Còn nhớ thời điểm này cách đây khoảng ba năm, công tác đầu tư xây dựng cơ bản của ngành GTVT đang rơi vào giai đoạn khó khăn chưa từng có.
Việc chuyển nhượng quyền khai thác các công trình đường cao tốc đã hoàn thành
sẽ giúp có thêm kinh phí để đầu tư những dự án giao thông khác Ảnh: Tiến Mạnh
Nghị quyết 11 cắt giảm đầu tư công được ban hành, cộng với những tác động không nhỏ còn rơi rớt lại do những đợt bão giá liên miên trong lĩnh vực xây dựng khiến cả doanh nghiệp và những nhà quản lý lao đao. Hệ quả là hàng loạt công trình thiếu vốn, phải đình hoãn, giãn tiến độ, nằm “đắp chiếu” kéo dài. Không ít nhà thầu đứng bên bờ vực phá sản. Số công trình, dự án giao thông được khởi công, khánh thành cũng suy giảm nhiều.
Nhưng trong bối cảnh “nguy nan” ấy, như nhiều người vẫn nói, “trong cái khó lại ló ra nhiều cái hay”, ngành GTVT đã có tầm nhìn chiến lược và những bước đi đột phá chưa từng có. Thời điểm đó, dù các dự án xã hội hóa mới đếm được trên đầu ngón tay, nhà đầu tư chưa mặn mà, cơ chế chính sách gần như chưa có gì trong tay,…
Đó là chưa kể đến việc cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước vẫn có tâm lý quen “sài” vốn ngân sách, nhiều người không chịu thay đổi. Vậy mà lãnh đạo Bộ GTVT vẫn quyết tâm xã hội hóa bằng mọi giá. Hành lang pháp lý chưa có thì tìm mọi cách xây dựng, thậm chí “gõ cửa” từng bộ, ngành cơ quan chức năng để tháo gỡ.
Điều đó khiến môi trường đầu tư giao thông chưa khi nào cởi mở, thông thoáng và hấp dẫn các nhà đầu tư đến vậy. Nếu như trước đây, tâm lý các nhà đầu tư chỉ nặng về lợi nhuận, thì nay ngành GTVT đã kết hợp hài hòa giữa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích cộng đồng, Nhà nước.
Thực tế, chủ trương và bước đi đột phá đó là rất đúng đắn, phát huy hiệu quả to lớn. Với số vốn lên tới 160 nghìn tỷ đồng từ xã hội hóa để triển khai 65 dự án, đã san sẻ đáng kể gánh nặng cho ngân sách, giảm nợ công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay.
Không dừng lại ở kết quả đó, để thu hút thêm nhiều nguồn vốn nữa, tới đây ngành GTVT tiếp tục chủ động rà soát, tháo gỡ cơ chế, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư.
Cuộc hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” mà Bộ GTVT giao cho Báo Giao thông chuẩn bị tổ chức vào cuối tuần tới là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Với sự chủ động, quyết liệt và bước đi đúng đắn đó, thời gian tới, làn sóng đầu tư và nguồn vốn “khủng” từ xã hội hóa được dự báo sẽ tiếp tục đổ vào lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Theo giaothongvantai.com.vn