Các hãng taxi tại Hà Nội sẽ giảm giá cước từ 300-1.000 đồng/km. (Ảnh: TTXVN)
Sau các lần giảm giá xăng dầu thời gian qua, các hãng taxi Hà Nội đã chính thức kê khai giảm giá cước taxi với mức giảm thấp nhất là 300đồng/km và cao nhất là 1.000đồng/km.
Theo thống kê từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tính đến chiều 25/2, đã có 41 doanh nghiệp vận tải kê khai giảm giá cước taxi qua các lần giảm giá xăng dầu gần đây. Trong lần giảm cước này, có thể kể đến các hãng có số lượng xe lớn như Mai Linh, Vạn Xuân, taxi Hoàn Kiếm…
Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh (taxi Mai Linh) cho biết, đơn vị đã vừa gửi văn bản đến các cơ quan chức năng thông báo giảm giá cước 500 đồng/km đối với taxi 4 chỗ và 600 đồng/km đối với taxi 7 chỗ. Thời gian bắt đầu thực hiện kể từ ngày 26/2.
Đối với giá cước taxi Mai Linh tại các tỉnh và thành phố khác, đơn vị này sẽ căn cứ trên tình hình thực tế của mỗi địa phương để điều chỉnh giảm giá cước cho phù hợp.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hãng taxi Vinasun cho biết sẽ giảm cước vận tải taxi 500 đồng/km. Cụ thể, với taxi chạy phạm vi dưới 30km, mức cước chỉ còn 14.000 đồng/km (xe 5 chỗ), 15.000 đồng/km (xe 8 chỗ) và 16.000 đồng/km (xe 8 chỗ đời mới). Trước đó, tại cuộc họp về giá cước vận tải ngày 22/2, theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh, hãng taxi cũng không muốn tăng hay giảm giá vì mỗi lần tăng giảm, điều chình tốn kém rất nhiều.
“Taxi không dại gì mà ôm một cái giá không sát với mặt bằng thị trường, vì doanh nghiệp làm vậy thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay, gần như các hãng phải ‘trông’ nhau,” ông Tạ Long Hỷ phân trần lý do chần chừ giảm cước.
Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong tháng Hai này phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước. Các Sở Giao thông Vận tải có hướng dẫn trên địa bàn mình quản lý trong việc kê khai giá cước giảm phù hợp với giá xăng dầu.
Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình để triển khai việc kê khai giảm giá cước vận tải một cách đơn giản. Hiện nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải địa phương cho rằng quá nhiều thủ tục, mất thời gian, chả hạn có thể gửi mail trước và gửi hồ sơ sau.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đặt câu hỏi về công thức để tính toán, liên hệ giữa biến động của xăng dầu và cước vận tải sẽ tính toán như thế nào? Nếu giá xăng dầu thay đổi dẫn đến giá cước vận tải thay đổi ở một mức nào đó có phải báo cáo hay không, như ở mức dưới 10% thì có phải báo cáo hay không?./.