Ngoài số tiền 9 triệu Euro mà Sytra đang yêu cầu phải trả để họ tiếp tục hợp tác, không biết còn chuyện gì sẽ xảy ra với tuyến tàu điện đầu tiên ở Thủ đô?
Có lẽ không phải bàn thêm về sự cần thiết khi xây dựng tuyến tàu điện Nhổn – ga Hà Nội, dù rằng khi dự án này được công bố thì đã có những chuyên gia chỉ ra sự bất hợp lý trong thiết kế vì có tới 8 ga trên cao, chỉ có 4 ga dưới lòng đất.
Có lẽ cũng không cần phải lăn tăn nhiều tới số tiền rất có thể phải chi ra thêm (9 triệu Euro) nếu muốn đơn vị tư vấn Sytra (Pháp) tiếp tục hợp tác để hoàn thành dự án này vào cuối năm 2018. Bởi việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội bây giờ đã bị coi là quá chậm so với thế giới văn minh. Thủ đô không thể mãi lạc hậu.
Có lẽ nhiều người dân sẽ cảm thấy buồn phiền trước sự việc này, nhưng rồi chuyện cũng sẽ nhanh chóng trôi qua, vì “chậm tiến độ” vẫn là bài ca quen thuộc ở Hà Nội.
Có thể kể tới đó là dự án cầu Vĩnh Tuy vài lần xin gia hạn tiến độ so với dự kiến ban đầu. Dự án này khởi công từ tháng 2/2005, dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2007 với số vốn đầu tư rất lớn – gần 3.600 tỷ đồng.
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhấn mạnh: Công trình phải được thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đặc biệt phải quán triệt tinh thần chống thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản.
Nhưng rồi UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đã cho phép lui thời hạn hoàn thành đến tháng 9/2007 với lý do quen thuộc… “nhiều khó khăn”. Rồi sau đó lại tiếp tục “gia hạn” thêm 12 tháng nữa, dự kiến hoàn thành đầu năm 2008. Tính toán của các nhà nghiên cứu độc lập đã chỉ ra rằng, lần chậm tiến độ này gây thiệt hại do phải trả tiền lãi lên đến khoảng 130 tỷ đồng.
Bi hài hơn nữa là tới thời hạn hoàn thành thì UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT lại tiếp tục lùi thời hạn hoàn thành tới Tết Âm lịch 2008. Nhưng trên thực tế thì phải tới tận ngày 26/9/2010 Hà Nội mới tổ chức được lễ khánh thành cây cầu này.
Một buổi lễ được hoành tráng, nhưng sau đó không thấy nhắc tới trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức nào nữa. Mọi chuyện cũng rơi vào quên lãng!
Không chỉ "giật" kỷ lục chậm tiến độ mà bây giờ cây cầu này còn bị nứt 3 trụ, đích thân Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã phải xuống thị sát mà cũng chưa biết hướng xử lý cụ thể sẽ ra sao. Nhưng có một điều chắc chắn là nhiều người dân sẽ cảm thấy bất an trước thông tin này.
Bến xe buýt Cầu Giấy là điểm làm nhà ga trong thiết kế tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội
nhưng vẫn đang "án binh bất động".
Kỷ lục chậm tiến độ thứ hai phải nói tới cầu Nhật Tân. Nhớ lại khi ấy ông Nguyễn Thế Thảo đi thị sát đã nói: “Sự vào cuộc của cả hệ thống trong giải phóng mặt bằng còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, như chủ đầu tư, nhà thầu với chính quyền địa phương”; rồi ra “tối hậu thư” với Chủ tịch Quận Tây Hồ về thời hạn cuối để GPMB.
Cuối cùng thì cầu Nhật Tân cũng xong, nhưng cũng không thể tránh được những thiệt hại kéo theo khi nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đòi bồi thường 200 tỷ đồng vì chậm bàn giao mặt bằng khiến công việc bị chậm 1,5 năm (người ta lý giải một cách khôn khéo là chi phí phát sinh). Mà việc xử lý mặt bằng lại là trách nhiệm của Hà Nội.
Ở dự án lần này, ông Thảo cũng ra tối hậu thư với các đơn vị triển khai dự án. Chưa rõ cái mốc cuối năm 2018 có phải gia hạn tiếp không, nhưng chắc chắn là sẽ có thêm cả trăm tỷ đồng “đội nón ra đi”, vì sự yếu kém của các đơn vị quản lý ở Thủ đô.
Và, người ta có quyền đặt ra câu hỏi: Chẳng lẽ lãnh đạo Hà Nội không rút ra được bài học gì từ sự cố chậm tiến độ cầu Vĩnh Tuy, cần Nhật Tân, và hàng chục dự án khác… mà lý do thì đã quá quen thuộc là “vướng mắc giải phóng mặt bằng”?
Vướng mắc trong GPMB suy cho cùng là chính sách đền bù. Đã một thời, người ta thu hồi đất của dân, đền bù rẻ mạt rồi xây các khung chung cư cao tầng bán với giá ngất ngưởng, nên người dân thấy bất bình, thành ra nhiều dự án sau này dân không mấy tin tưởng vào chính quyền là có cái lý của họ.
Chi li ở những khâu quan trọng nhất, nhưng Hà Nội lại “chơi sang” khi có sân vận động cấp huyện được đầu tư cả trăm tỷ đồng; thậm chí còn định làm 14 cái nhà vệ sinh bạc tỷ... khiến cho một người vốn trầm tĩnh như Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch cũng phải thốt lên: “Ta đã nghèo lại còn thích ăn chơi hoành tráng, chỉ để lại cái tiếng thôi, còn hiệu quả thực thì không có”.
Người dân vẫn đi... "tàu điện trong mơ"
Nhắc đến độ xa xỉ ở Hà Nội và yếu kém trong quản lý dẫn tới những thiệt hại tiền tỷ, chợt nhớ tới nhiều thân phận nghèo khổ còn lẩn khuất đâu đó ở khắp các miền quê trên dải đất hình chữ S này. Đó là các cháu học sinh ở Tây Bắc mơ ước được ăn bữa cơm có thịt và không còn phải học trong những cái "chuồng".
Đó là những cô giáo ở miền Tây Thanh Hóa nghèo khổ, phải mời khách bằng những con nòng nọc. Có nữ sinh phải tìm đến cái chết vì quá nghèo, không có được một triệu đồng để nộp phạt vì vi phạm luật giao thông như ở Tây Nguyên.
Có người phụ nữ đã quyên sinh để cho gia đình được nhận sổ hộ nghèo như ở miền Tây Nam Bộ... Tất cả họ có nằm mơ chắc cũng không thấy được mức độ xa xỉ ở Hà Nội. Sự xa xỉ ấy suy cho cùng là “nhờ” cung cách quản lý của lãnh đạo Thủ đô mà ra cả.
Vậy nhưng mỗi khi có sự cố xảy ra thì chẳng một ai dám nhận trách nhiệm. Vì nhận thì có thể sẽ mất chức, mất rất nhiều quyền lợi. Và vì chẳng ai nhận trách nhiệm hay phải chịu trách nhiệm nên người dân vẫn đi... "tàu điện trong mơ".
Nói tới đây, chợt nhớ đến một câu nói nổi tiếng của ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KTTƯ: “Cán bộ không nghèo, nhưng cũng không thể hèn”.