trong cuộc sống đời thường, tuy là người có nhiều chức danh khoa học và danh hiệu cao quý, song Anh rất khiêm tốn, giản dị, gần gửi anh em và được mọi người quý mến. Tôi có dịp cùng Anh đi dự Hội thảo KHKT tại Thanh Hóa, Hội thảo quôc tế tại Đà Nẵng, có cảm nhận về sự kính trọng và vui mừng của nhiều cán bộ trong ngành khi được gặp lại Anh - người Thầy trước đây. Một hôm ở Đà Nẵng, Chủ tịch UBND Thành phố và phu nhân đã thân tình đón mời Anh về nhà chơi và cùng ăn tối với gia đình. Anh cũng là người rất giờ giấc. Một lần hẹn Anh 7h 00 có mặt tại cổng Trường Hà Nội - Amstecdam, đường Hoàng Minh Giám để cùng đi giã ngoại đường Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội - Thanh Hóa, tôi đến sớm chừng 15 phút nhưng đã thấy Anh tranh thủ tập thể dục ở cổng trường. Rất tiếc hôm đó, chị Phạm Thị Vân – người vợ hiền, phúc hậu và cũng là sinh viên thời kỳ đầu của Anh do sức khỏe nên không cùng đi được. Chị Vân là kỹ sư cầu, làm việc suốt cuộc đời ở Viện Thiết kế giao thông, nơi tôi đã công tác 22 năm, nên cũng là đồng nghiệp thân thiết một thời. Chị đã vượt qua bao vất vả, một mình nuôi dạy, chăm sóc các con trong hoàn cảnh chiến tranh, thiếu thốn phải đi sơ tán trong những năm Anh ở nước ngoài.

GS Nguyễn Xuân Trục (người đứng) tham gia Đoàn Chủ tịch và đang phát biểu tại Hội thảo góp ý kiến sửa đổi

Hiến pháp 1992 - ngày 7/3/2013 tại Hà Nội do Hội KHKT Cầu đường Việt Nam và Viện KHCN GTVT đồng tổ chức.

GS-TSKH-NGND Nguyễn Xuân Trục đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba và nhiều Huy chương, Bằng khen khác. Anh được Tổng hội Xây dựng Việt Nam tôn vinh là “Nhà khoa học kỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX”. Tại Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội KHKT Cầu đường Việt Nam (ngày 20/12/2007) ở Nhà hát lớn Hà Nội, GS Nguyễn Xuân Trục vinh hạnh được Trung ương Hội trân trọng trao Bằng và Biểu tượng tôn vinh là “Nhà khoa học kỹ thuật cầu đường tiêu biểu”, cùng đợt với các vị nguyên Bộ trưởng Nguyễn Văn Trân, Bùi Danh Lưu, Lê Ngọc Hoàn,...

Từ một TNXP tham gia bảo đảm giao thông phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi chuyển về công trường 111 làm đường ở Lai Châu, tiếp đến được cử đi học và sau đó là Nghiên cứu sinh tại Liên Xô (cũ). Với hơn nửa thế kỷ đứng trên giảng đường Đại học, trong đó có 5 năm giảng dạy tại Đại học Algerie (TP Tlemcen - Liên Xô cũ), mấy năm giảng dạy Đại học ở Angieri, nên Anh cũng là một người thầy đặc biệt. GS Nguyễn Xuân Trục - một trong những cán bộ rất đáng tự hào và trân trọng của Hội KHKT Cầu đường Việt Nam ■



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH