Được coi là công trình lớn nhất xây dựng hoàn toàn bằng nội lực của ngành Cầu Việt Nam thời điểm khởi công năm 2005, tuy nhiên cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng để lại nhiều kỷ niệm không mấy tốt đẹp về tiến độ, bão giá, nợ đọng triền miên, nhất là tai tiếng về những vết nứt trụ gần đây.
Chủ đầu tư đã từng phải xin gia hạn thời điểm hoàn thành cầu Vĩnh Tuy
Hoàn toàn bằng nội lực
Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường hai đầu cầu khoảng 5,8km. Trong đó, chiều dài cầu vượt sông Hồng lên tới 3,7km, chiều dài cầu vượt QL5 khoảng 364m, còn chiều rộng cầu là 38m - vào loại rộng nhất Việt Nam thời điểm đó. Ngoài ra, cầu Vĩnh Tuy còn có tuyến nhánh kết nối với hệ thống giao thông trong khu vực. Đây là mạng lưới giao thông quan trọng của thành phố góp phần phân chia lưu lượng xe, giảm ách tắc giao thông nội đô qua cầu Chương Dương cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hai khu vực Bắc - Nam sông Hồng.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Nhân - nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) nay là Phó chủ tịch Hội KHKT cầu đường Việt Nam cho biết, cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng là sản phẩm nội hoàn toàn, lần đầu tiên do Hà Nội tự bố trí vốn thực hiện và giao cho Ban Quản lý Dự án hạ tầng Tả Ngạn làm chủ đầu tư, quản lý dự án. Các đơn vị tham gia thi công đều là những Tổng lớn, có uy tín và thương hiệu trong ngành GTVT và của Bộ Quốc phòng như các: Cienco 1, 4, 8, Thăng Long, Công ty 319. Đơn vị thiết kế cũng là một doanh nghiệp của ngành GTVT - TEDI.
“Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu bê tông dự ứng lực lớn thứ hai ở Hà Nội bắc qua sông Hồng, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần tự lực của người Việt Nam. Bằng nguồn lực và trí tuệ của mình, ngành cầu nước ta đã làm nên một công trình bề thế, hiện đại giữa Thủ đô 1.000 năm tuổi, mở rộng không gian, gắn kết hai bên bờ sông Hồng để Hà Nội phát triển và cất cánh” - Tiến sỹ Nhân nhấn mạnh.
Buồn vì “lụt” tiến độ và nợ đọng
Dù có quy mô tầm cỡ và ý nghĩa lớn đối với hệ thống giao thông Thủ đô. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, với nhiều người, đặc biệt là những người trong ngành GTVT, ấn tượng khó quên nhất với cầu Vĩnh Tuy chính là những câu chuyện dai dẳng về “lụt” tiến độ và nợ đọng triền miên.
Theo Tiến sỹ Nhân, cầu Vĩnh Tuy được khởi công từ tháng 3/2005 và dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Ban đầu, công trình có tổng mức đầu tư chỉ 3.589 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp của dự án là 1.830 tỷ đồng; đền bù, GPMB là 1.322 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có chậm tiến độ GPMB, trượt giá vật tư khiến công trình “đội” lên tới 5.500 tỷ đồng. Tiến độ dự án cũng phải lùi lại đến hơn 2 năm và phải tới tháng 9/2009 mới có thể khánh thành, đưa vào khai thác.
Quá trình thi công, chủ đầu tư năm lần bảy lượt “khất” và phải xin gia hạn thời điểm hoàn thành. Còn nhớ đầu năm 2007, thời điểm công trình phải về đích theo đúng kế hoạch, chủ đầu tư xin gia hạn thêm khoảng nửa năm. Thế nhưng, “tiến độ lùi” này cũng không đảm bảo được. Một lần nữa Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất lại và gia hạn thời điểm thông xe kỹ thuật cầu Vĩnh Tuy trước Tết Mậu Tý (2008) và khánh thành cầu vào cuối quý II/2008. Nhưng rồi thời điểm thông xe và khánh thành trên cũng bị “phá sản”. Chờ đợi mòn mỏi, cuối cùng ngày 30/6/2008, Ban QLDA hạ tầng Tả Ngạn và các nhà thầu mới tổ chức hợp long nhịp cầu chính. Nhưng vì nhiều lý do, hơn một năm sau đó, đến tháng 9/2009 cầu mới có thể khánh thành, đưa vào khai thác.
Cùng với chậm tiến độ, bão giá và nợ đọng vốn cũng là “điểm nhấn” khó quên của cầu Vĩnh Tuy. Quá trình thi công cầu cũng là thời điểm bão giá leo thang vùn vụt. Ông Cấn Hồng Lai - Tổng giám đốc Cienco 1 - một trong những nhà thầu chính thi công cho biết, có thời điểm sắt, thép tăng 4- 5 lần so với dự toán ban đầu. Lúc đầu giá thép chỉ khoảng 6.000 đồng/kg. Nhưng lúc cao điểm lên tới hơn 20.000 đồng/kg. Cả chủ đầu tư và nhà thầu đều đau đầu lập dự toán điều chỉnh phân khai khối lượng, lập dự toán bổ sung để thực hiện tạm thanh toán. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, không một nhà thầu nào nhận được phần tạm thanh toán điều chỉnh giá. Hơn nữa, rất nhiều phần khối lượng đã thi công, nghiệm thu nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán cho nhà thầu.
Tuy nhiên, lo nhất của các nhà thầu thi công cầu Vĩnh Tuy là vấn đề nợ đọng kéo dài. Theo ông Lai, đến nay, gần như tất cả các tổng công ty ngành GTVT thi công cầu Vĩnh Tuy còn đang bị chủ đầu tư nợ đọng. Sau gần 5 năm hoàn thành, đưa vào khai thác, Cienco 1 còn bị đọng tại công trình này khoảng 70 tỷ đồng. Các Cienco 4, 8, Thăng Long cũng trong tình cảnh tương tự, mỗi đơn vị còn bị nợ lại vài chục tỷ đồng. “Do phần khối lượng nợ đọng quá lớn, thời gian kéo dài, trong khi nhà thầu vẫn phải chịu lãi vay nên chẳng còn đâu lời lãi, thậm chí bù lỗ. Tại nhiều cuộc họp về công trình này, trực tiếp lãnh đạo các Cienco đề nghị Bộ GTVT vào cuộc “đòi nợ hộ” để giải quyết khó khăn, nhưng sau nhiều năm tình hình vẫn chẳng tiến triển” - ông Lai kể.
Đau đầu “bắt bệnh” những vết nứt
Chưa qua nỗi buồn chậm tiến độ và nợ đọng, thời gian qua, cầu Vĩnh Tuy cũng để lại không ít tai tiếng về những vết nứt tại một số thân trụ, nhất là tại trụ H22. Ngày trung tuần tháng 2/2014, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức kiểm tra hiện trường và xác định nguyên nhân ban đầu của vết nứt trụ H22 cầu Vĩnh Tuy.
Ông Nguyễn Xuân Tân - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, vết nứt dọc trụ H22 nhiều khả năng là do co ngót bê tông, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ. Trụ H22 vẫn đảm bảo khả năng khai thác an toàn. Trụ cầu này do nhà thầu Tổng công ty XD Thăng Long thi công.
Ông Phan Quốc Hiếu, Tổng giám đốc Tổng công ty XD Thăng Long cho biết, trong quá trình triển khai thi công, nhà thầu đã tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy trình, quy phạm. Khi công trình hoàn thành được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu đầy đủ. Công trình được bàn giao khai thác từ năm 2009 và đã hết hạn bảo hành từ lâu.
“Dù vậy, khi phát hiện vết nứt dọc tại trụ H22, Tổng công ty XD Thăng Long vẫn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường và thống nhất phương án thuê Cục Giám định Bộ Xây dựng, tư vấn độc lập và các chuyên gia đầu ngành về kiểm định để làm rõ nguyên nhân” - ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, những vết nứt này cũng khiến các cơ quan chức năng và nhiều chuyên gia đau đầu nghiên cứu, tìm giải pháp “bắt bệnh”. PGS. TS Bùi Xuân Cậy - Trưởng Bộ môn Đường bộ, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, để xác định chính xác nguyên nhân nứt cần giám định cụ thể. Nếu chỉ là nứt do bị co ngót bê tông thì không có gì nguy hiểm bởi nó không ảnh hưởng đến chất lượng công trình như: Khả năng chịu lực, khả năng chống thấm. Đây là tình trạng xảy ra đối với hầu hết công trình có kết cấu bê tông khác. Để khắc phục, chỉ cần bơm keo phủ kín vết nứt để bảo vệ kết cấu, nhất là cốt thép bên trong.
Còn Tiến sỹ Nguyễn Văn Nhân lại cho rằng, thông thường nứt do co ngót chỉ xảy ra trong thời gian đầu mới đưa vào khai thác. Thực tế cầu Vĩnh Tuy đã đưa vào sử dụng từ năm 2009 nên cũng không thể loại trừ việc nứt do nguyên nhân từ chịu lực, hoặc chất lượng vật liệu tại vị trí này không đảm bảo cường độ. Quá trình thi công chỉ cần một chút sơ sẩy là cường độ không đảm bảo ngay và sau một thời gian khai thác, vị trí đó sẽ phá ra, gây nứt. Mặc dù vậy, tất cả điều này đều chỉ là giả định, để xác định chính xác thì phải kiểm định kỹ lưỡng.
Ở một khía cạnh khác, ông Hà Đình Cẩn - Nguyên Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh cho biết, với công nghệ như hiện nay hoàn toàn có đủ khả năng xử lý những sự cố như trường hợp của cầu Vĩnh Tuy. Thông thường người ta sẽ sử dụng keo Epoxy bịt lại bảo vệ thép không bị gỉ.
Không rõ đến giờ, phía chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đã có giải pháp gì triệt để xử lý vết nứt tại trụ H22 cầu Vĩnh Tuy. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, những vết nứt này vẫn luôn là vấn đề thời sự, nhận được sự quan tâm, dõi theo không chỉ của người dân Thủ đô mà của người dân trên địa bàn cả nước.
Cầu Vĩnh Tuy có kết cấu phần trên dạng dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực bố trí theo sơ đồ nhịp liên tục 90m+6x135m+90m. Mặt cắt ngang dầm dạng hộp vách xiên có vách ngăn ở giữa. Chiều cao dầm thay đổi từ 8m tại đỉnh các trụ đến 3,2m tại giữa nhịp. Nhịp dầm được thi công theo công nghệ đúc hẫng. Liên kết giữa kết cấu nhịp dầm với các trụ thông qua các gối cầu. Kết cấu phần dưới gồm các trụ từ T17 đến T25. Các trụ đều được đặt trên kết cấu móng khoan nhồi.