CHUYÊN MỤC CHÍNH

TẠP CHÍ
CẦU ĐƯỜNG VIỆT NAM

Số 25, Tập thể Sư 361, ngõ 35 Nguyễn Bá Khoản Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tel: 0818547216
Email: cauduong308@gmail.com
 

Ôtô Việt Nam: Thua Campuchia, mải miết làm giàu cho... nước ngoài!

2015/1/8 20:37 - Thanh Huyền

Ôtô Việt Nam: Thua Campuchia, mải miết làm giàu cho... nước ngoài! Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại


 

 

 Toàn quy hoạch chiến lược trên trời!

 
PV: - Theo tổng cục Thống kê, năm 2014, số lượng ô tô nhập nguyên chiếc là 72.000 chiếc, giá trị tương đương 1,57 tỷ USD, chiếm một nửa lượng tiêu thụ của cả thị trường. Theo ông, điều này có dự báo xu hướng của thị trường sắp tới là xe nguyên chiếc nhập khẩu hay không và vì sao? Ngành lắp ráp ô tô trong nước sẽ đối mặt với những áp lực như thế này từ xu hướng này?
 
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Trong một vài năm gần đây, dù nền kinh tế suy thoái, thế nhưng việc mua sắm ô tô vẫn khởi sắc, lượng cầu vẫn gia tăng theo từng năm.
 
Nhưng một thực tế nhìn thấy rõ, đó là người dân chỉ chuộng xe nhập khẩu nguyên chiếc, đơn giản là vì ngành lắp ráp trong nước, một là, không dự báo được thị trường nên không đáp ứng được nhu cầu; hai là, kiểu dáng ô tô VN không hấp dẫn, nên người tiêu dùng muốn nhập khẩu nguyên chiếc để đảm bảo chất lượng cũng như mẫu mã hợp thị hiếu.
 
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nhiều hay không lại phụ thuộc vào chính sách nhà nước, vì 2 lý do: một là, do hiệp định về hội nhập, hiệp định về thương mại tự do, cộng đồng ASEAN, đối tác chiến lược với Nhật Bản, Liên minh châu Âu, tất cả đều có một hiệu quả giảm thuế nhập khẩu, đó là xu hướng thuế phải giảm, thì giá ô tô nhập khẩu sẽ rẻ dần đi.
 
Hai là, chiến lược quy hoạch và chiến lược phát triển ô tô trong nước như thế nào, từ trước đến nay, chúng ta đều không có quy hoạch rõ ràng. Thị trường ô tô nội địa chỉ là sân chơi cho một số tập đoàn ô tô lớn đầu tư vào VN, nhưng chủ yếu là lắp ráp, cụ thể như tập đoàn của Ford, châu Âu, Hàn Quốc.
 
Thời gian qua, DN ô tô nội địa cũng đã phá sản nhiều, chỉ làm được một vài loại hình ô tô đơn giản, công nghệ không phức tạp.
 
Trong khi, bất cứ nước nào khi nói đến công nghiệp hóa (CNH) thì đều nói đến công nghệ ô tô, chúng ta cũng đặt mục tiêu phấn đấu CNH nhưng công nghiệp ô tô thì bỏ rơi. Toàn đi quy hoạch chiến lược trên trời còn không thực hiện được chiến lược cụ thể.
 
Từ đó, để thấy rõ ràng thị trường trong nước, nhu cầu mua sắm ô tô đang ngày càng tăng lên, nhưng tỷ lệ cung lại không đủ, nên bắt buộc phải tăng lượng nhập khẩu ô tô.
 
Tất nhiên, những khó khăn chúng ta vẫn đang mắc phải đó chính là do rào cản thuế giảm, lắp ráp khó khăn, chủ yếu lệ thuộc, linh kiện phụ tùng được nhập khẩu từ nước ngoài, vì vậy, chất lượng lắp ráp không thể bằng sản phẩm nguyên chiếc. Từ đó, sản xuất ô tô trong nước sẽ không còn đường để phát triển, có chỗ đứng trên thị trường.
 
Còn việc thua xa nước ngoài là do nhà nước, mỗi chiến lược trừ thuế, chiến lược đánh thuế, đều chỉ được vẽ trên giấy, cứ nghĩ rằng nếu tăng thuế lên cao thì sẽ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, nhưng thực chất là làm lợi cho DN đầu tư nước ngoài lắp ráp ô tô tại VN.
 
PV:- Trên thực tế, tại hội nghị công bố chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô VN mới đây, ông Metelo Jesus Arias - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã nêu kiến nghị, mong giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp lắp ráp trong nước, đồng thời giữ trần thuế nhập khẩu nguyên chiếc trong cam kết FTA.
 
Điều này có phải minh chứng cho việc ngành sản xuất trong nước không chống đỡ được với xe nhập khẩu hay không, thưa ông? Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này khi trên thực tế giá xe lắp ráp cạnh tranh hơn rất nhiều so với xe nhập khẩu?
 
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Để phát triển được cả một ngành ô tô thì không thể dựa vào một chính sách thuế, chúng ta phải xác định đó chỉ là chính sách hỗ trợ, khuyến khích, nên đừng lạm dụng nó.
 
Điều quan trọng cơ bản nhất ở đây là có xây dựng được DN sản xuất, lắp ráp ô tô tốt hay không? Có DN giỏi, có người quản lý tử tế, có công nghệ hiện đại để làm hay không?
 
Còn nếu như các DN cứ trông chờ vào ưu đãi thuế thì làm sao xây dựng được một ngành ô tô, trong khi phải có chính sách khoa học công nghệ, chính sách đầu tư sản xuất, chính sách hỗ trợ DN, chính sách quản lý tốt. Nếu có ưu đãi thuế thì cũng chỉ ở mức độ, mấy chục năm qua chúng ta cũng chỉ áp dụng chính sách giảm thuế nhưng có tạo ra được đột phá nào không?
 
Loay hoay nhưng vẫn không sáng tạo ra được loại ô tô nào, trong khi các nước như Campuchia cũng đã có, các nước nhỏ hơn như Malaysia, Thái Lan cũng đã đều làm được, còn chúng ta với mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành chiến lược CNH - HĐH, nhưng nếu không sáng chế được ô tô thì làm sao hoàn thành được?
 
Để thấy rằng, đã là chính sách phát triển thì phải đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt DN làm ô tô, đừng trông chờ vào thuế. Hiện nay, ngành ô tô đã rơi vào tình trạng ngày càng thua kém, lạc hậu, nhưng cứ đòi giảm thuế nữa thì sẽ đi đến đâu, trong khi thất bại từ chính sách này đã nhìn thấy, đó là chính sách ngắn hạn, nó chỉ mang tính chất hỗ trợ, khuyến khích, cái cần nuôi dưỡng thì không làm.
 
 
Việt Nam mãi mãi chỉ là thị trường tiêu thu
 
PV:- Từ khi có Chiến lược phát triển ngành ô tô tới nay, ngành sản xuất ô tô Việt Nam hiện nay vẫn đang là lắp ráp, chưa làm được trục khuỷu, sơn ô tô... Vậy phải hiểu những kiến nghị bảo vệ nền sản xuất ô tô trong nước như thế nào, thực chất là để thúc đẩy ngành sản xuất ô tô hay là bảo hộ cho những doanh nghiệp FDI?
 
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Đáng lẽ ra, nếu muốn sản xuất ô tô thì phải nắm bắt được khoa học công nghệ sản xuất, trình độ kỹ thuật tiên tiến, nhưng ở đây, DN nào cũng chỉ lắp ráp kiếm lời trước mắt, nên VN mãi chỉ là thị trường tiêu thụ ô tô, giỏi lắp ráp.
 
Từ đây, Bộ công thương phải làm chiến lược cụ thể, như trong 5 năm phải dựng được những DN nào, làm cái gì, làm bộ phận nào, đạt trình độ quốc tế không, không nên đưa ra những lời hứa hão.
 
Phải làm bằng năng lực của mình, khoa học công nghệ của mình, bằng công nhân, kỹ sư của mình, không nên để ngành công nghiệp cơ khí VN kém xa thế giới. Từ trước đến nay, ngành cơ khí vẫn dường như bị bỏ bê, không được quan tâm, chúng ta mới chỉ quan tâm đến những chiến lược trên trời - dưới biển.
 
Thực trạng đau lòng hơn, đó chính là hiện nay, chỉ có khoảng 10% DN lắp ráp, còn lại toàn DN nước ngoài lắp ráp, có nghĩa chúng ta đang đi làm giàu cho DN nước ngoài.
 
Lắp ráp ở VN hiện đang rất ít, giá trị gia tăng vẫn còn rất thấp chỉ có 7-8%, không đáng kể. Vì thế, hiện nay, cần phải mở chính sách cho nhập khẩu thoải mái chứ đưa rào cản thuế quan cũng không giải quyết được.
 
PV:- Do việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình, Tập đoàn ô tô Mazda (Nhật Bản) đã tuyên bố chọn Thái Lan làm cơ sở sản xuất với quy mô lớn nhằm cung cấp sản phẩm cho khu vực Đông Nam Á. Một thương hiệu ô tô lớn của Hàn Quốc, mà rất nhiều người hy vọng sẽ đầu tư vào Việt Nam là Hyundai, mới đây cũng đã tuyên bố tập trung cho sản xuất tại Malaysia.

Ông dự báo xu hướng lựa chọn lại địa điểm đầu tư sẽ khiến cho ngành lắp ráp ô tô Việt Nam phải đối diện với những khó khăn như thế nào? Và hạn chót cho chiến lược phát triển ô tô Việt Nam, nền sản xuất ô tô Việt Nam sẽ có được những gì?
 
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Đến bây giờ không một hãng nào quy hoạch VN là điểm sản xuất ô tô, mà lựa chọn hầu hết là các nước xung quanh, VN chỉ là thị trường lắp ráp và tiêu thụ, để thấy sai lầm trong chiến lược phát triển ngành cơ khí và ô tô của VN.
 
Nếu không nhận ra và nhìn thấy, sửa chữa nhanh thì thiệt hại vô cùng lớn, vì tiêu dùng ô tô của người dân đang ngày càng tăng.
 
Hơn thế, đầu tư ngành này không hề đơn giản, không phải 1 - 2 năm là sẽ làm xong được ngay, để làm được 1 chiếc ô tô cần hàng vạn chi tiết, hàng vạn nhà máy làm linh kiện, sản xuất thép cũng phải thép chuẩn, làm chiến lược đó phải dồn toàn lực.
 
Cuối cùng, VN vẫn mãi chỉ là thị trường nhập khẩu linh kiện và lắp ráp mà không làm được chiếc ô tô nào. Ngày xưa, chúng ta đề ra phải phấn đấu đạt được 50-70% nội địa hóa, nhưng giờ có nổi 10% không, sau 30 năm?
 
- Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ



GỬI Ý KIẾN


VIDEO CLIP
Xem thêm >>
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH