Trao đổi với PV, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện nay các dự án đường sắt đang triển khai được điều chuyển về Bộ Giao thông có tổng vốn đầu tư 7.000-8.000 tỷ đồng, song các dự án chuẩn bị đầu tư các năm tới có tổng vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Đông, việc sáp nhập hai ban quản lý dự án đường sắt về Bộ Giao thông Vận tải để lãnh đạo Bộ có thể chỉ đạo trực tiếp, sâu sát hơn trong giai đoạn này. Ngoài ra, để tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm và minh bạch hóa trong quản lý dự án, phòng chống vi phạm, tham nhũng, nhất là dự án ODA mà Việt Nam đã cam kết với các nhà tài trợ.
Để quản lý dự án đường sắt với nguồn vốn lớn, nhất là nguồn vốn ODA, Bộ Giao thông sẽ triển khai các hệ thống kiểm tra giám sát, thanh tra để thực hiện đúng cam kết; trên hết sẽ quy trách nhiệm cụ thể và xử lý trách nhiệm với những người vi phạm.
Lãnh đạo Bộ Giao thông cho biết, trong tháng 9 hai ban quản lý dự án đường sắt sẽ phải hoàn tất thủ tục bàn giao các dự án, cùng với đó sẽ kiện toàn bộ máy tổ chức của Ban dự án đường sắt trực thuộc Bộ.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã chậm tiến độ 2-3 năm. Ảnh: Bá Đô.
Ban quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông sẽ tiếp nhận 13 dự án từ Tổng công ty Đường sắt và 5 dự án từ Cục Đường sắt. Những dự án "khủng" phải kể tới là dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội (Yên Viên - Ngọc Hồi), vốn vay ODA Nhật Bản với tổng mức đầu tư giai đoạn một gần 19.500 tỷ đồng và giai đoạn hai là 24.825 tỷ.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc với tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 891 triệu USD (tương đương hơn 18.000 tỷ đồng). Ngoài ra, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai được đầu tư với tổng kinh phí trên 5.760 tỷ đồng.
Mới đây, Bộ Giao thông đã có kết luận một loạt sai sót của chủ đầu tư là Tổng công ty đường sắt tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội giai đoạn I. Đó là vi phạm thời gian lựa chọn nhà thầu, không đăng tải nội dung kế hoạch đấu thầu… Tổng công ty đã lấn át quyền hạn của Ban quản lý dự án như Tổng giám đốc là ông Nguyễn Hữu Bằng vẫn trực tiếp ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn gói thầu với liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (JKT).
Ngoài ra, hầu hết dự án đường sắt đang thực hiện đều bị chậm tiến độ nhiều năm, có sai sót của chủ đầu tư trong phê duyệt dự toán nên tổng vốn các dự án phải điều chỉnh khá lớn.
Trước đó, một loạt lãnh đạo Tổng công ty đường sắt và Ban quản lý đường sắt trực thuộc cũng đã bị điều tra vì sai phạm liên quan việc đưa và nhận hối lộ của Công ty Tư vấn đường sắt Nhật Bản (JTC).