Những con đường thênh thang từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã đang dần được nâng cấp, xây dựng, mang lại cho Điện Biên - mảnh đất lịch sử vùng Tây Bắc - một diện mạo mới.
Giao thông đi trước mở đường
Nếu như hệ thống giao thông hào chằng chịt vốn được ví như chiếc thòng lọng từng ngày, từng tháng thít chặt quân Pháp, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng thì ngày nay, hệ thống giao thông mới đang mang lại cho tỉnh miền Núi Tây Bắc lịch sử này những cơ hội phát triển mới.
Ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên cho biết, dù là một tỉnh miền Núi khó khăn, nhưng trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của T.Ư cũng như những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cơ sở hạ tầng giao thông của Điện Biên hôm nay đã có nhiều thay đổi, Điện Biên hôm nay đã mang một diện mạo mới, khang trang hơn, thuận tiện hơn, đường đến với Điện Biên không còn “xa tắp” nữa.
Theo thống kê của Sở GTVT, hiện có 108 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, phường, thị trấn đi lại các mùa, còn 22 xã ô tô đến được trung tâm trong mùa khô.
Kỹ sư trẻ Nguyễn Xuân Phúc, Phó phòng Kỹ thuật và Quản lý giao thông, là thế thệ thứ 2 được sinh ra và lớn lên ở cánh đồng Mường Thanh lịch sử. Bố mẹ Phúc gốc Thái Bình lên Điện Biên theo diện xây dựng vùng kinh tế mới. Bốn anh em Phúc đều được sinh ra tại mảnh đất này. “Giờ mình là người Điện Biên rồi. Lấy vợ sinh con, mảnh đất này đã trở thành một phần trong mình” - anh Phúc tâm sự.
Dẫn chúng tôi đi thăm một số công trình gấp rút chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Phúc hào hứng khoe, Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa thống nhất đổi tên đường 7/5 thành đường Võ Nguyên Giáp.
“Đường 7/5 trước đây hay đường Võ Nguyên Giáp ngày nay có chiều rộng 32m, dài gần 8km, xuất phát từ xã Thanh Minh qua các phường Him Lam, Tân Thanh, Mường Thanh và Nam Thanh của TP Điện Biên Phủ đến cầu C4. Đây là tuyến đường hai chiều dài, rộng và đẹp nhất thành phố. Tuyến đường này đi qua nhiều di tích liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ như: Đồi Him Lam, đồi D1, đồi A1, nghĩa trang A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ” - anh Phúc cho biết. Cũng theo anh Phúc, mỗi con đường ở Điện Biên đều gắn kết với chiến thắng lịch sử, trấn động địa cầu.
Tới gần khu di tích Mường Phăng, qua Tỉnh lộ 141, anh Phúc cho biết, con đường này trước đây đường chỉ dành cho xe thồ, nay đã được đầu tư thành đường GTNT. Tháng tư, hai bên đường hoa trẩu nở trắng rừng, thơm mát, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều bạn trẻ. Trong những ngày tháng 5 lịch sử, hàng vạn cựu chiến binh, du khách về đây tham quan cơ quan đầu não, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy trận đánh lịch sử năm xưa.
QL279, QL12 dẫn vào TP Điện Biên Phủ, nơi gắn với các di tích Hầm Đờ Cát, Đồi A1, D1... cũng đã được cải tạo nâng cấp. “Kế thừa truyền thống, chúng tôi, thế hệ trẻ của Điện Biên hôm nay đang từng bước nỗ lực dựng xây, đi trước mở đường, góp phần thay đổi diện mạo của mảnh đất đầy bom, đạn này” - anh Phúc chia sẻ.
Nối Điện Biên gần hơn với cả nước
Điện Biên hôm nay không còn xa với cả nước. Mỗi ngày, tại đây có gần 30 chuyến xe xuất bến (chưa kể xe từ các tỉnh lân cận và các chuyến liên vận quốc tế từ Lào đến Điện Biên), trong đó, cùng với cơm lam, múa sạp... thì “chuyên cơ mặt đất” cũng được coi là một trong những “đặc sản” độc đáo của Điện Biên hôm nay.
Với dịch vụ vận tải chất lượng cao bậc nhất cả nước, những chiếc xe giường nằm khởi hành từ Điện Biên được mệnh danh là “chuyên cơ mặt đất”. Hành khách đi xe được tạo một không gian riêng với một cabin rộng rãi với các tiện ích như tích hợp giường mát xa, màn hình DVD có ổ cứng đi kèm để hành khách lựa chọn phim, ca nhạc yêu thích. Trong mỗi khoang hành khách được miễn phí đồ uống từ bia, nước ngọt, bánh ngọt, khăn lạnh và một bữa ăn đêm miễn phí tại trạm dừng nghỉ ở Mộc Châu.
Anh Thắng - điều hành xe của Công ty cổ phần du lịch Xuân Long cho biết, từ ngày mở chuyến đến nay, xe luôn cháy chỗ. “Điều mà hành khách cảm thấy hài lòng hơn cả, không hẳn ở dịch vụ tiện nghi đi kèm mà chính là ở thái độ phục vụ và ý thức chuyên nghiệp của lái xe” - anh Long lý giải.
Anh Nguyễn Đức Kiên, hiện đang xây dựng công trình giao thông ở Điện Biên đi cùng chuyến xe cho biết, trước đây mỗi lần đi công tác lên Điện Biên, đi xe cả chục tiếng đồng hồ, mệt mỏi, tốn kém, giờ chỉ lên xe “đánh một giấc” 6h sáng đến nơi, ăn sáng là vào làm việc được ngay, tiện lợi đủ đường.